1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng: Năm 2017, kinh doanh không phải dễ dàng

(Dân trí) - Cho rằng năm 2017 sẽ mở ra những cơ hội mới để doanh nghiệp trưởng thành hơn, tuy nhiên các doanh nghiệp tăng trưởng mạnh nhất năm qua vẫn dự đoán sẽ có nhiều khó khăn đang chờ đợi phía trước, từ giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, chi phí nhân công tăng cho đến sự trỗi dậy của các đối thủ cạnh tranh cùng ngành…

Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa chính thức công bố Bảng xếp hạng FAST500 - Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2017. Đồng thời Top 500 doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam năm 2017 cũng được công bố với mục đích ghi nhận xứng đáng thành quả hoạt động của khối doanh nghiệp chiếm phần đông hiện nay.

Theo đánh giá của đơn vị xếp hạng, giai đoạn 2011 – 2014, tốc độ tăng trưởng doanh thu kép (CAGR) trung bình của Top 500 doanh nghiệp tăng trưởng nhanh nhất Việt Nam tăng nhẹ lên mức 34% so với 31,1% của giai đoạn trước 2010 – 2013, cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã hoàn toàn thoát khỏi nỗi ám ảnh mang tên “khủng hoảng kinh tế”.

Sang giai đoạn tiếp theo 2012 – 2015, tốc độ CAGR trung bình của nhóm doanh nghiệp này tăng lên mức 42,4%. Điều này cho thấy sự trưởng thành vượt bậc của các doanh nghiệp Việt Nam, bất chấp những ảnh hưởng tiêu cực bên ngoài do tình hình bất ổn kinh tế - chính trị thế giới.

Việc Mỹ rút khỏi TPP là một trong những thách thức về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2017
Việc Mỹ rút khỏi TPP là một trong những thách thức về triển vọng kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2017

Xét về loại hình doanh nghiệp, tốc độ tăng trưởng CAGR trung bình của các doanh nghiệp thuộc cả 3 khối doanh nghiệp đều được cải thiện, đặc biệt là khối tư nhân và FDI. Trong khi đó, báo cáo cũng ghi nhận, khối doanh nghiệp Nhà nước, những “ông anh cả đồ sộ” cũng đang tăng tốc dần (CAGR trung bình đạt 33,1%) cùng với tiến trình cổ phần hóa nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động và bắt kịp đà tăng trưởng chung của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.

Ngoài ra, kết quả khảo sát cũng cho thấy, đa phần doanh nghiệp vẫn tỏ ra lạc quan trước kết quả kinh doanh năm 2016. Gần 77% doanh nghiệp phản hồi đánh giá doanh thu năm 2016 tăng lên so với năm 2015, và hơn 82% nhận định lợi nhuận sau thuế tăng lên. Sự lạc quan này sẽ góp phần làm tăng thêm cơ hội tăng trưởng trong năm 2017 của các doanh nghiệp Việt.

Khảo sát cũng chỉ ra rằng, nhu cầu và xu hướng thị trường là yếu tố có ảnh hưởng lớn nhất đến tăng trưởng của doanh nghiệp trong 5 năm trở lại đây, với tỷ lệ lựa chọn “rất ảnh hưởng” đạt mức cao nhất 66,7%.

Các doanh nghiệp FAST500 cho rằng, năm 2017 sẽ mở ra những cơ hội mới để doanh nghiệp trưởng thành hơn nữa. Khi được hỏi về các ưu tiên trong chiến lược kinh doanh năm 2017 thì tăng trưởng doanh thu/ lợi nhuận trong các thị trường hiện tại, giới thiệu sản phẩm/ dịch vụ mới và tăng năng suất là 3 ưu tiên chính của doanh nghiệp với lần lượt lựa chọn là 80,8%, 61,5% và 53,8%.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp cũng dự đoán, sẽ có nhiều khó khăn đang chờ đợi phía trước có thể cản trở họ đạt được mục tiêu tăng trưởng của mình trong năm 2017, điển hình như: Giá cả nguyên vật liệu đầu vào tăng, chi phí nhân công tăng/ khó tuyển dụng được nhân sự tài năng, sự trỗi dậy của các đối thủ cạnh tranh cùng ngành…

Trong đợt khảo sát năm ngoái, các doanh nghiệp lựa chọn việc tiếp tục điều chỉnh giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và giảm lãi suất tín dụng là Top 3 chính sách được mong đợi cải thiện nhất trong năm 2016. Sang năm 2017, quan điểm đã có một chút thay đổi.

Bên cạnh hai vấn đề thường xuyên gây “đau đầu” cho cả doanh nghiệp và các nhà hoạch định chính sách là thủ tục hành chính và thuế thu nhập doanh nghiệp, thì thay vì “giảm lãi suất tín dụng”, cải thiện môi trường pháp lý là vấn đề được doanh nghiệp quan tâm nhiều hơn, kỳ vọng sẽ hỗ trợ tốt hơn doanh nghiệp đến gần với mục tiêu tăng trưởng của mình.

Báo cáo đưa ra nhận định, cộng đồng doanh nghiệp Việt đang phải trải qua giai đoạn chuyển đổi với nhiều thách thức từ trong và ngoài nước. Theo ý kiến các chuyên gia, 2017 sẽ là một năm “bất định” cho tăng trưởng, bởi tình trạng biến đổi khí hậu vẫn đang diễn ra hết sức phức tạp, những tổn thất từ ô nhiễm môi trường vẫn còn tồn tại, cùng với những trở ngại của toàn cầu hóa, hợp tác thương mại gặp khó khăn, đặc biệt sau khi Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP…

Tuy nhiên, trong thách thức luôn có cơ hội, cùng với niềm tin tăng trưởng và sự linh hoạt, nhạy bén, năng động trong kinh doanh vốn có, báo cáo cho rằng, các doanh nghiệp hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một sự tăng trưởng bứt phá trong tương lai không xa.

Bích Diệp