1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

“Tiền hậu bất nhất” trong vụ dừng xuất khẩu gạo: Bộ Công Thương lên tiếng

(Dân trí) - Trao đổi với PV sáng 25/3, ông Trần Quốc Khánh - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết Bộ đã báo cáo Thủ tướng đề nghị tạm hoãn việc dừng xuất khẩu gạo để có thời gian xác minh số liệu.

“Tiền hậu bất nhất” trong vụ dừng xuất khẩu gạo: Bộ Công Thương lên tiếng - 1

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh trả lời PV về việc đề nghị tạm hoãn ngừng xuất khẩu gạo.

Ngày 24/3, Tổng cục Hải quan có văn bản yêu cầu tạm dừng xuất khẩu gạo, ngay sau đó Bộ Công Thương có văn bản đề nghị Thủ tướng cho hoãn quyết định. Trong khi đó, chính Bộ Công Thương là cơ quan tham mưu Chính phủ việc việc dừng xuất khẩu gạo. Xin Thứ trưởng giải thích rõ hơn về vấn đề này?

Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh: Những tháng đầu năm nay, dịch Covid-19 diễn biến đã và đang gây ra những ảnh hưởng hết sức nghiêm trọng không chỉ ở Việt Nam mà trên toàn thế giới.

Nhu cầu với một số mặt hàng thiết yếu nhu yếu phẩm, trong đó có gạo đang tăng rất nhanh và đã bắt đầu xuất hiện nhu cầu tăng dự trữ lương thực để bảo đảm cuộc sống cho người dân. Giá cả trên thị trường thế giới biến động mạnh.

Trong 2 tháng đầu năm xuất khẩu gạo đã đạt 930.000 tấn, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Giá cả trong nước cũng có biến động theo chiều hướng chung, tăng từ 20-25% tùy theo từng chủng loại thóc cũng như là lúa gạo.

Đứng trước tình hình đó, Bộ Công Thương đánh giá nếu như việc xuất khẩu gạo cứ diễn tiến với tốc độ này Việt Nam có thể đối diện với rủi ro là thiếu gạo cho tiêu dùng trong nước.

Vì vậy chúng tôi đề xuất với Thủ tướng Chính phủ một số đề xuất, cân nhắc một số phương án, trong đó có đưa ra hai phương án tạm giãn tiến độ xuất khẩu gạo, phương án hai xem xét cấp giấy phép xuất khẩu gạo. Sau khi xem xét, lắng nghe ý kiến các bộ ngành, Chính phủ quyết định tạm giãn tiến độ xuất khẩu đến cuối tháng 5.

Tuy nhiên, ngay sau đó chúng tôi nhận được ý kiến một số doanh nghiệp, địa phương nói có độ vênh giữa số liệu Bộ Công Thương có được với số liệu thực tế họ có.

Việc Bộ đưa ra các phương án là dựa trên số liệu Bộ nắm được. Nhưng thực tế chúng tôi không có công cụ mà điều hành dựa trên số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ Tổng cục Hải quan, các hiệp hội…

Như vậy thực tế số lượng tồn kho gạo lớn hơn những gì Bộ nắm được, thưa ông?

Trước đây lượng gạo sản xuất, lượng gạo ký hợp đồng hay gạo tồn kho chúng tôi nắm rất chắc. Tuy nhiên sau khi có Nghị định 107 thì chúng tôi không còn công cụ quản lý số liệu này nữa, tự do hóa hoàn toàn. Doanh nghiệp không phải đăng ký hợp đồng, thông báo số liệu tồn kho nữa cho nên xuất hiện độ vênh số liệu.

Ngay sau khi nhận được phản ánh của doanh nghiệp và các địa phương, chúng tôi ngay lập tức báo cáo lại Thủ tướng cho phép kiểm tra lại số lượng tồn kho trong dân, số lượng tồn kho ở các doanh nghiệp, hợp đồng đã ký kết rồi sau đó quyết định có nên ngừng xuất khẩu hay không.

Dự kiến khi nào có kết quả số liệu chính thức để đưa ra được phương án, thưa ông?

Chúng tôi đã báo cáo lại, bây giờ còn chờ Thủ tướng quyết định. Nếu Thủ tướng đồng ý phương án đó chúng tôi sẽ ngay lập tức làm việc với các doanh nghiệp, UBND các tỉnh.

Một số doanh nghiệp cho biết xuất khẩu trong tháng 3 không lớn như dự báo, thậm chí chững lại. Giờ chưa hết tháng 3 nên chúng tôi chưa có số liệu từ các cơ quan khác. Một số tỉnh khác cũng biết số lượng tồn kho lớn hơn ở trong dân.

Trước đó khi tham mưu cho Chính phủ, Bộ đã đánh giá tác động của việc dừng xuất khẩu gạo đối với doanh nghiệp hay chưa?

Khi chúng tôi đưa ra một số phương án, trong đó có tạm giãn hoặc chế độ giấy phép để kiểm soát tốc độ xuất khẩu thì đều đã tính toán. Tuy nhiên việc đảm bảo an ninh lương thực là quan trọng nhất. Đối với doanh nghiệp nếu phải tạm ngừng thì không phải là huỷ hợp đồng mà do trường hợp bất khả năng.

Chúng tôi cũng tính đến việc làm việc với ngân hàng giãn thời gian trả nợ cho doanh nghiệp. Biết là doanh nghiệp sẽ khó khăn, nhưng phải đặt mục tiêu an ninh lương thực là cao nhất.

Bước tiếp theo Bộ Công Thương sẽ làm gì, có kịch bản như thế nào trong tình huống xấu nhất có thể xảy ra như dịch kéo dài hoặc thiên tai địch họa?

Cho đến hiện nay chúng tôi báo cáo Thủ tướng về tính toán, kiểm tra lại số liệu, khắc phục nếu như có độ vênh.

Về các kịch bản cũng đã có tính toán. Thứ nhất nếu dịch kéo dài đã có dự trữ quốc gia. Cái này Thủ tướng đã có chỉ đạo. Thứ hai là Nghị định 107 cũng yêu cầu các doanh nghiệp dự trữ lưu thông 5% lượng xuất khẩu. Nếu các doanh nghiệp thực hiện nghiêm túc thì luôn đảm bảo có lượng dự trữ trong doanh nghiệp.

Thứ ba, Bộ Công Thương đã chuẩn bị tất cả kịch bản lưu thông phân phối hàng hóa, không để thiếu cục bộ bất kỳ chỗ nào.

Thứ tư, vụ lúa của Việt Nam gieo trồng nhanh, trong thời gian ngắn có thể phục hồi đáp ứng yêu cầu. Trong điều kiện dịch bệnh kéo dài vẫn có thể đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, tuy nhiên tốc độ xuất khẩu phải kiểm soát nhất định. An ninh lương thực phải đảm bảo đưa lên hàng đầu nên Bộ Công Thương mới có đề xuất ban đầu.

Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Nguyễn Mạnh (ghi lại)