1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh: Các tỉnh chưa có động lực để tăng thu ngân sách

(Dân trí) - "Tăng thu ngân sách mỗi năm của địa phương nếu tăng thêm được đồng nào thì sẽ khiến họ bị giảm trợ cấp ngân sách từ trung ương từng đồng ấy. Điều đó có nghĩa là họ không được lợi về việc tăng thu ngân sách địa phương, nên không có động cơ tăng thu ngân sách chính mình", TS Vũ Thành Tự Anh, chuyên gia từ Đại học Fulbright Việt Nam nói.

Tại hội thảo “Thúc đẩy đô thị hóa để thu hẹp khoảng cách phát triển: Vai trò của đô thị hóa trong thập kỷ tới” được tổ chức sáng nay (13/9), Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam, đã đưa ra bức tranh chung về thu ngân sách, động lực tăng thu ngân sách khi quá dựa dẫm vào "bầu sữa ngân sách" của một số địa phương và việc cần thiết phải thay đổi điều tiết ngân sách, tài khóa trong bối cảnh mới.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh: Các tỉnh chưa có động lực để tăng thu ngân sách - 1

TS Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng

Đặc biệt, tại đây vị chuyên gia Fulbright đã nêu thực trạng ngân sách Nhà nước đang eo hẹp, chi thường xuyên lớn nhưng một mặt các địa phương phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước vẫn kéo dài tình trạng phụ thuộc.

Tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright Việt Nam, thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng

Trong khi đó, những nơi được coi là "vựa" tăng trưởng, nguồn ngân sách thì đang phải gánh lên vai nguồn thu lớn, trong khi tái đầu tư, nuôi dưỡng nguồn thu và xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ yếu kém.

Theo ông Vũ Thành Tự Anh, thu ngân sách của Việt Nam hiện nay chỉ đủ trả cho nợ vay và chi thường xuyên. Thu ngân sách ở Việt Nam, từ 2012 đến nay đã âm, thu ngân sách của Việt Nam hiện nay chỉ đủ trả cho nợ vay và chi thường xuyên. Mỗi đồng đầu tư là phải đi vay.

Ông này cho rằng: Một nền kinh tế tăng trưởng cao, độ mở lớn và xuất khẩu mà ngân khố quốc gia trống rỗng, đồng vốn đầu tư phải đi vay là không thể chấp nhận được. Một đồng đầu tư là một đồng đi vay thì rất khó chấp nhận.

"Chúng ta đang có thất bại nặng nề về tài chính công, nó liên quan rất nhiều đến khuyến nghị đến không gian tài khóa rất eo hẹp và nếu chúng ta không đẩy mạnh được quá trình công nghiệp hóa, đô thị thì không gian tài khóa còn hẹp hơn nữa", ông Vũ Thành Tự Anh nói.

Theo ông Vũ Thành Tự Anh, hiện các địa phương thu ngân sách cao, đang bị điều chuyển ngân sách về trung ương. Chính vì thế, họ cũng không có động lực thu ngân sách lớn như trước, điều này lý giải tại sao tốc độ thu ngân sách của Hà Nội, TP. HCM - hai trung tâm kinh tế đất nước không cao hơn mức trung bình cả nước.

"Nếu anh là tỉnh có thặng dư ngân sách, nhưng anh lại không có động lực để tăng thu ngân sách bao nhiêu thì rõ ràng lại phải đóng vào ngân sách trung ương bấy nhiêu. Ví dụ, TP.HCM tăng thu 100 đồng, chỉ được giữ lại 18 đồng, còn lại phải giao về trung ương", ông Vũ Thành Tự Anh nói.

Theo vị chuyên gia này, đối với những tỉnh hiện không tự chủ được ngân sách, vẫn phụ thuộc vào bầu sữa ngân sách của trung ương rót cho hàng năm thì: "Tăng thu ngân sách mỗi năm của họ tăng thêm được đồng nào thì sẽ khiến họ bị giảm trợ cấp ngân sách từ trung ương đồng ấy. Điều đó có nghĩa là họ không được lợi về việc tăng thu ngân sách địa phương, nên không có động cơ tăng thu ngân sách chính mình".

Còn đối với các nhóm tự chủ được ngân sách thì cũng chỉ tô vẽ hình ảnh "tôi tự chủ được ngân sách". Tuy nhiên, thực tế họ cũng chẳng đóng góp gì được cho ngân sách trung ương cả. Cả ba nhóm phân loại theo nguồn thu ngân sách, thì họ đều không có động lực.

Theo ông Vũ Thành Tự Anh, Chính phủ nhiều năm qua coi trọng sự công bằng hơn là hiệu quả: từ phân phối tài khóa, đến thu chi ngân sách và chính sách phát triển. Hiện nay, các đô thị đã đến ngưỡng, sự phụ thuộc vào FDI đã được cảnh báo gây hệ quả... Nếu không thay đổi chính sách thì không những không có cả hiệu quả mà còn mất đi sự công bằng.

Theo ông Vũ Thành Tự Anh, hệ quả của việc phân bổ ngân sách cho các địa phương không chỉ khiến các địa phương không cải thiện năng lực chính mình mà còn khiến chúng ta không tái đầu tư nguồn lực vào những chỗ đông dân, năng suất lao động cao để tạo ra giá trị thặng dư lớn cho nền kinh tế.

"Đa số dân số tăng thêm tập trung ở Đông Nam Bộ, Hà Nội và Đà Nẵng tuy nhiên nguồn lực của Nhà nước cho các nơi này không tăng. Điều này có nghĩa rằng, nếu dân số tập trung đông, chi tiêu của ngân sách để xây dựng hạ tầng, đầu tư công, chi thường xuyên không tăng, giảm đi thì không bền vững được", TS Vũ Thành Tự Anh nói.

Nguyễn Tuyền