1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thủ tướng: Xử lý cán bộ vi phạm không kịp thời, hậu quả nghiêm trọng

(Dân trí) - Báo cáo về điều hành trước Quốc hội, Thủ tướng thừa nhận: Hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp; năng lực quản trị, giám sát nội bộ còn yếu kém. Một số dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chậm tiến độ, kéo dài, hiệu quả thấp, thua lỗ, lãng phí, dừng đầu tư, dừng hoạt động; công tác quản lý cán bộ còn nhiều bất cập, chưa phát hiện và xử lý vi phạm kịp thời, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Thay mặt Chính phủ, sáng nay (29/7), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo trước Quốc hội tình hình kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2016.

Thủ tướng nói, hiện nay, tiềm lực của đất nước đã lớn mạnh hơn rất nhiều sau 30 năm đổi mới. Hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, mở ra không gian phát triển rộng lớn, tuy nhiên, đất nước vẫn đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức.

Thủ tướng trình bày trước Quốc hội hàng loạt khó khăn, thách thức trong điều hành
Thủ tướng trình bày trước Quốc hội hàng loạt khó khăn, thách thức trong điều hành

Chi trả nợ sẽ tiếp tục tăng cao

Cụ thể, về kinh tế, hiện nay, nợ công đang ở mức cao, áp lực trả nợ lớn. Đến cuối năm 2015, nợ công bằng 62,2% GDP; nợ Chính phủ 50,3% (vượt trần quy định là 50%); nợ nước ngoài của quốc gia 43,1%. "Trường hợp tăng trưởng năm 2016 không đạt mục tiêu đề ra thì các tỷ lệ này sẽ còn cao hơn", Thủ tướng lo ngại.

Bên cạnh đó, Thủ tướng cũng cho biết, nghĩa vụ chi trả nợ lãi trực tiếp năm 2015 bằng khoảng 8,4% tổng thu NSNN (nếu tính cả trả nợ gốc thì bằng trên 26%). Chi trả nợ giai đoạn 2011 - 2015 gấp 1,86 lần giai đoạn 2006 - 2010. Dự báo chi trả nợ sẽ tiếp tục tăng cao hơn trong các năm 2016, 2017 và 2018.

Báo cáo của Thủ tướng cũng nêu lên tình trạng sử dụng vốn đầu tư còn kém hiệu quả. Chỉ số ICOR bình quân giai đoạn 2011 - 2015 là 6,92, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Chỉ số ICOR bình quân của Việt Nam giai đoạn 2011 - 2015 là 6,92; trong khi đó chỉ số này giai đoạn 2011 - 2013 của Trung Quốc là 6,4, Malaysia là 5,4, Indonesia là 4,64, Philippines là 4,1. Điều này dẫn đến một số dự án sử dụng vốn đầu tư công hiệu quả thấp, lãng phí lớn.

Nợ đọng xây dựng cơ bản lớn. Quản lý đầu tư, khai thác, thu phí tại nhiều dự án BOT còn bất hợp lý, thiếu công khai, minh bạch, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp. Quản lý sử dụng tài sản công, chi tiêu công còn lãng phí.

Báo cáo của Thủ tướng thừa nhận tình trạng bội chi NSNN liên tục ở mức cao trong nhiều năm. Thu ngân sách khó khăn, nhất là ngân sách trung ương; nợ đọng thuế còn lớn (tổng số thuế nợ đọng đến 30/6 là 75,2 nghìn tỷ đồng). Triển khai kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 chậm; giải ngân đạt thấp hơn cùng kỳ, trong đó vốn NSNN chỉ đạt 32,2% kế hoạch (cùng kỳ 2015 đạt 44,4%), vốn trái phiếu Chính phủ đạt khoảng 22% (cùng kỳ đạt 34%).

Cơ cấu chi NSNN còn bất hợp lý; tỷ trọng chi đầu tư phát triển giảm từ 28% giai đoạn 2006 - 2010 xuống còn 23,4% giai đoạn 2011 - 2015 trong khi tỷ trọng chi thường xuyên lại tăng từ 55% lên 65%, chủ yếu do tăng chi cho con người và tiền lương.

Xử lý nợ xấu còn chưa thực chất và gặp nhiều khó khăn. Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) mới xử lý được 32,4 nghìn tỷ đồng trong tổng số 241 nghìn tỷ đồng nợ xấu đã mua (tương tứng tỉ lệ đạt 13,4%). Một số ngân hàng thương mại quản lý yếu kém, thua lỗ, mất vốn, nợ xấu lớn, để xảy ra vi phạm pháp luật. Các thị trường vốn, chứng khoán, bất động sản phát triển chưa bền vững và còn tiềm ẩn rủi ro.

Đánh giá tác động môi trường khi cấp phép dự án mang tính hình thức

Đánh giá về hoạt động của doanh nghiệp Nhà nước, Thủ tướng cho biết, khu vực này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hiệu quả thấp; năng lực quản trị, giám sát nội bộ còn yếu kém. Một số dự án đầu tư lớn của các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước chậm tiến độ, kéo dài, hiệu quả thấp, thua lỗ, lãng phí, dừng đầu tư, dừng hoạt động; công tác quản lý cán bộ còn nhiều bất cập, chưa phát hiện và xử lý vi phạm kịp thời, để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn đầu tư ngoài ngành của DNNN chưa đạt kế hoạch; tỷ lệ vốn đã được cổ phần hóa đạt thấp; số lượng doanh nghiệp cổ phần hóa trong 6 tháng mới bằng 71%, thoái vốn Nhà nước bằng 11,6% so với cùng kỳ; xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai trong chuyển đổi công ty nông, lâm nghiệp còn chậm.

Trước Quốc hội, Thủ tướng cũng thừa nhận, quản lý Nhà nước về tài nguyên, môi trường còn nhiều hạn chế. Quy định về tiêu chuẩn môi trường còn bất cập, chậm được hoàn thiện; thực thi pháp luật về môi trường chưa nghiêm. Đánh giá tác động môi trường khi cấp phép dự án đầu tư còn hình thức, giám sát thực hiện còn nhiều yếu kém; phát hiện, xử lý vi phạm chưa kịp thời. Chính vì những hạn chế trên đã để xảy ra sự cố môi trường nghiêm trọng do dự án Formosa Hà Tĩnh gây ra.

Tăng trưởng kinh tế chậm lại, thấp hơn cùng kỳ năm 2015 (5,52% so với 6,32%). Lần đầu tiên sau nhiều năm, khu vực nông nghiệp giảm 0,18%, sản lượng lúa vụ Đông Xuân giảm 1,34 triệu tấn. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng thấp hơn cùng kỳ (5,9% so với 9,2%), trong đó nhiên liệu, khoáng sản giảm 38,7%, nhóm công nghiệp chế biến chỉ tăng 8,2% (cùng kỳ là 18%). Tổng kim ngạch nhập khẩu giảm 0,5% (cùng kỳ tăng 17,1%).

Sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Quy định về điều kiện kinh doanh còn phức tạp, nhiều giấy phép con. Doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận vốn, lãi suất vay còn cao. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn. Trong 6 tháng đầu năm đã có trên 12 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 37,1%; gần 19 nghìn doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động, tăng 4,2%; trên 5,5 nghìn doanh nghiệp giải thể, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2015.

Quản lý thị trường trong nước và thương mại biên giới có mặt còn bất cập; sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam vào chuỗi bán lẻ hiện đại còn hạn chế. Buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn thực phẩm còn nhiều, gây bức xúc xã hội. Tình trạng vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng còn nghiêm trọng, nhất là thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, giống cây trồng. Còn diễn ra nhiều vụ lừa đảo trong bán hàng đa cấp, tín dụng đen.

Bích Diệp