1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Trái phiếu Việt Nam "hot" nhất châu Á bất chấp căng thẳng Biển Đông

(Dân trí) - Bất chấp tình hình căng thẳng trên Biển Đông, các nhà đầu tư quốc tế vẫn đang đổ xô mua trái phiếu của các doanh nghiệp Việt Nam niêm yết bằng USD, khiến trái phiếu Việt Nam "hot" nhất châu Á quý vừa qua.

Theo hãng tin Bloomberg, với mức sinh lời 4,2%, trái phiếu niêm yết bằng USD của Việt Nam đã vượt qua toàn bộ 14 quốc gia châu Á khác trên bảng chỉ số Bank of America Merrill Lynch.

Việc Trung Quốc gây hấn không làm các nhà đầu tư vào Việt Nam nản lòng
Việc Trung Quốc gây hấn không làm các nhà đầu tư vào Việt Nam nản lòng

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

* Giá vàng giảm 200.000 đồng/lượng trong tuần này

* Thủ tướng đôn đốc dự thảo Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu

* Kinh tế Triều Tiên tăng trưởng 1,1% năm 2013

* Thủ tướng bổ nhiệm Chủ tịch Vinatex, Vinacomin

Sự hấp dẫn của trái phiếu các doanh nghiệp Việt Nam thể hiện qua việc mức lợi tức phải trả cho các nhà đầu tư liên tục giảm mạnh. Lợi tức trái phiếu của tập đoàn Vingroup đến hạn năm 2018 đã giảm 0,81% trong quý vừa qua, xuống còn 8,213%. Trong khi đó, lợi tức của trái phiếu do ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam phát hành, đến hạn năm 2017 đã sụt 0,63%, xuống còn 5,315 %.

Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) thì cho biết việc chi phí huy động vốn giảm sẽ hỗ trợ cho kế hoạch chào bán trái phiếu của ngân hàng này, Bloomberg đưa tin.

“Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đang nhắm tới mục tiêu tăng trưởng kinh tế khoảng 6,5% trong giai đoạn 2016 – 2020, tăng so với mức 5,4% của năm ngoái, trong bối cảnh chính phủ có những bước đi để thu hút đầu tư nước ngoài và đẩy mạnh xuất khẩu.

Các nhà quản lý vốn cho biết căng thẳng liên quan đến giàn khoan dầu Hải Dương 981 của Trung Quốc trên khu vực Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam sẽ không kéo dài, và sự khan hiếm trái phiếu trên thị trường sẽ càng kích thích nhu cầu tăng cao”, bài báo nhận định.

Nhà quản lý quỹ cấp cao Sergey Dergachev, người đang tham gia quản lý danh mục trái phiếu tại các thị trường mới nổi trị giá 10 tỷ USD cho tập đoàn Union Investment Privatfonds GmbH tại Frankfurt Đức nhận định: “Tại châu Á, Pakistan, Sri Lanka và Việt Nam đang là những nước đem lại lợi tức tốt vào thời điểm này, và điều này đang được các nhà đầu tư khai thác trong qúy này”.

Mức sinh lời cao

Theo bảng chỉ số HSBC Holdings Plc index, trái phiếu niêm yết bằng USD của Việt Nam đã đem lại mức lời lên tới 15,49% cho các nhà đầu tư trong 12 tháng qua, cao nhất tại châu Á.

Cùng thời điểm, trái phiếu USD tại Sri Lanka đem về mức lời 15,45%, trong khi các nước khác trong khu vực như Indonesia, Philippines, Thái Lan hay Singapore chỉ đem về mức lời lần lượt 14,27%, 11,8%, 8,9% và 7,46%.

Mặc dù ngân hàng nhà nước Việt Nam (SBV) đã hạ các lãi suất chủ chốt hồi tháng 3, giảm lãi suất tái chiết khấu từ 5% xuống 4,5% và lãi suất tái cấp vốn từ 7% xuống 6,5%, chi phí vay vốn gần bằng 0% tại Mỹ, châu Âu và Nhật Bản khiến việc đầu tư ra nước ngoài càng trở nên hấp dẫn.

Hạ giá VND

Trong tháng này, SBV cũng đã hạ giá VND lần đầu tiên trong năm nay, để hỗ trợ xuất khẩu, và có thể cơ quan điều hành sẽ hạ giá đồng nội tệ thêm 1% nữa trước cuối năm nay, một bản báo cáo nghiên cứu của ngân hàng ANZ, công bố ngày 19/6 cho biết.

Lạm phát sau khi được kiểm soát dưới 5% trong 4 tháng qua, đã có dấu hiệu tăng tốc lên 4,98% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 6. Điều này có thể giúp các nhà bán lẻ Việt Nam tăng doanh số, nhà phân tích Thomas Jastrzab của Bloomberg nhận định.

Khi triển vọng của nền kinh tế cải thiện, chi phí bảo lãnh các khoản vay của Việt Nam đang giảm xuống. Tính đến ngày 11/6, chi phí bảo lãnh trái phiếu chính phủ đã giảm xuống còn 189,5 điểm cơ bản, thấp nhất kể từ tháng 5/2013. Việt Nam hiện được hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s xếp ở mức B2, mức cao thứ 5 trong nhóm khuyến cáo không đầu tư. Còn Standard & Poor và Fitch Ratings lần lượt xếp hạng BB- và B+.

Rajeev de Mello, nhà quản lý danh mục trái phiếu có quy mô 10 tỷ USD tại Schroder Investment Management cho biết: “Chúng tôi đang nhận thấy một sự khởi sắc mạnh mẽ tại các thị trường châu Á tiên phong. Các quốc gia có mức xếp hạng rủi ro thấp đang được hưởng lợi lớn từ sự ổn định của kinh tế vĩ mô toàn cầu”.

Trong tuần đầu của tháng 6, lượng giao dịch trái phiếu các thị trường mới nổi đã đạt mức kỷ lục trên 2 tỷ USD, trong bối cảnh các nhà đầu tư nước ngoài săn đón các trái phiếu có lợi tức cao, ngân hàng ANZ cho biết.

Theo chỉ số của ngân hàng Mỹ JPMorgan Chase & Co, lợi tức của trái phiếu USD Việt Nam trung bình đạt 3,64%, so với mức 4,53% và 4,32% lần lượt tại Philippines và Thái Lan.

Thanh Tùng
Theo Bloomberg

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”