1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Tiền dư trong két, ngân hàng còn e

Ngân hàng đang có nhiều con đường để xử lý đồng vốn dôi dư. Trong đó, mua trái phiếu Chính phủ có thể là kênh hấp dẫn và ít rủi ro hơn cho vay.

Tiền dư trong két, ngân hàng còn e
Nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc ngân hàng và họ gặp nhau khó khăn còn do kinh tế khó khăn, bị cụt vốn, doanh nghiệp không trả được nợ dẫn đến quan hệ với ngân hàng trở nên căng thẳng.
 
“Nếu không cứu doanh nghiệp lúc này mà để họ chết thì sang năm ngân hàng lấy ai mà cho vay?”, ông Đoàn Trọng Lý, Tổng Giám đốc Công ty Chăn nuôi, chế biến và xuất nhập khẩu Aprocimex, bức xúc nói.

 

Quả vậy, mặc dù lãi suất đã hạ khá mạnh, thanh khoản của các ngân hàng cũng tốt lên, nhưng không phải vì thế mà doanh nghiệp dễ vay được vốn.

 

Ông Phạm Lynh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Phương Đông, thừa nhận giữa doanh nghiệp và ngân hàng vẫn có những rào cản. Có trường hợp, doanh nghiệp chuẩn bị hồ sơ đi vay chưa kỹ, sắp xếp số liệu tài chính không chuẩn mực.

 

Chẳng hạn, khi ngân hàng hỏi khoản phải thu bán hàng cho ai, rủi ro mức độ nào, doanh nghiệp chưa giải thích được. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp không trả lời được thị trường mục tiêu ra sao, đối tượng khách hàng của mình là ai. Thế nhưng, doanh nghiệp lại cho rằng khó khăn là do ngân hàng.

 

Ông Lý cho biết, một doanh nghiệp ở Huế có giá trị tài sản 130 tỉ đồng đã phải đóng cửa 4 cửa hàng bán hàng nông nghiệp gần một năm nay vì không có vốn.

 

Ông Lại Văn Toàn, đại diện doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Lạng Sơn, chia sẻ, các chi nhánh của một số ngân hàng trên Lạng Sơn cũng thừa vài trăm tỉ đồng nhưng doanh nghiệp không vay được. Tỉnh Lạng Sơn cũng đã thành lập một tổ công tác do Phó Chủ tịch làm tổ trưởng để giải quyết vấn đề về vốn tín dụng nhưng vẫn chưa giải quyết được khó khăn.

 

Theo ông Toàn, ngân hàng và doanh nghiệp đều là doanh nghiệp. Nhưng dường như trong mối quan hệ này, ngân hàng là người trên cơ. Ông đề nghị ngân hàng cần bình đẳng với doanh nghiệp và áp dụng các tiêu chí cho vay linh hoạt hơn. Nếu áp dụng xơ cứng các tiêu chuẩn cho vay như trong điều kiện bình thường, doanh nghiệp khó vay được vốn.

 

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc ngân hàng và họ gặp nhau khó khăn còn do kinh tế khó khăn, bị cụt vốn, doanh nghiệp không trả được nợ dẫn đến quan hệ với ngân hàng trở nên căng thẳng. Do đó, nếu hàng tồn kho không được giải quyết, nợ vẫn còn, doanh nghiệp rất khó vay được vốn. Trong khi đó, theo Viện Phát triển doanh nghiệp thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trong quý III/2012, có tới 34,7% doanh nghiệp có hàng tồn kho tăng hơn quý II.

 

Ông Trần Văn Huynh, Chủ tịch Hiệp hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, cho rằng lúc này hàng tồn kho lớn, doanh nghiệp không dám vay thêm. Theo ông, lãi suất phải giảm xuống dưới 10%/năm mới có thể kích thích doanh nghiệp vay sản xuất.

 

Tính đến ngày 20/9, tăng trưởng tín dụng của cả hệ thống ngân hàng chỉ là 2,35%. Đã có lo ngại rằng, mức tăng trưởng tín dụng cả năm sẽ không đạt mục tiêu 8-10%. Theo Trung tâm Thông tin tín dụng thuộc Ngân hàng Nhà nước, 8 tháng qua, doanh nghiệp chủ yếu vay để đảo nợ.

 

Lãnh đạo một ngân hàng tại TP.HCM cho rằng, không phải cứ có tiền là doanh nghiệp dễ vay được vốn. Nhìn chung, tăng trưởng tín dụng hệ thống ngân hàng 9 tháng qua rất thấp. Vậy vốn dư thừa của ngân hàng chảy đi đâu?

 

Ngân hàng đang có nhiều con đường để xử lý đồng vốn dôi dư. Trong đó, mua trái phiếu Chính phủ có thể là một kênh hấp dẫn và ít rủi ro hơn cho vay. Không phải ngẫu nhiên mà từ đầu năm đến nay, các đợt phát hành trái phiếu Chính phủ khá thành công.

 

Tính đến 27/9, Kho bạc Nhà nước đã huy động được tổng cộng 147.458 tỉ đồng trái phiếu Chính phủ qua hình thức đấu thầu. Lãi suất của trái phiếu không hề thấp, hồi đầu năm khoảng 11,5%/năm. Còn đợt đấu giá vừa rồi, lãi suất khoảng 9,6%/năm. Với việc mua trái phiếu này, ngân hàng có thể đem cầm cố để vay vốn từ Ngân hàng Nhà nước hoặc đem giao dịch lấy lãi.

 

Một kênh tiêu tiền nữa của ngân hàng vào thời điểm này là mua vàng. Lý do là trước đây, ngân hàng nào huy động vàng và đã cho vay bằng vàng với kỳ hạn dài, thì nay đến thời hạn đáo hạn các khoản vàng gửi, ngân hàng phải mua vàng vào để đảm bảo trả cho khách hàng gửi vàng. Rất có thể, đây cũng là một nguyên nhân đẩy giá vàng trong nước vài tuần vừa rồi liên tục tăng mạnh và hiện vẫn chênh lệch tới trên 2 triệu đồng/lượng so với giá thế giới.

 

Cũng không loại trừ việc các ngân hàng huy động vốn mới để trả cho những khoản tiền gửi cũ hoặc chuẩn bị cho các khoản tiền gửi đáo hạn vào cuối năm.

 

Trong một hội thảo về vấn đề nợ xấu ngân hàng mới đây, ông Quách Mạnh Hào, Trưởng khoa Tài chính - Ngân hàng Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội, cho rằng hiện rất nhiều ngân hàng hoạt động theo kiểu dùng tiền người này để trả cho người khác. Không ít ngân hàng nhỏ dùng tiền huy động ngắn hạn để đầu tư dài hạn. Họ đã sa lầy trong các dự án đầu tư đó, trong khi các dự án đó đã không còn sinh lời. Do đó họ phải huy động lãi suất cao, lấy tiền của người này trả cho người khác.

 

Đến nay cũng từng có những cảnh báo về chuyện ngân hàng nào trước kia đã cho vay các dự án sân sau, nhất là bất động sản, thì nay khó có thể rút vốn ra được. Khi đó, ngân hàng sẽ thiếu thanh khoản và chuyện tăng lãi suất huy động để thu hút vốn, bù đắp thanh khoản là một lập luận logic.

 

Theo Vũ Dũng

NCĐT