1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thương mại điện tử Việt Nam và “bức tường” niềm tin

(Dân trí) - Theo dự báo của Hiệp hội thương mại điện tử, giao dịch TMĐT tại VN có thể chạm mốc 4 tỷ USD ngay trong năm nay. Nhưng con số đó vẫn còn là nhỏ nhoi so với một thị trường 90 triệu dân và có tốc độ bùng nổ internet mạnh mẽ nhất thế giới.

TMĐT Việt Nam còn tiềm năng rất lớn, nhưng cần giải quyết bài toán niềm tin của người mua hàng
TMĐT Việt Nam còn tiềm năng rất lớn, nhưng cần giải quyết bài toán niềm tin của người mua hàng
 

Muốn hiểu sức mạnh khủng khiếp của thương mại điện tử (TMĐT), chỉ cần nhìn sang Trung Quốc, nơi ông chủ Alibaba Jack Ma đang trở thành tỷ phú giàu nhất nước này, và Alibaba đang đóng góp đáng kể cho sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc.

Alibaba đã tạo ra 14 triệu việc làm kể tử ngày thành lập, ngược lại cũng góp phần khiến hàng triệu người mất việc vì đẩy các kênh bán lẻ truyền thống vào con đường phá sản. "Khi lĩnh vực bán lẻ còn kém phát triển và rải rác, người tiêu dùng tìm đến TMĐT ngày một nhiều để tìm thứ họ muốn. Việc này đã kích thích tiêu dùng tại Trung Quốc", Alibaba lý giải cho sự phát triển của mình.

Thống kê của eMarketer cũng cho thấy, châu Á là nơi có những người mua sắm trực tuyến “máu lửa” nhất thế giới. Riêng trong năm 2014, doanh số TMĐT toàn châu Á đã đạt cột mốc kỷ lục 1.470 tỷ USD, tăng 20% so với cùng kỳ 2013. Giới quan sát cho rằng, TMĐT sẽ sớm làm thay đổi cơ bản bức tranh mua sắm của châu Á, đặc biệt là Việt Nam.

Thực tế, mặc dù quy mô hiện tại chưa lớn, nhưng Việt Nam được coi là mảnh đất màu mỡ cho TMĐT, với 35 triệu người dùng internet thường xuyên, hàng trăm triệu chiếc thẻ ngân hàng đã được phát hành. Doanh số 4 tỷ USD được dự báo cho năm 2015 được coi là minh chứng cho điều đó.

Hiện, ngoài các công ty trong nước như Sendo, Tiki, Vatgia, 5giay... nhảy vào lĩnh vực này, những “ông lớn” nước ngoài như Alibaba, Amazon cũng đã đặt chân vào thị trường Việt Nam thông qua các đại lý tại VN. Công ty mua sắm trực tuyến quyền lực của Đông Nam Á - Lazada cũng đã rót nhiều triệu đô la vào Việt Nam, với hai website bán hàng được quảng cáo rầm rộ là Lazada và Lamido.

Mới đây, tờ Bangkok Post của Thái Lan đã nhận định, Việt Nam sẽ trở thành một trong những thị trường TMĐT lớn ở châu Á với lượng người tiêu dùng trẻ đông đảo.

Bức tường niềm tin

“Nhưng thị trường TMĐT Việt Nam hiện vẫn đang “say ngủ” bởi sự thiếu niềm tin vào việc mua bán qua mạng và thanh toán trực tuyến. Đó là thách thức khiến TMĐT Việt Nam chưa thực sự cất cánh lên được”, vẫn là nhận định của Bangkok Post sau lời khẳng định về tiềm năng TMĐT Việt Nam.

Hiện nay, gần như chưa có lời giải cho bài toán niềm tin của người mua hàng, và đa phần chỉ lựa chọn mua qua mạng với hình thức giao hàng – nhận tiền mặt và chỉ mua một số mặt hàng không thực sự có giá trị hay thiết yếu.

Không thể đòi hỏi nhiều hơn ở người tiêu dùng, khi tình trạng lừa đảo bán hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng vẫn còn tràn lan trên mạng. Thậm chí, đã có trường hợp khách hàng đặt tiền mua iPhone nhưng lại nhận được... cục gạch. Tồi tệ hơn, không ít trường hợp sau khi khách hàng chuyển tiền đã đóng cửa website và... bùng.

Những nguyên nhân phổ biến khác tác động mạnh vào niềm tin của người tiêu dùng là người bán chuyển hàng không đúng như mô tả. Sự sai khác có thể là về chất lượng, thông số kỹ thuật, màu sắc, kiểu dáng... dẫn đến những “biến thể” không mong đợi của TMĐT là khách hàng xem hàng qua mạng, nhưng đến trực tiếp của hàng để mua.

Một cản trở khác, cũng xuất phát từ những lo ngại của người tiêu dùng, như trường hợp mà trong một hội thảo mới đây đại diện Big C thừa nhận là phần đông người mua hàng không sẵn sàng cung cấp số thẻ tín dụng cho nhà cung cấp dịch vụ.

Thực tế, hành lang pháp lý và cơ sở hạ tầng trong thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn còn lạc hậu khá nhiều so với nhịp độ phát triển và những thách thức quản lý mà TMĐT đặt ra. Ngoài ra, phương tiện thanh toán, vận chuyển, giao hàng, chi phí… của lĩnh vực thương mại điện tử Việt Nam vẫn còn rất yếu.

Ngay với một ông lớn ngoại quốc vừa đầu tư vào thị trường, vẫn còn tình trạng bán hàng kém chất lượng, như trường hợp nhiều người tiêu dùng phản ánh là mua một viên pin sạc dự phòng ghi dung lượng 12.000 mA, nhưng thực tế chưa xạc đầy một chiếc smartphone đã... hết pin. Hoặc không ít trường hợp, dù giao dịch với các website có đăng ký với Bộ Công thương, khách hàng cũng không hề nhận được hóa đơn, bảo hành hay bất kỳ chứng từ nào thể hiện giao dịch mua bán hay quyền lợi hậu mãi.

Ông Nguyễn Nam Vinh - Chủ nhiệm Hội tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng - Văn phòng phía nam thừa nhận, hiện nay tình trạng người tiêu dùng mua hàng qua mạng bị lừa đảo nổi lên rất nhiều và đa dạng, nhưng khó xử lý vì nhiều website bán hàng online không có trụ sở, nên các cơ quan bảo vệ người tiêu dùng không có cách nào vào cuộc xử lý được.

Niềm tin chính là mấu chốt quan trọng số 1 trong TMĐT, bởi khác với kênh bán lẻ truyền thống, khách hàng và người bán không nhìn thấy nhau, người mua cũng không thể tận tay “sờ, nắn, vuốt ve” sản phẩm. Khi sự quản lý vẫn còn lỏng lẻo, sự rắc rối trong thanh toán, chuyển hàng và sự chụp giật vẫn còn cửa sống trong TMĐT Việt Nam thì sẽ rất khó để người mua thoải mái nhập số thẻ, mã số bí mật mình vào ô thanh toán trên website và bấm nút.

Hoành San

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”