1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Tổng Công ty đường sắt sẽ rời “siêu ủy ban” trở về Bộ Giao thông

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đánh giá toàn diện đề xuất chuyển Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam về lại Bộ Giao thông vận tải (GTVT) quản lý.

Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp liên quan đến đề xuất chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam về lại Bộ GTVT quản lý như trước đây.

Tổng Công ty đường sắt sẽ rời “siêu ủy ban” trở về Bộ Giao thông - 1
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam được xem xét chuyển từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp trở về Bộ GTVT

Theo Văn phòng Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhận được một số ý kiến của chuyên gia và Đại biểu Quốc hội đề nghị điều chuyển Tổng công ty Đường sắt Việt Nam từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về trực thuộc Bộ GTVT quản lý để nâng cao hiệu quả hoạt động và vận hành của Tổng công ty.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đánh giá toàn diện những ưu điểm và nhược điểm của đề xuất này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ phương án sắp xếp vào đầu tháng 3/2020.

Năm 2018, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được chuyển giao quyền đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp từ Bộ GTVT về Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, sau khi chuyển giao về Ủy ban, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam gặp nhiều khó khăn trong quản lý, bảo trì hạ tầng đường sắt.

Luật Ngân sách quy định, Tổng công ty không còn là đơn vị trực thuộc Bộ GTVT nên không được giao quản lý, thực hiện vốn bảo trì nữa, trong khi Tổng công ty có cả bộ máy, nhân lực vốn vẫn đang thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Việc giao quản lý vốn bảo trì không chỉ thực hiện mục tiêu bảo trì, duy tu kết cấu hạ tầng đường sắt mà còn bao gồm cả công tác tuần gác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt như tuần đường, gác chắn.

Trong khi đó, theo các quy định hiện hành, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam không được giao nhiệm vụ quản lý vốn các dự án đầu tư mới hay sửa chữa, nâng cấp hạ tầng đường sắt như trước.

Đặc thù của khai thác vận tải trên mạng lưới đường sắt hiện nay là vừa thi công vừa tổ chức chạy tàu, nếu không có được sự quản lý, điều hành tập trung thống nhất từ trên Tổng công ty đến các đơn vị quản lý dự án, nhà thầu, sẽ rất khó khăn trong đảm bảo an toàn, chạy tàu thông suốt.

Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước được thành lập từ tháng 2/2018. Cuối tháng 9/2018, “siêu ủy ban” đã chính thức hoạt động, quản lý 19 tập đoàn, tổng công ty được chuyển về từ các bộ, ngành. Ủy ban có nhiệm vụ quản lý tổng số tài sản khoảng 1,5 triệu tỷ đồng và 820.000 tỷ đồng vốn Nhà nước.

Theo quy định tại Nghị định số 131 ngày 29/9/2018 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, có 7 tập đoàn và 12 tổng công ty được Chính phủ giao Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu.

Trong ngành GTVT, 5 tổng công ty trực thuộc đã được Bộ GTVT chuyển giao về "siêu ủy ban" với trị giá tài sản lên tới 275.000 tỷ đồng, gồm: Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines).

Châu Như Quỳnh