1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Việt Nam coi trọng hiệu quả sử dụng vốn ODA

(Dân trí) - Trò chuyện với ông Stephen Groff, Phó Chủ tịch Ngân hàng phát triển châu Á, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Việt Nam đặc biệt coi trọng hiệu quả sử dụng các nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, trong đó có nguồn vốn của ADB.

Tối 2/11, bên lề Hội nghị Kinh tế đối ngoại 2016 sẽ diễn ra chính thức tại TPHCM vào hôm nay 3/11, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Stephen Groff, Phó Chủ tịch Ngân hàng phát triển châu Á (ADB).

Tại buổi tiếp, Phó Chủ tịch ADB Stephen Groff đánh giá cao những giải pháp của Chính phủ Việt Nam đang thực hiện nhằm tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới tăng trưởng và hội nhập quốc tế.

Ông Stephen Groff khẳng định, ADB cam kết tiếp tục duy trì hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với Việt Nam nhằm thực hiện thành công mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, duy trì tăng trưởng kinh tế và trở thành nước có thu nhập trung bình ở mức cao trong vòng 20 năm tới.

Cam kết đó được cụ thể bằng kế hoạch hỗ trợ cho Việt Nam từ 1 đến 1,5 tỷ USD trong 4 năm tới vừa được ADB thông qua. Lộ trình của kế hoạch này khởi điểm trong năm 2016, 2017, ADB hỗ trợ Việt Nam 450 triệu USD để giải quyết các khó khăn về ngân sách Nhà nước. ADB cũng cho biết, con số này có thể tăng trên cơ sở những yêu cầu cụ thể của Chính phủ Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) ông Stephen Groff. Ảnh VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) ông Stephen Groff. Ảnh VGP/Quang Hiếu

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn ADB đã cam kết khoảng 1 tỷ USD/năm để tài trợ cho các dự án trong khuôn khổ Chiến lược đối tác quốc gia 2016-2020. Đây là nguồn vốn quan trọng, sẽ đóng góp tích cực vào thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội từ nay đến năm 2020. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng tăng cường hợp tác với ADB và hiệu quả sử dụng các nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi, trong đó có nguồn vốn của ADB.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ mong muốn ADB tiếp tục quan tâm và tăng cường hỗ trợ Việt Nam đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, phát triển nguồn nhân lực và ứng phó biến đối khí hậu cũng như đồng hành cùng hợp tác tiểu vùng Mekong, ACMECS và CLMV trong kết nối hạ tầng giao thông, giảm nghèo bền vững và ứng phó biến đổi khí hậu.

Về phần mình, Chính phủ Việt Nam sẽ kiên trì ổn định kinh tế vĩ mô, tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế và bảo vệ môi trường.

Cũng trong tối 2/11, động bên lề của Hội nghị Kinh tế đối ngoại 2016, Bộ Ngoại giao phối hợp cùng Tạp chí Economist (Vương quốc Anh) tổ chức triển lãm “Thành tựu kinh tế đối ngoại và môi trường đầu tư Việt Nam”.

Tại triển lãm, Ban Tổ chức đã giới thiệu hơn 300 hình ảnh, cùng 7 khu trưng bày, với nhiều đề tài phong phú, như: thành tựu kinh tế đối ngoại Việt Nam trong 30 năm đổi mới và hội nhập; Môi trường đầu tư và cơ hội, thách thức khi tham gia hội nhập toàn cầu; Thành tựu trong phát triển nông nghiệp; Phát triển Khoa học - Công nghệ: Tương lai của ngành chế tạo; Các dự án địa phương: tiềm năng và phát triển…

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, đây là hoạt động nổi bật, có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện chương trình hành động của Chính phủ nhằm tuyên truyền, quảng bá về cộng đồng doanh nghiệp Nhà nước. Đồng thời, cũng là cơ hội để giới thiệu, quảng bá về văn hóa, con người, tiềm năng, cơ hội đầu tư, phát triển kinh tế văn hóa, du lịch của Việt Nam đến với các nước trên thế giới.

Thông qua triển lãm, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội quảng bá thương hiệu của mình trong việc giới thiệu sản phẩm, dịch vụ tiêu biểu, cũng như trao đổi trực tiếp về tiềm năng và kế hoạch, dự án hợp tác với các đối tác trong và ngoài nước.

Công Quang