1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thủ tướng “trấn an” đại biểu Quốc hội về khả năng khống chế nợ xấu

(Dân trí) - Dù kết quả việc xử lý nợ xấu thời gian qua chưa được như mong muốn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, cuối năm nay có thể đưa nợ xấu về mức an toàn…

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:  
Tại kỳ họp Quốc hội  vừa qua, vấn đề giải quyết nợ xấu luôn được các đại biểu Quốc hội quan tâm. Trong phiên chất vấn Thủ tướng, đ
ại biểu Quốc hội Đặng Đình Luyến (đại biểu tỉnh Khánh Hòa) nhấn mạnh, nợ xấu được coi là cục máu đông, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong tiếp cận vốn tín dụng, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhiều tổ chức tín dụng có nợ xấu cao, gây nguy cơ mất an toàn hệ thống, ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.

"Thủ tướng đánh giá thế nào đến nợ xấu và tình hình tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém. Chính phủ sẽ thực hiện các giải pháp gì trong thời gian tới?", đại biểu Luyến chất vấn.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Đức Thanh (đại biểu tỉnh Ninh Thuận) cũng chung nhận xét, cử tri lo lắng về tình hình nợ xấu của các tổ chức tín dụng hiện nay. Đại biểu đề nghị Thủ tướng cho biết đánh giá của Thủ tướng và Chính phủ về vấn đề này cũng như giải pháp trong thời gian tới.

Thủ tướng tại phiên trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội trong kỳ họp thứ 8 vừa qua.
Thủ tướng tại phiên trả lời chất vấn trực tiếp trước Quốc hội trong kỳ họp thứ 8 vừa qua.

Trả lời cho cùng một nội dung quan tâm về nợ xấu, Thủ tướng trình bày, sau khủng hoảng tài chính châu Á 1997 - 1998, nhu cầu vốn cho phát triển là rất lớn. Trong khi ở nước ta, thị trường vốn còn chưa phát triển, tín dụng ngân hàng - nguồn vốn chủ yếu cho phát triển sản xuất kinh doanh - tăng nhanh.

Dư nợ tín dụng tăng bình quân trên 30%/năm trong giai đoạn 2001 - 2010. Tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP tăng từ 40% năm 2000 lên 125% năm 2010.

Quản lý nhà nước còn chưa chặt chẽ, năng lực quản trị của nhiều tổ chức tín dụng và doanh nghiệp còn nhiều yếu kém, một số trường hợp vi phạm pháp luật, cùng với tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, thị trường tài chính, thị trường bất động sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp thua lỗ, không trả được nợ, dẫn đến nợ xấu gia tăng.

Văn bản trả lời cũng dẫn kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước, đến tháng 9/2012, tỷ lệ nợ xấu của các tổ chức tín dụng lên đến 17%.

Nợ xấu làm cho nhiều doanh nghiệp không vay được vốn, sản xuất kinh doanh khó khăn đình trệ, ảnh hưởng đến việc làm, đời sống và tăng trưởng kinh tế. Nợ xấu còn làm cho tình hình tài chính của các tổ chức tín dụng không lành mạnh, thanh khoản khó khăn, một số ngân hàng thương mại đứng trước nguy cơ đổ vỡ, đe dọa an toàn hệ thống và ổn định kinh tế vĩ mô.

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định đã báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội và phê duyệt các đề án cơ cấu lại tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, Thủ tướng nêu rõ mục tiêu của xử lý nợ xấu là cải thiện thanh khoản, tình hình tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, đáp ứng yêu cầu vốn cho phát triển kinh tế xã hội và bảo đảm an toàn hệ thống, phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa nợ xấu về mức an toàn trong kinh tế thị trường.

Triển khai thực hiện Đề án, NHNN cùng các Bộ ngành liên quan và địa phương đã tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định về an toàn lao động, tình hình tài chính, nợ xấu và kết quả xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng. Ngoài ra, Chính phủ cũng hoàn thiện các quy định về phân loại nợ, cơ cấu lại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro, bảo đảm chặt chẽ, minh bạch và phù hợp hơn với thông lệ quốc tế.

Khái quát kết quả các giải pháp, Thủ tướng cho biết, tỷ lệ nợ xấu ước đến cuối năm 2014 còn khoảng 3,7 - 4,2% so với mức 17% vào tháng 9/2012. Ngân hàng Nhà nước đánh giá tỷ lệ nợ xấu cao hơn là do thực hiện giám sát và đánh giá lại chặt chẽ hơn việc phân loại nợ của các tổ chức tín dụng.

Các giải pháp đã triển khai gồm thu hồi nợ, cơ cấu lại nợ, sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ và tài sản bảo đảm (trong đó có việc bán nợ xấu cho công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng – VAMC). VAMC đã mua gần 95.000 tỷ đồng nợ xấu và đang từng bước xử lý theo quy định, trong đó đã bán, thu hồi được gần 4.000 tỷ đồng nợ xấu và có lãi.

Nêu kinh nghiệm quốc tế, để xử lý nợ xấu nhanh và hiệu quả, các nước thường phải chi một khoản lớn từ Nhà nước, đồng thời phải có khung khổ pháp lý hoàn chỉnh về xử lý nợ xấu và có thị trường tài chính phát triển, Thủ tướng trình bày, việc xử lý nợ xấu ở Việt Nam gặp nhiều khó khăn và cần phải có thời gian, do khung khổ pháp lý chưa hoàn chỉnh, không có nguồn ngân sách nhà nước và cũng chưa có kinh nghiệm xử lý.

Đánh giá kết quả xử lý nợ xấu đạt được trong thời gian qua là sự nỗ lực rất lớn, song người đứng đầu Chính phủ cho rằng kết quả xử lý nợ xấu chưa được như mong muốn.

Khung khổ pháp lý, tiềm lực tài chính, chức năng của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC); thị trường mua bán nợ; thanh tra giám sát… còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Năng lực quản trị, tiềm lực tài chính, hiệu quả hoạt động của nhiều tổ chức tín dụng chưa cao; vẫn còn một số tổ chức tín dụng yếu kém, tình trạng sở hữu chưa minh bạch. Nhiệm vụ còn rất khó khăn.

Người đứng đầu Chính phủ cũng tái khẳng định, Chính phủ sẽ chỉ đạo đẩy mạnh việc xử lý hiệu quả nợ xấu gắn với cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; tập trung hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, tạo thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu, nhất là các quy định về mua, bán nợ và tài sản bảo đảm, trách nhiệm của người đi vay và quyền của chủ nợ; hoàn thiện chức năng, tăng cường tiềm lực tài chính, nâng cao năng lực để phát huy vai trò của VAMC trong xử lý nợ xấu, trong đó có việc mua bán nợ công khai minh bạch theo cơ chế thị trường; phát triển mạnh thị trường mua bán nợ; khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước mua bán nợ xấu và tài sản bảo đảm, nhất là các đối tác chiến lược tham gia vào quá trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng và doanh nghiệp.

Đồng thời, Chính phủ sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra nợ xấu, chất lượng tín dụng và việc thực hiện quy định của pháp luật về phân loại nợ, trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro của các tổ chức tín dụng; nâng cao hiệu lực hiệu quả thực thi pháp luật về tín dụng ngân hàng; thực hiện các biện pháp về kinh tế và dân sự trong xử lý nợ xấu; tăng cường phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước, các bộ ngành, địa phương trong xử lý nợ xấu, nhất là hỗ trợ các tổ chức tín dụng và VAMC trong hoàn thiện hồ sơ pháp lý, thu hồi nợ và xử lý tài sản bảo đảm.

Đồng thời với các giải pháp nêu trên, phải bảo đảm môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và trách nhiệm xử lý nợ xấu của doanh nghiệp; phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản; đẩy mạnh tái cơ cấu và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo thuận lợi cho xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng; phấn đấu đến cuối năm 2015 đưa tỷ lệ nợ xấu xuống còn khoảng 3%; bảo đảm an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, văn bản hồi âm nêu rõ.

P.Thảo 
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”