1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thừa tiền chưa đến lượt chứng khoán, BĐS

Những động thái mạnh mẽ gần đây cho thấy, dòng tiền đang được hướng vào khu vực sản xuất những nơi tạo ra dòng tiền thực chất. Vì thế, chưa có cửa nào cho chứng khoán và BĐS khi lãi suất hạ.

Khởi dòng tiền ứ


Khởi dòng tiền ứ

Từ 13/5, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đồng loạt hạ 1% lãi suất điều hành với lãi suất tái cấp vốn còn 7%, tái chiết khấu còn 5%, qua đêm còn 8%/năm. Tuy nhiên, TTCK khá thất vọng khi đón nhận thông tin về lãi suất bởi NHNN chỉ giảm lãi suất cơ bản mà không giảm lãi suất trần huy động. Nhiều người lo ngại, nhiều ngân hàng thương mại nhỏ có thể vẫn duy trì lãi suất huy động cao để đảm bảo thanh khoản và theo đó nhiều doanh nghiệp sẽ vẫn phải vay vốn với lãi suất cao.

Cả hai chỉ số VN-Index và HNX-Index đều giảm điểm khi mở cửa phiên chiều với đại đa số các cổ phiếu, bao gồm nhiều blue-chips giảm giá.

Trên thực tế, quyết định giảm lãi suất điều hành của NHNN trong khi không giảm trần huy động được xem là khá hợp lý. Trước hết, nó giúp tránh gây sốc cho người gửi tiền. Người dân vẫn có những lựa chọn hợp lý ở một số nhà băng. Hiện tượng ồ ạt rút tiền khỏi hệ thống ngân hàng sẽ không xảy ra cho dù 4 ông lớn là VCB, BIDV, CTG và Agribank đã giảm lãi từ trước đó.

Điềm mấu chốt có lẽ nằm ở chỗ lãi suất tái cấp vốn đã xuống 7%. Điều này có nghĩa tiền sẽ được bơm từ NHNN cho các ngân hàng thương mại với giá vốn rẻ, có thể thay thế một phần nguồn tiền từ dân cư.

Trước mắt, để đảm bảo nguồn tiền, đảm bảo thanh khoản, các ngân hàng nhỏ có thể tiếp tục huy động với mức lãi suất cao hơn. Nhưng về sau, hiện tượng này sẽ không nhiều bởi chắc hẳn không tổ chức tín dụng nào lựa chọn huy động từ dân cư với lãi suất trên 7% khi mà NHNN cấp vốn ở mức 7%.

Về cơ bản, với chính sách này, mặt bằng lãi suất huy động sẽ tự động dần về mức 7% trở xuống, vừa đủ cao hơn so với mức lạm phát dự tính khoảng 6,5%, không cần dùng tới các biện pháp hành chính ép lãi suất như trong thời gian vừa qua.

Trước đó, NHNN cũng đã có chủ trương rõ ràng trong việc không khuyến khích nắm giữ vàng. Các quy định và diễn biến thị ttruwownfg vàng gần đây cho thấy, vàng đang lạnh dần và mua vàng đang đối mặt với nhiều rủi ro.

Ở một khía cạnh nào đó, giá vàng trong nước cao chót vót lại vô tình như một thông điệp cho thấy, nếu ai muốn dại thì đâm đầu vào mua giá cao, nhà nước hoàn toàn không khuyến khích.

Nhìn về dài hạn, có thể thấy, nhiều khả năng thị trường sẽ dẫn điều chỉnh giá vàng trong nước đi xuống khi mà nhu cầu mua vàng để tất toán trạng thái của các ngân hàng chấm dứt vào cuối tháng 6 tới.

Chưa đến lượt chứng khoán, BĐS

TTCK phiên giao dịch cuối giờ sáng và đầu giờ chiều 10/5 cho thấy một thực tế là nhà đầu tư không mấy mặn mà với thông tin về lãi suất. Nhiều nhà đầu tư tỏ ra thất vọng với quyết định trần lãi suất huy động vẫn được giữ, không giảm.

Tuy nhiên, xét về góc độ thanh khoản tăng lên và các lệnh lô lớn tung vào mua nhiều mã cổ phiếu cơ bản ở mức giá tham chiếu hoặc dưới tham chiếu một chút, TTCK dường như đang phản ứng tích cực.

Dòng tiền vào ngân hàng liên tục tăng trưởng trong khi các ngân hàng không cho vay ra được, nền kinh tế đình trệ. Lãi suất giảm có nghĩa dòng tiền một phần sẽ tự khắc chảy sang các kênh đầu tư khác. Rất có thể là chứng khoán, cho dù trên thực tế, TTCK Việt Nam còn tồn tại rất nhiều vấn đề.

Đó là tính minh bạch. Đó là sự yếu kém hoặc cố tình ở trạng thái yếu kém của đại đa số các doanh nghiệp. Số lượng các doanh nghiệp làm ăn tốt, trả cổ tức cho cổ đông đều đặn, vì quyền lợi của cổ đông có lẽ đếm trên đầu ngón tay. Tình trạng này và sự mất niềm tin của một bộ phận không nhỏ các nhà đầu tư có lẽ là một rào cản khiến chứng khoán có thể hồi phục mạnh trở lại.

Một kênh đầu tư khác là BĐS cũng có thể là một lựa chọn của những người cầm tiền trong bối cảnh thị trường này trầm lắng, giá giảm trong hơn một năm qua và các bên đang nỗ lực cầm cự, khơi thông thị trường.

Giá BĐS được cho là đã giảm 30-50% so với đỉnh cao cách đây khoảng 2 năm nhưng thực tế vẫn rất cao, cao hơn nhiều so với thu nhập trung bình của đại đa số người dân. Đó là chưa nói tới việc, giá giảm mạnh chủ yếu ở một số dự án căn hộ và biệt thự, đất nền chưa hoàn thiện, hoặc/và pháp lý chưa đầy đủ. Nhà đất ở sẵn giảm không nhiều và vẫn ở chót vót trên trời.

Gói 30.000 tỷ đồng hỗ trợ BĐS sắp được “triển khai” với lãi suất và thời hạn “hợp lý” vẫn đang gây lo ngại bởi đối tượng người vay mua nhà đại đa số là người thu nhập trung bình thấp, khả năng trả gốc, lãi sẽ gặp khó khăn nếu lãi suất ngân hàng chẳng may một khi nào đó lại bất ngờ tăng vọt lên 18-20%, thậm chí 25% như những năm vừa qua.

Bên cạnh đó, suy nghĩ buôn BĐS là thắng, dốc tiền vào BĐS giờ đây có lẽ không còn nữa. Những người có tiền, cầm tiền rất có thể sẽ không dốc hầu bao mạo hiểm với kênh đầu tư này.

Các chính sách thắt chặt mạnh và bất ngờ trước đây đã khiến đa số các doanh nghiệp rơi vào khó khăn. Tuy nhiên, việc duy trì lãi vay cao thời gian qua cũng có mặt tốt. Đó là bài thử để những đơn vị làm ăn chụp giật, không có thực lực, sử dụng vốn vay quá nhiều, các công ty tập đoàn nhà nước tái cơ cấu hoạt động vì gánh nặng nợ cao.

Điều này khiến tâm lý đầu tư giờ đây đã thay đổi khá nhiều. Không còn nhiều hiện tượng tâm lý bầy đàn, chạy theo thông tin nóng mà ầm thầm hướng theo giá trị. Vì thế, thật khó có mọt dòng tiền nóng vào chứng khoán và BĐS ngay.

Theo Mạnh Hà
VEF