Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn vì một tương lai bền vững

Trường Thịnh

(Dân trí) - "Giảm thiểu tác động tới môi trường", "phát triển nông nghiệp bền vững", "chắp cánh nền kinh tế xanh" là ba cụm từ ghi lại dấu ấn đậm nét về mô hình kinh tế tuần hoàn của Tập đoàn Cà phê Minh Tiến tại Lễ kỷ niệm 76 năm Quốc khánh Việt Nam tại Áo.

Ngành cà phê Việt tỏa sáng tại trời Âu

Tại lễ kỷ niệm 76 năm Quốc khánh Việt Nam tại Thủ đô Viên với sự tham gia của các quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao, chính quyền địa phương, các tổ chức quốc tế và đại diện cộng đồng người Việt tại Áo. Đại sứ Quán phối hợp cùng Tập đoàn Cà phê Minh Tiến giới thiệu "Mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất cà phê tại Việt Nam" nhằm truyền tải thông điệp về nền nông nghiệp bền vững, giảm thiểu rác thải, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn vì một tương lai bền vững - 1
Mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất cà phê của Minh Tiến được giới thiệu tại Lễ kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam tại Áo.

Theo đó, mô hình kinh tế tuần hoàn của Minh Tiến vận hành theo triết lý khai thác trọn vẹn "tinh hoa" của hạt cà phê bằng cách tối ưu giá trị của phế phẩm từ khâu sản xuất trước trở thành nguyên liệu cho khâu sản xuất tiếp theo.

Cụ thể, sau quy trình sơ chế, hạt cà phê xanh được xuất khẩu và sản xuất cà phê thành phẩm Coffilia. Vỏ cà phê được thu gom để làm trà Cascara Hà Chúc. Vỏ trấu và bã cà phê được tận dụng để sản xuất sản phẩm sinh học Namigo. Cuối cùng là phân bón hữu cơ từ vỏ thịt, vỏ trấu và các thành phần không thể tận dụng khác. Minh Tiến sử dụng chính phân bón này để canh tác vùng trồng cà phê của mình.

Chuyên trang thời sự, tài chính của Mỹ, Yahoo Finance khẳng định mô hình kinh tế tuần hoàn của Việt Nam là bước đột phá, hứa hẹn mở ra nhiều cánh cửa mới cho cà phê Việt khẳng định vị thế trên trường quốc tế.

Trang tin AsiaOne của Singapore đồng tình cho biết: "Mô hình này đã góp phần quảng bá với bạn bè thế giới hình ảnh đất nước Việt Nam với ngành nông nghiệp hiện đại cùng nền kinh tế bền vững."

Covid-19 không thể ngăn "sức bật" của nền kinh tế Việt Nam

Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), dù đại dịch Covid-19 liên tiếp giáng những đòn đau xuống kinh tế thế giới song Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế hiếm hoi ghi nhận tăng trưởng dương.

Theo số liệu thống kê của hãng thông tấn Mỹ CNBC, năm 2020, GDP Việt Nam tăng 2,91%, đứng đầu khối ASEAN và thuộc nhóm tốt nhất toàn cầu. Ngành nông nghiệp tăng trưởng mạnh so với năm 2019 do nhu cầu nhập khẩu nông sản từ các quốc gia khác tăng mạnh. Trong khi đó, các nền kinh tế mới nổi và phát triển như Mỹ, Nga, Nhật Bản, Khu vực các đồng tiền chung Châu Âu,... đều hứng chịu tăng trưởng âm.

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn vì một tương lai bền vững - 2
Tổng hợp GDP năm 2020 của một số quốc gia Châu Á (Nguồn: CNBC).

Thành tích tăng trưởng đó là nhờ Chính phủ Việt Nam đã kịp thời ban hành những quyết sách ngăn chặn dịch bệnh hiệu quả để nối liền hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời đưa ra nhiều chủ trương ứng dụng kinh tế tuần hoàn, tái chế chất thải để quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường và thúc đẩy phát triển bền vững...

Ngoài ra, Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam và EU có hiệu lực từ tháng 8/2020 đã xóa bỏ thuế quan các mặt hàng xuất khẩu sang Châu Âu, bao gồm cà phê. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sụt giảm về sản lượng cà phê do ảnh hưởng từ Covid-19 và thời tiết cực đoan tại Brazil sẽ là cơ hội để Việt Nam vươn lên chiếm lĩnh thị trường trong tương lai.

Việt Nam - "miền đất hứa" của các nhà đầu tư nước ngoài

Cùng với hội nhập thương mại quốc tế, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài với cơ hội kinh doanh dồi dào. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào nước ta tăng đáng kể qua các năm, đạt mức 29 tỷ USD vào năm 2020, đưa Việt Nam vào nhóm quốc gia đáng đầu tư nhất thế giới.

Nhờ duy trì tình hình chính trị xã hội ổn định, tốc độ phát triển kinh tế đều đặn và nhiều ưu đãi thu hút FDI của chính phủ, ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài cân nhắc chuyển dịch hệ thống sản xuất đến Việt Nam. Gần đây, hàng loạt "ông lớn" như Apple, Samsung, Intel,... đang di dời cơ sở sản xuất khỏi Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thiệt hại từ cuộc thương chiến Mỹ - Trung, tạo đà cho nước ta phục hồi kinh tế giai đoạn hậu đại dịch.

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn vì một tương lai bền vững - 3
Bên trong nhà máy Công ty Cổ phần Công nghệ Bắc Việt tại Bắc Ninh, chuyên sản xuất linh kiện điện tử cho Canon, Korg và Samsung (Nguồn: The NY Times).

Thị trường lao động Việt Nam cạnh tranh hơn so với các nước lân cận nhờ sở hữu nguồn nhân lực phổ thông trẻ, giá rẻ, dồi dào nhưng có trình độ học vấn và tay nghề tốt, sẵn sàng làm việc trong môi trường quốc tế.

Ngoài ra, Việt Nam có địa chính trị chiến lược, là cửa ngõ của khu vực ASEAN. Việc các doanh nghiệp châu Âu "rót tiền" vào Việt Nam sẽ đem lại cơ hội tiếp cận tới thị trường 650 triệu dân này.

Nhà kinh tế cấp cao Irvin Seah của Ngân hàng Phát triển Singapore nhận định, dựa vào các chính sách phát triển kinh tế bền vững, dòng vốn FDI mạnh và đà tăng trưởng ổn định, "chỉ trong 10 năm tới, quy mô nền kinh tế Việt Nam sẽ lớn hơn Singapore, mang lại tiềm năng to lớn cho các nhà đầu tư quốc tế".

Thúc đẩy kinh tế tuần hoàn vì một tương lai bền vững - 4
Vùng trồng cà phê của Tập đoàn Cà phê Minh Tiến tại Sơn La.

Duy trì tăng trưởng "xanh" ngay trong đại dịch đã chứng minh năng lực thích ứng của doanh nghiệp Việt Nam. Điển hình là Tập đoàn Cà phê Minh Tiến, một trong những doanh nghiệp cà phê hàng đầu quốc gia.

Nhiều năm qua, Việt Nam giữ vững thành tích thứ hai thế giới về sản xuất và xuất khẩu cà phê. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của Minh Tiến trong hơn 20 năm phát triển. Đứng trên vai "người khổng lồ", Minh Tiến tận dụng lợi thế của mình, tiên phong ứng dụng kinh tế tuần hoàn để mở ra những hướng đi mới ngoài mặt hàng cà phê, nâng tầm giá trị cà phê Việt, đồng thời hướng đến xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho thế hệ tương lai.

Mô hình kinh tế tuần hoàn của Minh Tiến là "câu chuyện truyền cảm hứng" đến cộng đồng doanh nghiệp thế giới về một nền kinh tế "xanh" bền vững, góp phần nâng cao vị thế, uy tín và tiềm năng của Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.