1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thủ tướng: Đừng để tình trạng nói nhiều quá mà không hành động!

(Dân trí) - Tại Hội nghị tổng kết Chính phủ với các địa phương vừa diễn ra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại việc một quả xoài xuất khẩu phải chịu tới 50% chi phí logistic và yêu cầu: “Chúng ta phải khắc phục khâu yếu này, không để tình trạng nói nhiều quá mà không hành động”.

Trong 1,5 ngày làm việc trực tuyến với các địa phương, người đứng đầu Chính phủ ghi nhận có nhiều cách làm, mô hình tốt kể cả cấp cơ sở. Thủ tướng lưu ý nếu địa phương nào, cơ sở nào chưa làm tốt việc của mình thì phải làm tốt hơn, phải khắc phục tồn tại, yếu kém để vươn lên, đây là nền tảng cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

Lấy ví dụ về việc dịch vụ logistic còn cao, Thủ tướng cho biết một quả xoài xuất khẩu thì khâu dịch vụ logistic chiếm đến 50% giá thành. “Chúng ta phải khắc phục khâu yếu này, không để tình trạng nói nhiều quá mà không hành động” - Thủ tướng yêu cầu.

Dẫn chứng về vấn đề năng lượng, điện lực, Thủ tướng nhắc đến khả năng thiếu điện của Việt Nam thời gian tới.  “Chủ trương, biện pháp chính sách nào để chủ động trong cung cấp điện? Ý nói là chúng ta đã phát hiện ra vấn đề thì có cách giải quyết vấn đề, chứ không biết rồi, để đó, nói mãi” - Thủ tướng nói và cho rằng: “Chúng ta nói khát vọng, đổi mới sáng tạo nhưng đồng thời phải khắc phục nhanh những yếu kém, tồn tại, bất cập, chứ không phải chúng ta cứ nói lý thuyết mãi, còn hành động thì còn nhiều vấn đề cần khắc phục”. 

Thủ tướng: Đừng để tình trạng nói nhiều quá mà không hành động!  - 1
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (ảnh: VGP)

Theo người đứng đầu Chính phủ, cần thấy được những bất cập, tồn tại như giải ngân vốn đầu tư công, sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước chậm, vấn đề ô nhiễm môi trường, nhất là không khí, vấn đề rác thải hay một số vấn đề bức xúc của xã hội như ma túy trong thanh thiếu niên, ma túy học đường, văn hóa ứng xử…

Nhắc lại thông điệp về phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, Thủ tướng nêu rõ cần phải mở rộng hơn: “Không đánh đổi môi trường để lấy kinh tế đã nói rồi nhưng bổ sung thành không đánh đổi môi trường, văn hóa và văn minh xã hội lấy kinh tế”.

Theo Thủ tướng, môi trường văn hóa bị ô nhiễm cũng độc hại không kém môi trường không khí. Nền tảng xã hội là bệ phóng và trụ đỡ cho phát triển kinh tế nhanh và bền vững.

“Tại hội nghị này, chúng ta nhấn mạnh nhiều về kinh tế là đúng, kinh tế phải phát triển mạnh mẽ bởi vì người ta thường nói là có thực mới vực được đạo nhưng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể cần quan tâm hơn đến môi trường sống, môi trường văn hóa và văn minh xã hội để cùng phát triển kinh tế mạnh mẽ” - Thủ tướng bày tỏ.

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh các trường hợp đạo đức xuống cấp thời gian qua khiến chúng ta đau lòng. Kinh tế phát triển nhưng đạo đức xã hội tốt đẹp, truyền thống bản sắc dân tộc phải được gìn giữ, hành vi ứng xử của mọi công dân phải văn minh và nhân văn. 

“Chúng ta nhấn mạnh kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa phải là môi trường tốt cho việc hình thành nên những doanh nhân có tinh thần dân tộc, biết tôn trọng cội nguồn, tuân thủ pháp luật, hòa ý chí của mình vào khát vọng dân tộc về một Việt Nam độc lập, tự cường và thịnh vượng. Cho nên, ý Đảng, lòng dân và tinh thần doanh nghiệp cùng với kinh tế, xã hội và môi trường đều là công thức “3 trong 1” của sự phát triển thịnh vượng và bền vững” - Thủ tướng cho hay. 

Dịp Tết Nguyên đán sắp tới gần, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các cấp, các ngành, nhất là những ngành có chức năng và các địa phương không để thiếu hàng hóa phục vụ Tết, kể cả thịt lợn; không được để đẩy giá, làm ảnh hưởng đến lạm phát quý I/2020.

“Lo đảm bảo cho mọi nhà, mọi người đều có Tết, nhất là đối tượng chính sách, người nghèo, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa. Cần lưu ý đảm bảo an ninh, trật tự an toàn cho người dân” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cuối phần kết luận.

Châu Như Quỳnh