1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Thủ tướng: Ở nông thôn Bắc Bộ, nhiều gia đình đã có nhà lầu, xe hơi

(Dân trí) - "Trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đã có gần 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, chỉ 2% còn theo chuẩn nghèo đa chiều. Ở nông thôn Bắc Bộ, hiện nay nghèo rất thấp, đã có nhiều nơi nông thôn có nhà lầu, xe hơi".

Tại Hội nghị phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ diễn ra tại Hưng Yên sáng nay (25/6), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nêu những ví dụ về thành công bước đầu trong sự phát triển của vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ được Chính phủ phê duyệt xây dựng theo Quyết định 198/QĐ-TTg năm 2014.

Thủ tướng: Ở nông thôn Bắc Bộ, nhiều gia đình đã có nhà lầu, xe hơi - 1

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

Sau gần 5 năm thực hiện Quyết định, Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đã có những quả ngọt, GDP cao hơn trung bình cả nước, GDP bình quân đầu người cao. Đặc biệt thành tích kinh tế của 7 địa phương trong Vùng đang thay đổi về chiều sâu với hạ tầng được cải thiện nhanh chóng.

Thủ tướng nêu bối cảnh thế giới hiện đang có những diễn biến phức tạp, khó khăn và cơ hội đan xen nhau, thiên tai, dịch bệnh, nhất bối cảnh hiện nay chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đang đặt ra cho Việt Nam nhiều cơ hội và thách thức. Bên cạnh đó, Cách mạng 4.0 đã và đang thay đổi cả không gian, lãnh thổ, nếu điều hành sát hơn sẽ thay đổi đất nước.

Thủ tướng cho biết, năm 2019, Chính phủ có chủ trương tổ chức Hội nghị từng vùng, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, để phát triển từng vùng và từ đó phát triển nhân rộng cho cả nước.

Tại Hội nghị này, Thủ tướng, Chính phủ muốn lắng nghe các cơ chế, chính sách mà Chính phủ ban hành, các quy hoạch, quản lý chất thải rắn đã được thực hiện và có vướng mắc gì? Đồng thời, Chính phủ muốn chú trọng về các tổ điều phối phát triển vùng để đáp ứng yêu cầu phát triển mới bởi vì đây là vùng có tính chất đặc biệt quan trọng.

Theo Thủ tướng: "Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ là vùng có kết cấu hạ tầng hơn hẳn các địa phương khác, có bước chuyển biến quan trọng tạo bước ngoặt phát triển đất nước".

Ông lấy ví dụ: "Hiện nay, do hạ tầng đường bộ khá hoàn chỉnh, chúng tôi đi từ Hà Nội xuống Hưng Yên chỉ mất 1 tiếng 40 phút, đi Hải Phòng mất 2 tiếng".

Điều đáng nói, theo Thủ tướng, hiện 7/7 tỉnh thành phố, địa phương đều có điều tiết ngân sách về trung ương. Đây là vùng duy nhất cả nước làm được điều này. Tất nhiên số điều tiết về ngân sách Nhà nước vẫn chưa phải cao, chỉ 33% song với lợi thế của mình, các địa phương cần tiếp tục phát huy vị thế dẫn đầu của mình.

Theo Thủ tướng: "Hiện trong vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ đã có gần 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, chỉ 2% còn theo chuẩn nghèo đa chiều. Ở nông thôn Bắc Bộ, hiện nay nghèo rất thấp, đã có nhiều nơi nông thôn có nhà lầu xe hơi".

Người đứng đầu Chính phủ cho rằng điều này cho thấy các yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa của các địa phương này là rõ ràng, đặc biệt là vai trò của Hà Nội và tam giác phát triển Hải Phòng, Quảng Ninh là rất to lớn.

Thủ tướng: Ở nông thôn Bắc Bộ, nhiều gia đình đã có nhà lầu, xe hơi - 2

Thủ tướng thăm gian hàng của Công ty Thaicom, một doanh nghiệp hoạt động tại tỉnh Hưng Yên tại hội nghị

Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng, qua thực tiễn phát triển, cần thẳng thắn nhìn rõ sự thật vùng kinh tế này còn nhiều hạn chế, vướng mắc.. nếu chúng ta sớm tháo gỡ thì sẽ phát triển nhanh hơn, bền vững hơn, đóng góp nhiều cho cả nước.

Thủ tướng nêu rõ, vùng kinh tế Bắc Bộ hiện chưa phát huy hiệu quả tiềm năng lợi thế của mình, năng suất cũng chưa được khai thác hết.

Liên kết vùng còn thiếu và bất cập, nhất là xúc tiến đầu tư, môi trường, an ninh trật tự. Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh của các tỉnh thuộc vùng chưa đồng đều, chỉ số phát triển còn chưa đồng bộ, đứng đầu vẫn chỉ là Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng...

Theo Thủ tướng, chiến tranh thương mại Trung - Mỹ tác động toàn cầu, trong "nguy" có "cơ", nhưng chúng ta nhận định có nhiều thời cơ hội hơn.

Thủ tướng yêu cầu tại Hội nghị này cần đánh giá thực trạng kinh tế xã hội cụ thể về kết quả mục tiêu đề ra, nhất là kinh nghiệm rút ra trong thời gian tới

"Là vùng kinh tế trọng điểm gắn với châu thổ sông Hồng, vai trò phân cấp, phân quyền của địa phương trong vùng ra sao? Vùng này có phải chủ yếu để trồng lúa hay không?", Thủ tướng hỏi.

Thủ tướng yêu cầu sắp tới cần đổi mới cơ chế điều phối vùng cho hiệu quả, nhất là vấn đề liên tỉnh, liên vùng, chuyển dịch cơ cấu ngành, nhóm ngành cần thực hiện nhanh hơn.

Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gồm 7 tỉnh là: Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Ninh, Hưng Yên và Vĩnh Phúc, diện tích tự nhiên gần 15.600 km2, quy mô dân số khoảng 16,14 triệu người. Quy mô kinh tế Vùng đứng thứ 2 cả nước, chiếm gần 32% GDP.

Mỗi năm, dân nhập cư vào Hà Nội tăng bằng một huyện

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết: Tỷ lệ người nhập cư tăng ở một số thành phố, đặc biệt là Hà Nội đã gây ra tình trạng quá tải của hệ thống hạ tầng kỹ thuật và xã hội, nguy cơ ô nhiễm môi trường, tắc nghẽn giao thông, cung cấp nước và tiêu thoát nước cho các địa phương trong Vùng.

Theo ông Dũng trung bình mỗi năm dân số Thủ đô dự kiến tăng thêm khoảng 200.000 người, tương đương một huyện lớn. Mật độ dân số trung bình của Hà Nội khoảng 2.100 người/km2 cao hơn rất nhiều so với Thủ đô của các nước trong khu vực ASEAN (khoảng 100-200 người/km2).

Đề xuất một Phó Thủ tướng làm Chủ tịch Vùng

Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Vùng Kinh tế Bắc Bộ đề xuất 6 giải pháp trọng tâm để Bắc Bộ trở thành Vùng kinh tế dẫn đầu, tiên phong với đột phá chiến lược.

Trong đó đặc biệt ưu tiên phát triển hiện đại hoá mạng lưới giao thông vận tải, khu công nghiệp, cung cấp nước sạch, xử lý chất thải, bảo vệ môi trường và nhà ở tại từng địa phương.

Để thực hiện đồng bộ các giải pháp, ông Chung đề xuất Thủ tướng giao cho một Phó Thủ tướng làm Chủ tịch Vùng để có nhiều quyết định hiệu quả hơn.

Nguyễn Tuyền - Thế Hưng