1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thủ tướng gợi ý đổi tên Bộ Kế hoạch và Đầu tư sau năm 2020

(Dân trí) - Trên cơ sở nhấn mạnh vai trò như người nhạc trưởng, “nhà toán học” cho đất nước, Thủ tướng gợi ý đổi tên Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thành Ủy ban Cải cách Đổi mới hay Bộ Kinh tế, Chiến lược và Phát triển sau năm 2020 khi thế và thời đã đổi thay.

Chiều nay (9/1) tại trụ sở Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Hà Nội) đã diễn ra Hội nghị triển khai Hội nghị trực tuyến triển khai nghị quyết 01/NQ-CP và 02/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tham dự và phát biểu chỉ đạo.

Thủ tướng gợi ý đổi tên Bộ Kế hoạch và Đầu tư sau năm 2020 - 1

Thủ tướng tham dự Hội nghị và phát biểu chỉ đạo tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư chiều nay 9/1

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, với vai trò của mình, Bộ KH&ĐT đã tham mưu cho Chính phủ những quyết sách quan trọng. Trong thời gian tới, với vận hội mới, Thủ tướng gợi ý Bộ KH&ĐT nên có tên gọi mới.

Thủ tướng cho rằng, nên đổi tên Bộ KH&ĐT sau năm 2020 và có thể nghiên cứu các tên gọi như Ủy ban Cải cách Đổi mới hoặc Bộ Kinh tế, Chiến lược và Phát triển để thấy rõ hết vai trò mới, sứ mệnh mới.

Cũng tại Hội nghị, người đứng đầu Chính phủ đã nêu bật những thành tựu của kinh tế Việt Nam như năng lực cạnh tranh tăng 10 bậc theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế Thế giới; kim ngạch xuất nhập khẩu tăng mạnh; vốn FDI thu hút cao kỷ lục 38 tỷ USD; số doanh nghiệp thành lập mới cũng đạt 138.000 doanh nghiệp.

Tuy nhiên, Thủ tướng cũng nêu hàng loạt vướng mắc, khó khăn và tồn tại mà Bộ cần khắc phục, trong đó Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT cần nhanh chóng triển khai Luật Đầu tư để giải quyết các vướng mắc về thể chế, thực hiện; Xây dựng một số luật vẫn còn vướng mắc, cần nhanh chóng hoàn thiện; Công tác quản lý đấu thầu, quản lý đầu tư các dự án đầu tư công còn để tình trạng đấu thầu kéo dài, tham nhũng, đấu thầu kém công khai; Tham mưu một số chính sách có hiệu quả chưa cao.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH&ĐT đẩy nhanh hơn nữa việc xây dựng thể chế với các mô hình kinh tế mới, kinh tế chia sẻ, nhất là khi thế giới bước vào Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Bộ KH&ĐT phải như “một nhà toán học”, đi đầu trong việc giải các bài toán lớn, có đầu bài khó, bài toán khơi thông nguồn lực, điểm nghẽn, nâng cao hiệu quả trong chỉ đạo điều hành.

Với khát vọng năm 2045 đưa Việt Nam trở thành một quốc gia hùng cường, Thủ tướng yêu cầu không chỉ Bộ KH&ĐT mà các bộ, ngành và địa phương khác cần hưởng ứng khát vọng này và hiện thực hoá khát vọng của toàn dân tộc Việt Nam.

Thủ tướng nhắc đến 6 giải pháp trọng tâm mà Bộ KH&ĐT cần hoàn thiện, thực hiện để làm tốt nhiệm vụ nặng nề và vai trò to lớn của mình. Trong đó Thủ tướng giao nhiệm vụ Bộ KH&ĐT phải thu hút được số vốn cao hơn nữa con số 38 tỷ USD của năm 2019, đồng thời thu hút được các tập đoàn lớn, các tập đoàn công nghệ, hỗ trợ cho chiến lược “Make in Vietnam” - sản xuất tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, trước cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra như vũ bão trên thế giới, Thủ tướng mong Bộ KH&ĐT cần đưa ra phát triển kinh tế số là nền tảng, là động lực phát triển nhanh, bền vững.

Thủ tướng cho rằng, nguy cơ tụt hậu, rơi vào bẫy thu nhập trung bình vẫn còn hiện hữu đối với nước ta, Bộ KH&ĐT phải thúc đẩy tháo gỡ, đưa đất nước Việt Nam hùng cường, bên cạnh đó có chiến lược giải quyết các vấn đề xã hội phát sinh, đặc biệt là dân số già và an sinh xã hội.

“Chúng ta sẽ phải làm gì trong thời kỳ dân số vàng, phải là nước chưa già đã giàu, không nên là nước chưa giàu đã già”, Thủ tướng ví von.

An Linh