1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thủ tướng: Chấm dứt ngay việc hù dọa doanh nghiệp bằng quyền lực

(Dân trí) - “Chấm dứt ngay việc hù dọa doanh nghiệp bằng quyền lực. Phải loại ngay cán bộ nhũng nhiễu, phiền hà, trình độ yếu kém làm mất cơ hội của người dân và doanh nghiệp", Thủ tướng yêu cầu.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra sáng nay (23/12), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, dù còn nhiều bất cập nhưng chúng ta cần có niềm tin vào sự phát triển đất nước.

Thủ tướng: Chấm dứt ngay việc hù dọa doanh nghiệp bằng quyền lực - 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Không thể có quốc gia hùng cường, hưng thịnh nếu không có doanh nghiệp hùng hậu.

Thủ tướng cũng cho biết, tại hội nghị rất nhiều ý kiến xây dựng, quan tâm tới sự phát triển của doanh nghiệp, trong đó các cơ quan đều khẳng định sẽ không hình sự hoá quan hệ kinh tế, tạo điều kiện cho sự phát triển của doanh nghiệp. Chỉ trừ trường hợp vi phạm, doanh nghiệp núp bóng để phạm tội thì phải xử lý nghiêm.

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, chúng ta đã nêu ra mục tiêu năm 2020 đạt 1 triệu doanh nghiệp, đến nay chúng ta có được hơn 800 nghìn doanh nghiệp, do vậy cần tiếp tục phấn đấu để đạt được mục tiêu.

Thủ tướng: Chỉ rõ cơ quan nhũng nhiễu doanh nghiệp, ở địa phương hay tập trung ở Trung ương

Không chỉ quan tâm đến số lượng, Thủ tướng nhấn mạnh phải quan tâm nhiều đến chất lượng. Bởi số lượng doanh nghiệp trên quy mô dân số vẫn còn thấp, đồng thời chưa có doanh nghiệp nào lọt 500 doanh nghiệp quy mô lớn nhất thế giới.

Theo người đứng đầu Chính phủ, không thể có quốc gia hùng cường, hưng thịnh nếu không có doanh nghiệp hùng hậu. Không có doanh nghiệp, không thể có nền kinh tế lớn khi thiếu vắng những thương hiệu nổi tiếng. Không thể có doanh nghiệp tầm cỡ nếu thiếu doanh nghiệp và cá nhân xuất sắc.

“Lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các thành viên Chính phủ, các địa phương đến đây lắng nghe ý kiến của đại diện các loại hình doanh nghiệp để có giải pháp tháo gỡ, phát huy thuận lợi, khắc phục khó khăn giúp doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng nhấn mạnh rằng, bên cạnh thành công, các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều khó khăn, trở ngại trên con đường phát triển. Chính phủ thấm thía khi mỗi năm có hàng vạn doanh nghiệp giải thể, ngưng hoạt động, phá sản.

“Đã có nhiều doanh nghiệp, thương hiệu lớn của Việt Nam bị thị trường đào thải”, Thủ tướng nói.

Theo Thủ tướng, để một thương hiệu lớn nào đó biến mất thì không chỉ là doanh nghiệp thất bại mà còn là sự thất bại của chính quyền. "Tôi đang nói đến những doanh nghiệp làm ăn chân chính, không phải những doanh nghiệp làm ăn chộp giật", Thủ tướng cho biết.

Trước đó, tại hội nghị, Thủ tướng nêu một số vấn đề lớn cần tập trung thảo luận. Thứ nhất, cùng với thành công, Thủ tướng cho rằng, các doanh nghiệp cần nêu các khó khăn, trở ngại, vướng mắc trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh, quy hoạch, tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất, vốn tín dụng, sử dụng lao động, tiếp cận thị trường, tiếp cận công nghệ, các thủ tục hành chính, thuế, hải quan, cung cấp điện nước…

Đặc biệt là vấn đề thanh tra, kiểm tra chồng lấn kéo dài, gây khó khăn cho doanh nghiệp như thế nào, kể cả tình trạng các cơ quan quản lý Nhà nước dọa nạt doanh nghiệp khi doanh nghiệp có ý kiến trái chiều hay phản biện chính sách.

“Riêng về thanh tra, kiểm tra chồng lấn tôi đã giao cho Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái sẽ có tổng kết để tháo gỡ sớm nhất”, Thủ tướng nêu rõ.

Thủ tướng cũng nhắc đến sự trì trệ của nhiều sở, ngành ở địa phương, đá qua đá lại, chậm chạp. “Cần chỉ rõ văn bản nào của bộ, ngành nào bất hợp lý, mâu thuẫn, chồng chéo, gây cản trở, không phù hợp với môi trường kinh doanh, thông lệ quốc tế, cần phải thúc đẩy cạnh tranh, phù hợp với cam kết quốc tế. Cơ quan nào gây nhũng nhiễu, phiền hà, ở địa phương hay là tập trung ở Trung ương”, Thủ tướng thẳng thắn nêu rõ.

“Chấm dứt ngay việc hù dọa doanh nghiệp bằng quyền lực. Phải loại ngay cán bộ nhũng nhiễu, phiền hà, trình độ yếu kém làm mất cơ hội của người dân và doanh nghiệp", Thủ tướng yêu cầu.

Trên tinh thần ấy, Thủ tướng cho biết, sau Hội nghị sẽ có một nghị quyết của Chính phủ về định hướng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Tấm Huy chương Vàng cho thành tựu kinh tế Việt Nam

Lấy câu chuyện từ thành tích đạt được tại SEA Games 30, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn, Giảng viên Đại học Fulbright phát biểu tại Hội nghị cho rằng: “Tấm Huy chương Vàng thứ 99 chính là thành tựu kinh tế mà Việt Nam đã đạt được trong năm 2019”.

Theo ông Tuấn, đằng sau mỗi tấm huy chương là mồ hôi, nước mắt, sự nỗ lực của các vận động viên. Các doanh nghiệp cũng phải rất vất vả, suy tư, trăn trở để giành được thành tựu và tấm huy chương đó.

“Đừng chỉ nhìn tấm áo vest của các doanh nhân với sự hào nhoáng, mà đằng sau đó là cả mồ hôi, nước mắt của họ”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.

“Có một Việt Nam hùng cường chứ không chỉ hướng tới một Việt Nam hùng cường vào năm 2045. Tôi học được từ ngài Thủ tướng tinh thần làm việc, tận tâm, tận lực, truyền cảm hứng. Với sự tận tâm, tận lực, với thành quả kinh tế, với khát khao, kỳ vọng, tôi tin Chính phủ, đặc biệt là cá nhân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc xứng đáng được trao tấm huy chương vàng thứ 100”, ông Đỗ Thiên Anh Tuấn nói.

Nguyễn Mạnh

Thủ tướng: Chấm dứt ngay việc hù dọa doanh nghiệp bằng quyền lực - 2