1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thứ trưởng Tài chính: Tác động tăng thuế với người nghèo dự kiến không nhiều

(Dân trí) - Chiều nay (30/8), tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 8, trả lời câu hỏi của báo chí về tác động của các chính sách tăng thuế dự kiến sẽ thực hiện, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai nói: "Dự kiến tác động đối với người dân, đặc biệt người nghèo và thu nhập thấp không nhiều"


Toàn cảnh họp báo

Toàn cảnh họp báo

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8 diễn ra chiều nay (30/8), bà Nguyễn Thị Mai, Thứ trưởng Bộ Tài chính đã báo cáo về đề suất sửa đổi 5 luật thuế bao gồm một số luật thuế quan trọng như thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thu nhập cá nhân (TNCN), tiêu thụ đặc biệt (TTĐB), thuế tài nguyên...

Theo bà Mai, trước khi xin ý kiến rộng rãi về sửa đổi 5 luật thuế này, Bộ Tài chính đã báo cáo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ. Đồng thời, dẫn ra một số Nghị quyết với mục tiêu cơ cấu lại ngân sách để làm cơ sở cho việc tăng thuế.

Thứ trưởng phân trần: "Có nhiều ý kiến đóng góp về các luật thuế này nhưng chưa nêu đầy đủ. Trên thực tế, nhiều nội dung sửa đổi góp phần tạo thuận lợi, cải cách, ưu đãi cho người dân, doanh nghiệp".

Cụ thể, với thuế VAT, bà Mai cho biết, có rất nhiều nội dung cải cách như chuyển một số nhóm hàng hoá, dịch vụ từ không chịu thuế sang chịu thuế, bổ sung một số sang nhóm 5% hay bỏ quy định gây khó khăn trong việc hoàn thuế. Hay như thuế TNDN cũng có nhiều tạo thuận lợi cho doanh nghiệp như: giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, ưu đãi công nghệ thông tin, đầu tư cải tạo chung cư cũ… TNCN sẽ không thu thuế với một số đối tượng, giảm thuế cho một số đối tượng nhân sự công nghệ cao và giãn bậc, giảm thuế cho những cá nhân có thu nhập trong bậc thuế thấp…

Thứ trưởng cũng nhấn mạnh thêm rằng: "Một số ý kiến báo chí nêu rằng, vấn đề điều chỉnh thuế suất VAT cần phải xem xét không chỉ điều chỉnh tăng thuế mà còn ở cả khía cạnh chi tiêu làm sao cho hiệu quả, chống tham nhũng. Tuy nhiên, để thực hiện tái cơ cấu, giảm nợ công, an toàn tài chính, Chính phủ đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có quyết liệt thực hiện từ cơ cấu lại các khoản chi, đến nâng cao hiệu quả dự án đầu tư công".

Theo Thứ trưởng, hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng đề án cải cách về quản lý cơ chế tài chính, bộ máy đơn vị sự nghiệp công lập để cơ cấu lại chi ngân sách, biên chế của khu vực sự nghiệp công. Đối với khu vực hành chính sự nghiệp được kiểm tra giám sát để cắt giảm khoản chi không cần thiết, cũng như tăng cường thanh tra kiểm tra để nâng cao hiệu quả chi tiêu ngân sách. Chính phủ cũng chỉ đạo về cơ cấu nợ công, xây dựng luật quản lý nợ công, đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước….

"Một loạt giải pháp đồng bộ về chi ngân sách đi theo. Còn dự án luật thuế GTGT là một trong những việc quan trọng để cơ cấu lại thu ngân sách", bà Mai nói.

Trước ý kiến cho rằng VAT khiến người nghèo và người có thu nhập thấp bị ảnh hưởng nhiều hơn, Thứ trưởng cho biết, có 25 nhóm hàng hoá dịch vụ không chịu thuế, 15 nhóm chịu 5%. Theo khảo sát mức sống từ năm 2014 do Tổng cục Thống kê thực hiện, nhóm thu nhập thấp nhất dành tới 59,6% thu nhập để chi mua lương thực, thực phẩm, y tế và giáo dục, trong đó nhóm thu nhập cao nhất chỉ dành 39,6% chi tiêu để mua những mặt hàng trên.

“Y tế và giáo dục thuộc đối tượng không chịu thuế, nhóm lương, thực thực phẩm thì người bán trực tiếp bán ra không chịu thuế mà chỉ thương mại bán ra mới phải chịu thuế ở mức thấp 5%. Nếu dự kiến tác động đối với người dân, đặc biệt người nghèo và thu nhập thấp do đó không nhiều”, bà Mai nói.

Bà cũng cho rằng, hơn nữa, đối với người nghèo và thu nhập thấp thì Nhà nước có chính sách như hỗ trợ an sinh xã hội, hỗ trợ y tế, giáo dục, xây nhà cho người nghèo…

Trước đó, trong một buổi họp với một số phóng viên sáng nay, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho rằng người nghèo mua rau dưa ở chợ không chịu thuế giá trị gia tăng(VAT) nên tăng thuế VAT lên 12% thì người nghèo không bị ảnh hưởng.

"Thông tin nói mớ rau 500 đồng, nếu tăng thuế thì làm rau tăng giá. Rau, thịt có chịu thuế GTGT đâu. Như vậy những mặt hàng không chịu thuế VAT dù VAT tăng bao nhiêu cũng không ảnh hưởng gì.Về lý thuyết, thuế gián thu đều có tính chất lũy thoái so với thu nhập. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng này còn phụ thuộc là hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng sử dụng", ông Thi nói.

Phương Dung