1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Tiến trình cổ phần hóa của Việt Nam đang chậm lại

(Dân trí) - Đánh giá cổ phần hóa là xương sống của các chính sách kinh tế, song Nhóm công tác thị trường vốn VBF nhìn nhận, Việt Nam đang trở nên trì trệ trong nhiệm vụ này.

Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam giữa kỳ năm 2013 (VBF) diễn ra sáng nay (3/6), nhóm công tác thị trường vốn đã đưa ra những nhận xét khá thẳng thắn góp ý với cơ quan Chính phủ về vấn đề thực hiện chính sách ở Việt Nam.

Cổ phần hóa các DNNN đang khá chậm so với mong muốn của nền kinh tế (Ảnh minh họa)
Cổ phần hóa các DNNN đang khá chậm so với mong muốn của nền kinh tế (Ảnh minh họa)

Bán cổ phần nhà nước với giá rẻ là rủi ro không thể tránh

Đại diện cho nhóm này, ông Dominic Scriven, Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital đánh giá, mặc dù chương trình cổ phần hóa các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) của Chính phủ Việt Nam đã gặt hái được một số thành công, song quá trình này thời gian gần đây đã bị chậm lại một phần do sự trì trệ của thị trường chứng khoán (TTCK). 

Với việc cho rằng TTCK rất cần những “hàng hóa có chất lượng” để thu hút nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, nhóm công tác đề nghị Chính phủ cần tăng tốc chương trình cổ phần hóa thông qua việc xác định một lộ trình mới với các tiêu chí rõ ràng và thời gian biểu cụ thể. 

Theo đó, cổ phần hóa DNNN không nên chỉ quan tâm nhiều đến các khía cạnh tài chính mà còn những yếu tố khác như cơ cấu lại khu vực quốc doanh.

Ông Dominic nhấn mạnh, cổ phần hóa là xương sống của các chính sách kinh tế phù hợp và hai ngành chủ lực cần cổ phần hóa trước mắt là viễn thông và ngân hàng. Chìa khóa để cổ phần hóa thành công là định giá, và cách duy nhất để làm được điều này là thuê tư vấn độc lập (các ngân hàng đầu tư danh tiếng) có khả năng đứng ra định giá và chào bán cổ phần theo các tiêu chuẩn quốc tế. 

“Quan ngại về việc có thể bán tài sản của nhà nước với giá quá rẻ và phải chịu trách nhiệm là những rủi ro gắn liền với quá trình này, và điều đáng nói là phần lớn những đợt cổ phần hóa thành công đều là những trường hợp mà chủ sở hữu có sự phân bổ lợi ích để thu hút nhà đầu tư. Định giá phát hành quá cao thường dẫn tới thất bại, hơn nữa cũng cần bán một tỉ lệ đáng kể để  thị trường bảo đảm có thanh khoản, chứ không chỉ là mức vài phần trăm sở hữu” – Ông Dominic thẳng thắn.

Ngoài ra, ông cũng lưu ý, cổ phần hóa phải được gắn với yêu cầu niêm yết bắt buộc. Hiện nay luật đã có quy định doanh nghiệp cổ phần hoá phải niêm yết trong vòng 12 tháng, tuy nhiên trên thực tế quy định này không được tuân thủ triệt để. Nhóm cũng nhận được ý kiến từ các thành viên thị trường đề xuất Chính Phủ, UBCK cần bắt buộc các doanh nghiệp phải niêm yết trong vòng một tháng sau khi cổ phần hoá.

Cần những quyết định dũng cảm và mạnh mẽ

 
Tiếp phần trình bày của trưởng nhóm công tác vốn, Ông Terry Mahony (Chủ tịch Công ty quản lý quỹ Vincapital) nhìn nhận, việc chậm trễ trong cổ phần hóa, một phần do sự thiếu kinh nghiệm của các nhà quản lý.

Một “lỗ đen” nữa theo ông Terry là hệ thống ngân hàng đang gặp nhiều vấn đề. Theo đó, ông Terry cảnh báo, nếu không khắc phục được vấn đề nợ xấu thì Việt Nam sẽ không thể lưu thông tín dụng cho nền kinh tế. 

Hơn nữa, với việc không nắm được chính xác số liệu nợ xấu, ông Terry cho rằng, cần phải có một sự minh bạch trong báo cáo, thống kê tài chính. “Cần phải đảm bảo được sự rõ ràng và nhất quán trong các con số báo cáo nếu không chúng ta sẽ thấy các kế hoạch kinh doanh cũng như kế hoạch đầu tư chỉ là một dự báo mà thôi chứ không thể nào đáng tin cậy được”.

Thể hiện sự tin tưởng, tiềm năng vĩ mô của Việt Nam là rất lớn với một thị trường 90 triệu dân, độ tuổi lao động trẻ, ông Terry liên hệ với trường hợp Brasil, những năm 1980 nước này đã được đánh giá là một quốc gia phát triển rực rỡ trong tương lai cho đến khi Brasil dũng cảm đưa ra những cải cách mới về kinh tế. 

“Vì vậy, chúng tôi đưa ra những ý kiến của mình với tính xây dựng và chúng tôi thấy rằng, thay vì trì hoãn thì Chính phủ cần phải đưa ra những quyết định dũng cảm và mạnh mẽ về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và cải cách khu vực ngân hàng” – ông Terry nói.

Ông cho rằng, cần xem xét và nắm bắt cơ hội, bởi phải tiến hành thực hiện được những nhiệm vụ trên thì Việt Nam mới giải quyết được những vấn đề mang tính vĩ mô.

“Các bạn đừng hiểu sai tôi, tôi vẫn rất tin tưởng vào tương lai của Việt Nam, nhưng chúng ta cần có một sự thức tỉnh để thực hiện các biện pháp cần thiết” – đại diện nhóm Công tác vốn chia sẻ.
Bích Diệp