1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thủ tướng: Không phát triển nhanh thì sẽ đi sau các nước!

(Dân trí) - “Không phát triển nhanh là sẽ tụt hậu, đi sau các nước, phải phát triển tốc độ cao để nâng cao vị thế Việt Nam. Phát triển nhanh, phát triển cao nhưng phải bền vững.” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc về Phát triển bền vững diễn ra chiều nay (12/9).

Theo Chương trình nghị sự 21 của Việt Nam, Chiến lược phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011-2020, Kế hoạch hành động quốc gia thực hiện Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, có 17 mục tiêu phát triển bền vững và 115 mục tiêu cụ thể đặt ra cho Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 trên tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội-môi trường.

Thủ tướng: Không phát triển nhanh thì sẽ đi sau các nước! - 1

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (Ảnh: Mạnh Thắng)

Chủ trì Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ có Nghị quyết về phát triển bền vững năm 2019 với những nội dung mới hơn, sát thực tế hơn trong bối cảnh mới. Theo Thủ tướng, phát triển bền vững vừa là nhu cầu cấp bách vừa là xu thế tất yếu của tiến trình phát triển. Vì vậy, chủ trương phát triển bền vững đã được nhất quán và lồng ghép xuyên suốt trong mọi chương trình, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội Việt Nam.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: “Phát triển nhanh, phát triển cao nhưng phải bền vững. Không phát triển nhanh là sẽ tụt hậu, đi sau các nước, phải phát triển tốc độ cao để nâng cao vị thế Việt Nam. Tuy nhiên phát triển phải bền vững”.

Cũng theo Thủ tướng, các chỉ số về xoá đói giảm nghèo, sản xuất bền vững, chống biến đổi khí hậu… của Việt Nam đều được quốc tế đánh giá cao, tuy nhiên chênh lệch giữa các nhóm dân cư, vùng miền còn lớn; việc sử dụng tài nguyên còn chưa đảm bảo vấn đề môi trường…

Thủ tướng: Không phát triển nhanh thì sẽ đi sau các nước! - 2

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị chiều 12/9. (Ảnh: Mạnh Thắng)

Nhấn mạnh phải thay đổi tư duy và hoạt động kinh doanh để phát triển bền vững, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu ra 6 vấn đề quan trọng cần thực hiện: 

Một là, thống nhất về nhận thức và hành động các cấp, ngành về phát triển bền vững. Đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân. Cần tập trung cả ý chí, chính sách và nguồn lực. Mục tiêu duy nhất đưa con người vào trung tâm của mục tiêu phát triển bền vững.

Hai là, tăng tốc quá trình hoàn thiện thể chế theo hướng nâng cao sức cạnh tranh, giảm nghèo, thích ứng biến đổi khí hậu,…đẩy nhanh thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các chiến lược kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…

Ba là, nghiên cứu phát triển chất lượng nguồn nhân lực. 

Bốn là, đẩy nhanh tính hiệu quả của các cơ quan, thúc đẩy sáng tạo đổi mới hỗ trợ người dân và doanh nghiệp.

Năm là, xây dựng cơ chế khuyến khích mô hình kinh tế tuần hoàn, tiến tới mô hình kinh tế không rác thải. Cần có các chính sách khuyến khích hoạt động sản xuất, tái sản xuất theo mục tiêu phát triển bền vững.

Sáu là, toàn cầu hoá với công nghệ làm thay đổi tư duy và hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, những giá trị văn hoá là giá đỡ cho sự phát triển lâu dài.

Thủ tướng: Không phát triển nhanh thì sẽ đi sau các nước! - 3

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng. (Ảnh: Mạnh Thắng)

Trước đó, trong phiên thảo luận chiều cùng ngày, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, phát triển bền vững không chỉ là cam kết của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế mà còn xuất phát yêu cầu nội tại mang tính tất yếu của nước ta, phù hợp với chủ trương xuyên suốt của Đảng phát triển nhanh và bền vững, đặt con người và chất lượng cuộc sống là yếu tố trung tâm trong phát triển.

“Với vai trò của mình, Quốc hội đã hoàn thiện khung pháp luật xây dựng nền kinh tế thị trường, hoàn thiện các thiết chế nhà nước đề cao vai trò giám sát của cơ quan quyền lực nhân dân. Qua chức năng lập pháp, giám sát, Quốc hội đã thảo luận thông qua nhiều đạo luật, thông qua ngân sách cho các hoạt động bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu… Quốc hội cũng góp phần tham gia vào mục tiêu phát triển bền vững thông qua các công ước quốc tế” - Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng thông tin.

Châu Như Quỳnh