1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thủ tướng bận không có thời gian nghỉ, cấp dưới vẫn "bình chân như vại"

(Dân trí) - “Tôi thấy Thủ tướng hầu như không có thời gian nghỉ ngơi, trưa họp đến 13h chiều, tối đến 18-19h đêm, thế nhưng động thái cấp dưới lại không thấy động đậy”, đại biểu Chu Lê Chinh nhận xét. Theo đó, vấn đề hiện nay là khâu tổ chức thực hiện khi mà mục tiêu tăng trưởng phải thiết thực, gắn với đời sống người dân, tình trạng tham nhũng vặt, “hành” doanh nghiệp cần giải quyết rốt ráo.

Các doanh nghiệp lớn của Việt Nam chủ yếu là những ông lớn bất động sản, VIệt Nam chưa có tập đoàn công nghiệp thực sự lớn.
Các doanh nghiệp lớn của Việt Nam chủ yếu là những "ông lớn" bất động sản, VIệt Nam chưa có tập đoàn công nghiệp thực sự lớn.

"Dân không quan tâm GDP là gì, bao nhiêu"

Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội cho thấy, trong 13 chỉ tiêu được Quốc hội giao thì năm 2016 đã hoàn thành và vượt 11 chỉ tiêu. Đặc biệt, xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 9 bậc.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thanh Quang (Đà Nẵng), ông chưa thật sự tin lắm vào sự thăng hạng vượt bậc của môi trường kinh doanh, vì theo những gì ông được thấy thì chỉ tiêu này chưa thật sự cải thiện.

“Số lượng DN thành lập mới được báo cáo gia tăng kỷ lục, thế nhưng phần lớn lại là những DN khởi nghiệp, tiềm lực không cao, số lao động chưa đến 10 người. Trong khi đó DN phá sản lại lớn, số lượng lao động nhiều, nên ta phải lưu ý về số lượng lao động thất nghiệp”, ông Quang lưu ý.

Đồng thời, đại biểu TP Đà Nẵng cũng “phê” báo cáo của Chính phủ đã không đưa ra một nhận định nào về phát triển kinh tế tư nhân, cho thấy sự quan tâm vẫn chưa thật sâu sát. Do đó, ông đề nghị cần phải có nhiều giải pháp cụ thể hơn nữa cho vấn đề này.

Nói thêm về phát triển kinh tế tư nhân ở Việt Nam, ông Quang nhận xét, trong khi khu vực kinh tế tư nhân ở các nước chủ yếu xuất phát từ tư sản dân tộc, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực công nghiệp, thì ở Việt Nam, qua hơn 30 năm đổi mới hiện nay vẫn chưa thấy một tập đoàn công nghiệp tư nhân nào thật sự lớn.

“Các ông lớn ở ta đều là doanh nghiệp (DN) kinh doanh bất động sản, khai thác tài sản chứ không phải là phát triển công nghệ”, ông Quang nhận xét.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) thì cho rằng, trong số 2 chỉ tiêu không đạt kế hoạch năm qua có chỉ tiêu GDP. Đây mới là chỉ tiêu quan trọng nhất. “Mục tiêu GDP mới đảm bảo mức sống của người dân. Dân không quan tâm GDP là gì, bao nhiêu, họ chỉ quan tâm đời sống họ hôm nay có tốt hơn hôm qua, ngày mai có tốt hơn hôm nay hay không. Thế nên, việc đặt chỉ tiêu GDP cần phải gắn với những khía cạnh của đời sống xã hội để có giải pháp phù hợp”, bà Thúy đề nghị.

100.000 đồng đi chợ 5 năm trước và nay khác nhau nhiều!

Đưa tới một cái nhìn khác, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) nói thẳng: “GDP lạc hậu rồi, đừng có cắm đầu vào GDP. Cái giá phải trả là gì? Đó là môi trường, con người, y tế, giáo dục. Đây là cái giá dài hạn”. Do vậy, ông Nghĩa cho rằng, cơ quan điều hành nên “bình tĩnh lại” trong việc phấn đấu đạt chỉ tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm nay.

Quan trọng nhất theo ông là mục tiêu tăng trưởng phải phục vụ cho con người, nguồn lực cũng phải dựa vào con người, môi trường kinh tế, thiên nhiên, xã hội. Tuy nhiên, vị đại biểu đánh giá, những giải pháp đưa ra gắn với môi trường lại quá ít.

“Lạm phát con số chúng ta có ở đây khác với lạm phát hàng ngày của người dân. Người ta nói đi chợ 5 năm trước có 100.000 đồng mua được cái gì, 5 năm sau 100.000 đồng mua được cái gì? Nó tác động tới bữa ăn hàng ngày của người lao động”, ông Nghĩa nêu ví dụ.

“Với công nhân, tỷ lệ thực phẩm chất lượng kém rất nhiều thì không thấy giải pháp để khắc phục. Nông dân làm ra của cải nhưng lời lãi rất ít vì khâu trung gian quá nhiều. Đời sống người nông dân ngày càng kém đi, thua lỗ nợ nần, con cái bỏ học hành. Trong khi đó, người ta còn lo tăng giá dịch vụ y tế. Dịch vụ y tế không thể không tăng giá, nhưng sức chịu đựng của người dân có giới hạn”, vị đại biểu TPHCM bày tỏ.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) thì không khỏi băn khoăn về sự phụ thuộc nặng nề của nền kinh tế vào kinh tế Trung Quốc. “Dù đang nỗ lực từng bước tìm những thị trường khác để cân đối thương mại, nhưng vừa rồi nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn lên tới 40 tỷ USD, trong khi xuất khẩu 33 tỷ USD, nhập siêu 7 tỷ USD. Tôi không có số liệu chưa đầy đủ nhưng từ cây kim sợi chỉ đến hàng tiêu dùng đều là hàng Trung Quốc chiếm đa số. Đây là vấn đề cần xem lại và cần có giải pháp”, ông Sơn kiến nghị.

Trong khi ghi nhận những tuyên ngôn mạnh mẽ, quyết tâm lớn của Thủ tướng và của Chính phủ, đại biểu Chu Lê Chinh (Lai Châu) nói: “Tôi thấy Thủ tướng hầu như không có thời gian nghỉ ngơi, trưa họp đến 13h chiều, tối đến 18-19h đêm, thế nhưng động thái cấp dưới lại không thấy động đậy”. Theo đó, vấn đề hiện nay là khâu tổ chức thực hiện.

Làm rõ hơn quan điểm này, đại biểu Trần Văn Mão (Nghệ An) nhận xét, với tính hai mặt của nền kinh tế thị trường, tình trạng tội phạm kinh tế đang ngày càng gia tăng.

“Tội phạm tham nhũng, tội phạm kinh tế rất nhức nhối. Từ DN nhỏ đến DN lớn đều phải bôi trơn, chưa có là chưa giải quyết. Đừng nói có chuyện là đưa hồ sơ đến 1 cửa thả đấy mà được giải quyết đâu! Tham nhũng chủ yếu là tham nhũng vừa và tham nhũng vặt”, ông Mão phản ánh.

Do đó, theo vị đại biểu, Chính phủ và chính quyền các cấp cần phải quyết liệt hơn trong giải quyết tồn tại này. Chỉ cần “đứng sát” ngay cạnh DN để vài vụ bắt quả tang, xử lý để răn đe là sẽ giảm ngay - ông Mão hiến kế. Đây cũng là vấn đề mà theo ông, cử tri, người dân, DN đang rất trông đợi ở Chính phủ với quyết tâm xây dựng một Chính phủ liêm chính, hành động.

Bích Diệp