1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Tổng thống Trump đe dọa hủy bỏ thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung

(Dân trí) - Tổng thống Donald Trump đe dọa sẽ chấm dứt thỏa thuận thương mại nếu Trung Quốc không đáp ứng các cam kết mua bán.

Trong một cuộc gọi điện thoại vào ban đêm, Đại diện Bộ Thương mại Mỹ, Robert Lighthizer, Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Liu He đã nhanh chóng thảo luận về tiến trình thực hiện thỏa thuận kể từ khi nó có hiệu lực vào giữa tháng hai.

Hai quan chức nội các của phía Tổng thống Trump nói trong một tuyên bố chung rằng cả hai bên đã đồng ý rằng bất chấp tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu hiện nay, cả hai nước đều hoàn toàn mong đợi đáp ứng các nghĩa vụ của mình theo thỏa thuận một cách kịp thời.

Tổng thống Trump đe dọa hủy bỏ thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung - 1

Tổng thống Mỹ, Donald Trump cho biết hôm thứ bảy rằng: “Ông đang rất cân nhắc” về việc có nên chấm dứt thỏa thuận thương mại được gọi là Giai đoạn 1 giữa Mỹ-Trung Quốc hay không, chỉ vài giờ sau khi các quan chức thương mại hàng đầu của cả hai nước cam kết sẽ tiếp tục triển khai thỏa thuận bất chấp sự sụp đổ kinh tế do coronavirus.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết hai bên đã đồng ý cải thiện bầu không khí để thực hiện thỏa thuận Giai đoạn 1, kêu gọi Bắc Kinh tăng cường mua nông sản và hàng hóa sản xuất, năng lượng và dịch vụ của Mỹ thêm 200 tỷ USD trong thời gian tới.

Thỏa thuận giai đoạn 1 này đã tạm thời dừng cuộc chiến thương mại kéo dài 18 tháng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới, với thuế quan “chồng chất” của Mỹ áp lên những hàng nhập khẩu trị giá 370 tỷ USD của Trung Quốc.

Tổng thống Trump, người đã đổ lỗi cho Trung Quốc vì không xử lý sớm dịch coronavirus ở Vũ Hán vào cuối năm 2019 và đã gây ra hàng ngàn cái chết và hàng triệu người mất việc làm ở Mỹ, đã đe dọa chấm dứt thỏa thuận thương mại nếu Trung Quốc không đáp ứng các cam kết mua bán. Ông nói rằng ông sẽ theo dõi và đánh giá những nỗ lực thực hiện thỏa thuận của Trung Quốc trong tuần tới.

Trung Quốc đã bác bỏ tuyên bố của chính quyền Tổng thống Trump về việc khẳng định rằng có bằng chứng coronavirus đến từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán.

Đầu ngày thứ sáu, ngay trước khi Bộ Lao động Mỹ tuyên bố rằng có tới 20,5 triệu việc làm của Mỹ đã bị mất vào tháng tư, Tổng thống Trump nói với Fox News Channel rằng ông đang có một khoảng thời gian “rất khó khăn” với Trung Quốc.

Mặc dù ban đầu, ông rất háo hức về giao dịch thương mại đã ký vào tháng 1, những đại dịch đã thay đổi quan điểm về nó. “Tôi thấy mọi thứ đang khác xa với những gì tôi nghĩ. Tôi đang suy nghĩ rất nhiều về Trung Quốc”, ông Trump nói.

Khi được hỏi liệu ông có phá vỡ giao dịch thương mại giai đoạn 1 hay không, tổng thống Trump nói: “Tôi đang rất giằng xé. Tôi chưa quyết định được”.

Tổng thống Trump và một số quan chức trong chính quyền của ông đã đe dọa các hành động trừng phạt chống lại Bắc Kinh, bao gồm cả thuế quan và chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc.

Trong khi Trung Quốc đã thực hiện một số giao dịch mua hàng nông sản của Hoa Kỳ, một số nhà quan sát cho rằng những giao dịch này đang quá chậm so với tốc độ cần thiết để đạt được mục tiêu năm đầu tiên là tăng 77 tỷ USD hàng hóa, khi nền kinh tế Trung Quốc hiện đang bắt đầu phục hồi sau đại dịch.

Tuy nhiên, các tuyên bố hòa giải từ các quan chức thương mại của Mỹ và Trung Quốc đã giúp thúc đẩy cổ phiếu của Phố Wall vào thứ sáu, cùng với một báo cáo việc làm không tệ như sợ hãi.

Cố vấn kinh tế Nhà Trắng, ông Larry Kudlow, cũng đưa ra ý kiến thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Ông nói trên Đài truyền hình Bloomberg rằng Bắc Kinh tiếp tục nói với Washington rằng họ có ý định đáp ứng các yêu cầu của thỏa thuận.

Hội đồng kinh doanh Mỹ-Trung, đại diện cho các công ty Mỹ kinh doanh tại Trung Quốc, cho biết còn quá sớm để đánh giá sự tuân thủ của Trung Quốc đối với thỏa thuận thương mại. Craig Allen nói trong một tuyên bố sẽ rất bất ổn nếu tổng thống rút khỏi thỏa thuận mà không cho Trung Quốc cơ hội đáp ứng các cam kết của họ.

Phòng Thương mại Hoa Kỳ kêu gọi Bắc Kinh hãy tăng mạnh mua hàng hóa của Mỹ ngay bây giờ, khi nền kinh tế Trung Quốc đang phục hồi, để giữ cho thỏa thuận đi đúng hướng.

Thùy Dung
Theo CNBC