1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Tín dụng bất ngờ tăng vọt ngay đầu năm, liệu có bất thường?

Bất ngờ tăng mạnh ngay từ tháng 2/2015, tín dụng đang diễn biến trái với quy luật thông thường. Tuy sự phục hồi này là đáng mừng, song đã có những cảnh báo về sự quay lại của tín dụng nóng.

Tín dụng bất ngờ hồi phục

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 24/2/2015, tín dụng của toàn nền kinh tế tăng 0,96%. Còn theo thông tin mà phóng viên Báo Đầu tư thu thập được, tính đến hết tháng 2/2015, tín dụng đã tăng trưởng trên 1%. Đây là những con số khá bất ngờ, bởi tín dụng tháng 2 mấy năm gần đây đều tăng trưởng âm, trong đó, tháng 2/2014, tín dụng giảm tới 1,67%.

Tín dụng bất ngờ tăng vọt ngay đầu năm, liệu có bất
thường?
Tín dụng bất ngờ tăng vọt ngay đầu năm, liệu có bất thường?

Trước đó, trong tháng 1/2015, theo nguồn tin của Báo Đầu tư, tín dụng giảm 0,5%, giống như quy luật thông thường mấy năm gần đây.

TS. Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương lý giải, sở dĩ tín dụng tăng trưởng dương ngay từ tháng 2/2015 vì doanh nghiệp đang kỳ vọng vào sự phục hồi kinh tế. Mặt khác, Tết năm nay rơi vào tháng 2 Dương lịch, nên nhu cầu vay vốn cũng tăng mạnh.

Các ngân hàng cũng tỏ ra lạc quan với tín dụng năm nay. Ông Rahn Wood, Giám đốc Dịch vụ bán lẻ Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cho biết, theo nhiều dự báo, kinh tế sẽ ấm lên trong năm nay, do vậy, VIB kỳ vọng tín dụng trong năm 2015 tiếp tục tăng trưởng tốt.

Một liều “thuốc kích thích” với tín dụng là mặt bằng lãi suất đang ở mức thấp và ổn định. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo hệ thống ngân hàng giảm thêm 1 - 1,5% lãi vay trung và dài hạn. Quy định mới cũng cho phép ngân hàng được sử dụng tới 60% vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn (trước đây, tỷ lệ này là 30%).

Thực tế, tín dụng phục hồi năm 2015 là điều được dự đoán từ trước, do lãi suất thấp, giá dầu giảm, kinh tế có dấu hiệu phục hồi… Trước đó, phát biểu tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2015 của VietinBank, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình cho rằng, cầu tín dụng sẽ tăng lên trong năm nay.

Dè chừng tăng tín dụng để “lấp” nợ xấu

Trong bối cảnh kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, tín dụng tăng là dấu hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo, tín dụng tăng vọt trở lại sẽ đẩy ngân hàng vào nhiều rủi ro. Trong đó, rủi ro lớn nhất của việc sống dựa quá nhiều vào tín dụng là nợ xấu. Bên cạnh đó, không loại trừ một số ngân hàng “kích” tín dụng ảo để “che” nợ xấu.

Năm 2014, thị trường đã chứng kiến nhiều ngân hàng tăng trưởng tín dụng rất cao, cùng với đó là tỷ lệ nợ xấu giảm mạnh trong bối cảnh xử lý nợ xấu chung của toàn khối ngân hàng vẫn nan giải. Dù nợ xấu nhiều ngân hàng công bố chỉ 1 - 2%, song theo các chuyên gia, nếu các ngân hàng này chỉ tăng trưởng tín dụng ở mức bình quân của toàn hệ thống (14%) thay vì 30 - 50%, thì nợ xấu sẽ đội lên gấp đôi, gấp ba.

TPBank được xem là trường hợp tăng tín dụng và giảm nợ xấu ngoạn mục nhất. Trong năm qua, tín dụng của ngân hàng này tăng tới 50%, đưa nợ xấu giảm chỉ còn 1%.

Một số ngân hàng khác cũng có mức tăng trưởng tín dụng rất cao, như NamA Bank, VPBank. Hai ngân hàng này vẫn còn giấu kín báo cáo tài chính quý IV, song kết quả tăng trưởng tín dụng quý III của hai nhà băng này tăng 32 - 35%.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc tín dụng tăng trưởng 30 - 50% sẽ có nguy cơ dẫn đến tăng trưởng nóng mà hệ thống ngân hàng từng nếm trải và đang phải giải quyết hậu quả. Vì vậy, các ngân hàng không nên mở quá rộng tín dụng, mà thay vào đó, cần triển khai mạnh các mảng dịch vụ để đưa hoạt động ngân hàng vào chiều sâu và giảm bớt rủi ro.

Thực tế cho thấy, tín dụng tăng trưởng cao cũng chưa hẳn tốt cho nền kinh tế, nhất là khi vốn đó là “ảo” và hoàn toàn không có tác dụng với nền kinh tế. Chính Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cũng nhấn mạnh rằng, việc đưa ra chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 13 - 15% trong năm nay không phải là để phấn đấu đạt được, mà là để hạn chế tín dụng chỉ tăng ở mức này.

“Lợi nhuận của hệ thống ngân hàng từ trước tới nay đến từ tăng tín dụng là chính. Vẫn biết tín dụng là quan trọng, nhưng phải ở tỷ lệ nhất định thì mới an toàn, chứ nếu chỉ chăm chăm chạy theo tín dụng mà không phát triển dịch vụ ngân hàng, thì không thể phát triển bền vững được”, Thống đốc nhận định.

Theo Thùy Liên
Đầu tư