1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Tổng cục Thống kê: "Không bao giờ có chuyện sửa số liệu"

(Dân trí) - Bà Ngô Thị Ánh Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, số liệu CPI sau khi tổng hợp tính toán được trình qua nhiều cấp, nhưng không bao giờ có chuyện chỉnh sửa. Bà Dương cũng lưu ý, CPI Việt Nam vẫn đang cao hơn nhiều nước trong khu vực.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 
 
Góp phần tham luận tại Hội thảo “Lạm phát thấp ở Việt Nam: Cơ hội và thách thức” được Học viện Tài chính (Viện Kinh tế - Tài chính) tổ chức sáng 26/12/2014, bà Ngô Thị Ánh Dương – Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho biết, đầu năm, rất ít người có thể dự đoán chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 2014 lại kết thúc ở mức thấp nhất trong vòng 13 năm. 

Cụ thể, mức tăng CPI tháng 12/2014 so với tháng 12 năm trước tăng 1,84% so với tháng 12/2013 (bình quân mỗi tháng chỉ tăng 0,14%). CPI cả năm 2014 so với cùng kỳ năm trước tăng 4,09%.
 
Bà Dương cũng khẳng định, khi trình số liệu CPI qua nhiều cấp (nhất là những tháng CPI tăng, giảm thất thường), Tổng cục Thống kê không hề điều chỉnh số liệu, “không sửa và không bao giờ có chuyện sửa”, chỉ có trách nhiệm giải trình, lý giải vì sao tăng cao, vì sao giảm.

Toàn cảnh hội thảo bàn về lạm phát thấp sáng 26/12
Toàn cảnh hội thảo bàn về lạm phát thấp sáng 26/12

Tăng CPI tại Việt Nam vẫn cao hơn Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines, Brunei

Xét CPI bình quân năm so cùng kỳ (chỉ tăng 4,09%), thấp hơn nhiều so với mức tăng 6,6% của năm 2013. Sau nhiều năm tăng cao và bất thường, CPI đã chuyển hướng sang một nhịp độ biến động khác. Nếu năm 2012 còn có chuyện tăng giá ồ ạt thì đến năm 2013, việc tăng giá đã có lộ trình và năm 2014, việc tăng giá đã chậm lại.

Theo bà Dương, nếu loại bỏ những cú sốc về tăng giá của vài mặt hàng là xăng dầu, dịch vụ giáo dịch, dịch vụ y tế thì mặt bằng chung về gá hàng hóa, dịch vụ năm 2013 cũng chỉ tăng từ 3-4%, gần tương đương năm 2014.

Trong năm nay, chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng có một năm tăng thấp. Với một thời kỳ không còn quá nhạy cảm với chuyện tăng giá, nền kinh tế sẽ có nhiều điều kiện hơn để tập trung giải quyết những vấn đề gay cấn, khó khăn để phục hồi và mở rộng sản xuất.

Đại diện Tổng cục Thống kê đánh giá, nhìn chung, năm nay, giá tiêu dùng đã có những bước đi chậm, ít gây ra những cú giật mình, nhưng cuối năm CPI vẫn làm nhiều người ngỡ ngàng khi nhiều quy luật bị phá vỡ. Năm nay, giá cả tăng thấp đã khơi dậy nhiều hơn những bình luận tích cực về việc sản xuất sẽ được hưởng lợi do được vay với lãi suất thấp, ít đi những lo ngại về nguy cơ kinh tế thiểu phát.

Bà Dương cũng cho rằng, sẽ ít gặp những trường hợp tốc độ tăng CPI thấp hơn tốc độ tăng GDP (gần 6%) như năm nay, đó cũng là những năm kinh tế thường ổn định. Vì vậy, nhiều chính sách của Chính phủ cần xoay chuyển sao cho phù hợp, thích ứng với diễn biến mới.

Mặc dù vậy, bà Dương cũng lưu ý rằng, CPI tăng thấp là thấp so với chính chúng ta, còn trong khu vực thì dự báo CPI Việt Nam vẫn cao hơn Thái Lan, Singapore, Malaysia, Philippines, Brunei, tương đương với Campuchia, thấp hơn Indonesia, Lào, Myanmar. “Đây là điều cần phải suy ngẫm, tìm lời giải vì sao cùng phụ thuộc vào giá thế giới, cùng điều kiện mở rộng giao lưu kinh tế, nhưng trong khu vực, biến động giá cả ở Việt Nam vẫn cao hơn?” – bà Dương nói.

Giá điện tăng 9,5% làm tăng giá thành sản xuất 0,55%

Về dự báo CPI năm 2015, bà Dương cho biết, với xu hướng hiện tại, lạm phát năm tới khoảng trên dưới 4%. Tuy nhiên, năm 2014 là năm yếu tố dịch bệnh, thời tiết, giá xăng dầu dường như đều tác động có lợi vào CPI thì điều này chưa chắc đã lặp lại vào năm 2015. 

Xét trong bảng cân đối liên ngành, khi giá bán điện năm 2015 tăng lên 9,5% sẽ làm tăng giá thành sản xuất lên khoảng 0,55%, làm giảm tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình 0,58% và làm giảm tốc độ tăng GDP là 0,45%.

Mặt khác, nếu lạm phát 2015 vẫn ở mức thấp sẽ là cơ hội để ngân hàng tiếp tục hạ lãi suất cho vay. Nếu lãi suất cho vay gảm 1% sẽ có tác động tổng hợp tới nền kinh tế, làm GDP năm 2015 tăng thêm khoảng 0,45% và lạm phát giảm khoảng 0,76%. Với tiêu dùng, khi lãi suất huy động và lãi suất cho vay đều giảm sẽ tạo điều kiện khuyến khích người tiêu dùng nhiều hơn. Cầu tăng lại có tác động tích cực đến mở rộng sản xuất và kéo theo tăng trưởng tốt hơn. Vì vậy, trong mối liên hệ kinh tế liên ngành, giá tăng thấp sẽ vừa là cơ hội, vừa là thách thức.

Bích Diệp
 
Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”