1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

TPHCM và vùng Đồng bằng sông Cửu Long cam kết hỗ trợ doanh nghiệp

(Dân trí) - Chính quyền TPHCM cam kết tiếp tục cùng với các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các bộ, ngành trung ương nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Đó là cam kết “chắc như đinh đóng cột” của ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM tại “Hội nghị Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long - thành phố Hồ Chí Minh” diễn ra sáng 1/7 do Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và UBND TPHCM đã chủ trì.


TPHCM và 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cam kết hỗ trợ doanh nghiệp

TPHCM và 13 tỉnh đồng bằng sông Cửu Long cam kết hỗ trợ doanh nghiệp

Hội nghị đã giới thiệu cho các nhà đầu tư nước ngoài và trong nước tìm hiểu các dự án mời gọi đầu tư của các tỉnh, thành phố thuộc đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) và TPHCM, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư gặp gỡ, đối thoại với các cơ quan chức năng nhằm tìm hiểu cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư, tháo gỡ những khó khăn để hỗ trợ nhà đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.

Đồng bằng sông Cửu Long (hay miền Tây Nam bộ) là vùng kinh tế xuất siêu của Việt Nam, thế mạnh là lúa gạo, trái cây và thủy sản, nhưng thu hút vốn đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài còn ít. Do vậy, các địa phương trong vùng luôn quan tâm cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính nhằm nâng cao khả năng thu hút đầu tư.

TPHCM hiện là đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, là đầu tàu, động lực của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. TPHCM giữ vị trí cửa ngõ giao thương, đóng vai trò quan trọng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài và lan tỏa đến các vùng lân cận, trong đó có các tỉnh, thành phố ĐBSCL.

Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tham quan các gian hàng
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong tham quan các gian hàng

Lãnh đạo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ cho biết, việc "bắt tay" giữa TPHCM và ĐBSCL là cơ hội để các tỉnh, thành phố mời gọi đầu tư, cũng để các doanh nghiệp phản ánh những khó khăn, vướng mắc về thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư... khi đầu tư vào vùng ĐBSCL, từ đó các cơ quan trung ương, chính quyền địa phương kịp thời tháo gỡ. Mặt khác, các tỉnh, thành ĐBSCL cũng muốn lắng nghe những ý kiến, giải pháp nhằm tăng cường tính liên kết, thúc đẩy hợp tác đầu tư, xúc tiến thương mại, du lịch giữa ĐBSCL với TPHCM.

Ông Takimoto Koji, Trưởng đại diện Cơ quan xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) tại TPHCM cho rằng, TPHCM và khu vực ĐBSCL là trung tâm Asean, nằm giữa Hong Kong và Singapore nên có khả năng phát triển thành trung tâm hậu cần trong tương lai. Vùng ĐBSCL trước đây chưa được doanh nghiệp FDI đầu tư nhiều thì nay đang tích cực thu hút đầu tư từ doanh nghiệp Nhật Bản với lợi thế lớn là đất đai và nhân công giá rẻ.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TPHCM nhận định: “Chương trình Hợp tác Kinh tế toàn diện giữa ĐBSCL và TPHCM là hoạt động liên kết kinh tế mở nhằm tạo cơ hội đầu tư hấp dẫn cho các doanh nghiệp tại vùng kinh tế nông nghiệp lớn nhất Việt Nam. Những năm qua, nhiều giải pháp đã được các địa phương triển khai đặc biệt trong sản xuất lương thực, chế biến nông thủy sản, hoa quả …, đã và đang góp phần quan trọng mang lại hiệu quả kinh tế khả quan cho các địa phương trong khu vực. Vì vậy, việc liên kết giữa TPHCM và vùng ĐBSCL, khu vực đóng góp 18,5% GDP cả nước, là định hướng đúng đắn và lâu dài”.

TPHCM và vùng Đồng bằng sông Cửu Long cam kết hỗ trợ doanh nghiệp - 3

Ông Nguyễn Thành Phong khẳng định, TPHCM luôn hoan nghênh và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu và hoạt động kinh doanh tại thành phố.

Với chính sách thông thoáng, cởi mở và phương châm xem thành công của các doanh nghiệp là thành công của chính mình, ông Nguyễn Thành Phong khẳng định chính quyền TPHCM cam kết sẽ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó, chính quyền TPHCM cam kết tiếp tục cùng với các tỉnh, thành vùng ĐBSCL, các bộ, ngành trung ương nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi và hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Ông tin tưởng từ những ý kiến trao đổi và thảo luận trực tiếp tại Hội nghị, các doanh nghiệp sẽ tích cực nắm bắt nhu cầu của nhau, cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, từ đó xây dựng kế hoạch hợp tác cụ thể và lâu dài.

Công Quang