1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Trái cây ngon không thể xuất khẩu và "tử huyệt" của nông nghiệp Việt

(Dân trí) - Một số loại trái cây, nông sản của Việt Nam rất ngon nhưng chưa thể vào được nhiều thị trường nước ngoài. Điều này cho thấy những hạn chế chất lượng từ đầu vào, cây giống rồi tới quá trình sản xuất, tiêu thụ của các hộ nông dân.


Đa phần hộ sản xuất của Việt Nam là các hộ nhỏ lẻ

Đa phần hộ sản xuất của Việt Nam là các hộ nhỏ lẻ

Manh mún, thiếu liên kết... vẫn là "tử huyệt" của ngành nông nghiệp

Phát biểu tại Diễn đàn “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt” sáng nay 14/, bà Trương Ngọc Ánh - Phó Chủ tịch Uỷ Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc cho rằng, vấn đề an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng bỏng, được xã hội quan tâm và cơ quan quản lý cũng có nhiều chỉ đạo. Tuy nhiên, tình trạng thực phẩm không an toàn vẫn diễn biến phức tạp.

“Nguyên nhân là đa phần hộ sản xuất của Việt Nam là các hộ nhỏ lẻ, đặc biệt nông nghiệp chủ yếu theo mô hình nông hộ nên quá trình từ đầu vào đến đầu ra, tiêu thụ không theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm, ảnh hưởng lớn tới nền sản xuất nông nghiệp sạch”, bà Ánh nói.

Bà Ánh cũng dẫn ví dụ với một số loại trái cây, nông sản của Việt Nam rất ngon nhưng chưa thể vào được nhiều thị trường nước ngoài. Điều này cho thấy những hạn chế chất lượng từ đầu vào, cây giống rồi tới quá trình sản xuất, tiêu thụ của các hộ nông dân.

“Theo dõi còn thấy nguyên nhân sâu xa là người nông dân chưa nắm được kiến thức để làm thế nào sản xuất ra nông sản sạch, khi có sản phẩm thì tiêu thụ ở đâu để không rơi vào tình trạng được mùa mất giá. Đây cũng là nguyên nhân khiến vấn đề đảm bảo an toàn thực phẩm chưa được nâng lên thành yêu cầu cao”, bà nói thêm.

Theo bà Ánh, bên cạnh việc vận động người nông dân cam kết ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, khánh sinh thì cũng cần phải khuyến khích nông dân tham gia mô hình hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp để có điều kiện tiếp cận với công nghệ và có cơ hội cung ứng ra thị trường sản phẩm chất lượng.

GS Trần Đức Viên, nguyên Giám đốc Học viện Nông nghiệp Việt Nam cho biết, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), từ năm 2010, Việt Nam đã không còn là nước nghèo và chuyển sang hình thức phát triển nông nghiệp và nông thôn mới. Tuy nhiên, Việt Nam đang đối mặt 3 vấn đề lớn: Tăng trưởng giảm, nông nghiệp tổn thương do khí hậu và môi trường và khoảng cách giữa thu nhập trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp lớn.

“Theo khuyến cáo của WB, Việt Nam phải thay đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, từ sản xuất nông nghiệp sang kinh doanh nông nghiệp bởi nông nghiệp đóng góp 20% GDP và từ 25-30% tổng lao động xã hội. Thay đổi cơ cấu bằng cách thúc đẩy liên kết ngang giữa nông dân - nông dân và liên kết dọc giữa Chính phủ - nông dân - doanh nghiệp - nhà khoa học. Trong đó, nhà nước phải thay đổi vai trò sang làm khuyến nông, đưa ra chính sách hỗ trợ thị trường, còn cái gì của tư nhân trả cho tư nhân làm, của nông dân trả cho nông dân thực hiện", ông nói.

Muốn cạnh tranh phải có "đại gia"

Nói về giải pháp phát triển ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn- Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn cũng cho rằng: "Chúng ta không thể cạnh tranh bằng chi phí thấp mãi được, giờ muốn cạnh tranh thì phải tìm cách giảm chi phí đầu vào, đầu tư vào chất lượng sản phẩm. Và câu chuyện là phải có doanh nghiệp tham gia vào thì mới làm được".

"Hiện mới chỉ có 4.000 doanh nghiệp tham gia vào nông nghiệp thôi. Nhưng rất may là vừa qua có những doanh nghiệp lớn đầu tư nên khiến thị trường sôi động hơn, nhiều người trước không quan tâm thì giờ lại sốc vác", ông Tuấn nói.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Quốc Doanh cho rằng, doanh nghiệp nông nghiệp hiện có vai trò dẫn dắt nông dân, dẫn dắt nền nông nghiệp phát triển bền vững và hội nhập. Đây cũng là lực lượng chủ lực đưa cơ giới hóa, đưa công nghệ vào nông nghiệp và dẫn dắt kinh tế nông hộ, tổ hợp tác, hợp tác xã cùng phát triển. Doanh nghiệp đi đầu trong tổ chức lại sản xuất chuỗi giá trị từ tổ chức, quy mô sản xuất, đất đai đến tổ chức lại lao động và là hạt nhân liên kết nông dân với thị trường.

Theo ông Doanh, sự tham gia tích cực và đóng góp thiết thực từ phía cộng đồng doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng hình ảnh, thương hiệu của nông sản Việt Nam không chỉ cho việc xuất khẩu sang các thị trường khác mà còn cho thị trường trong nước.

“Chúng tôi đánh giá rất cao những đầu tư gần đây vào nông nghiệp đến từ những nhà đầu tư lớn như Vingroup, Vinamilk, TH Truthmilk… cũng như sự tham gia năng động của hàng loạt doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nông nghiệp, nông thôn. Sự chuyển hướng này mang theo khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Điều này kỳ vọng cho sự bứt phá mạnh mẽ của nền nông nghiệp khi Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế”, ông nói.

Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Vũ Tuyết Hằng – Tổng Giám đốc Công ty VinEco, đơn vị thành viên của Tập đoàn Vingroup cho biết, VinEco đã ký hợp tác với 250 hợp tác xã và hộ sản xuất thuộc các lĩnh vực rau, nấm, gạo, trái cây trong khuôn khổ của dự án liên kết 1.000 hộ sản xuất. Theo hợp đồng được ký kết, VinEco hướng dẫn các hộ sản xuất, thu mua tiêu thụ sản phẩm với việc kiểm soát khép kín từ đồng ruộng đến siêu thị.

"Việc hợp tác giữa doanh nghiệp với nông dân sẽ cắt giảm được tối đa các khâu trung gian, tập trung nâng cao chất lượng nông sản cung ứng ra thị trường. Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp khi tổ chức đào tạo về kỹ thuật, kiến thức cho người dân cũng như thu mua sản phẩm theo sản lượng đã cam kết sẽ đảm bảo đầu ra ổn định cho các hộ sản xuất", bà Hằng cho biết.

Tuy nhiên, theo bà Hằng, trong quá trình hợp tác với các hộ sản xuất đã bộc lộ một số khó khăn. Cụ thể, do đặc thù các hộ sản xuất sở hữu diện tích đất nhỏ lẻ dẫn đến khó khăn trong việc duy trì thường xuyên sản lượng lớn, chưa tạo được vùng nguyên liệu lớn, chuyên canh với chất lượng ổn định. Kiến thức về trồng trọt, an toàn, tiêu chuẩn VietGap còn thiếu, tính tuân thủ và ý thức của hộ sản xuất về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật còn yếu kém. Tính cam kết của hộ sản xuất trong việc cung cấp sản phẩm giai đoạn thị trường khan hiếm sản phẩm còn khó khăn và những rủi ro mất kiểm soát về thiên tai như bão, lũ lụt…

Phương Dung