1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thứ trưởng Ngoại giao: Các thành viên APEC ủng hộ phê chuẩn TPP

(Dân trí) - Tại cuộc Họp báo Quốc tế về Năm APEC Việt Nam 2017, Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, các nền kinh tế thành viên của APEC đều tỏ rõ quyết tâm sẽ phê chuẩn Hiệp định TPP. Còn đại diện của Ban thư ký APEC cho rằng, TPP có thể hoạt động mà không có Mỹ nhưng điều đó phụ thuộc vào các nước có muốn tiếp tục hiệp định này hay không.

Cuộc họp báo được tổ chức chiều nay (9/12) tại Trung tâm Hội nghị quốc gia dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn - Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC Việt Nam, Chủ tịch SOM APEC sau khi kết thúc Hội nghị không chính thức các quan chức cao cấp của Diễn đàn APEC (ISOM).

Quang cảnh Họp báo về Năm APEC Việt Nam 2017
Quang cảnh Họp báo về Năm APEC Việt Nam 2017

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Việt Nam sẽ làm gì để thúc đẩy Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong vai trò chủ nhà của APEC 2017, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết, tại Hội nghị ISOM vừa qua có thể thấy được quyết tâm của các quan chức, các nhà lãnh đạo trong việc đẩy mạnh quá trình tự do hóa thương mại đầu tư, mặc dù xu thế bảo hộ mậu dịch, chống toàn cầu hóa đang gia tăng. Bởi từ khi hình thành đến nay, những việc APEC làm đã tạo ra lợi ích rất lớn cho các nền kinh tế thành viên, cho các doanh nghiệp và người dân. TPP cũng có các nền tảng để thực hiện các hiệp định tự do thương mại khác.

Liên quan đến việc Nhật Bản vừa thông qua TPP, Thứ trưởng Bùi Thanh Sơn cho rằng, hiện các thành viên khác của TPP đang tỏ rõ quyết tâm sẽ phê chuẩn hiệp định này. Điều đó thể hiện mong muốn của họ trong việc thúc đẩy tự do hóa thương mại, đầu tư và liên kết kinh tế.

Cũng về vấn đề trên, ông Allan Bollard, Giám đốc điều hành Ban thư ký APEC cho biết, các nhà lãnh đạo TPP gặp nhau ở Hội nghị APEC 2016 tại Lima, Peru gần đây đều ủng hộ tiếp tục thông qua TPP.

“TPP có thể hoạt động mà không có Mỹ nhưng điều đó phụ thuộc vào các nước liệu có muốn tiếp tục hiệp định hay không”, ông Allan Bollar nói.

Thành quả lớn nhất của APEC là tập trung các nền kinh tế thành viên với nhau, cả Trung Quốc và Mỹ, thành một cộng đồng kinh tế chung. Đây là thành công lớn hơn nhiều so với từng Hiệp định TPP hay chỉ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), nhưng TPP không phải là APEC và các nền kinh tế thành viên phải tự đưa ra quyết định của mình, ông Bollard nói thêm.

“Doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị gì cho APEC”?, trả lời câu hỏi này, ông Hoàng Văn Dũng, Chủ tịch ABAC Việt Nam cho hay, Năm APEC 2017 là cơ hội cho Việt Nam tìm luồng đầu tư mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp với 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đây cũng là dịp để doanh nghiệp Việt Nam thiết lập quan hệ kinh doanh với các đối tác hàng đầu thế giới; tiếp cận thị trường rộng lớn của các nền kinh tế thành viên, kết nối với các đối tác chiến lược tiềm năng, hưởng môi trường đầu tư, kinh doanh và điều kiện đi lại thuận lợi hơn, tiếp cận công nghệ và trình độ quản lý tiên tiến từ các tập đoàn hàng đầu thế giới…

Theo Thứ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, trong Năm APEC 2017 do Việt Nam chủ trì, dự kiến có khoảng 200 hoạt động lớn nhỏ, trong đó quan trọng nhất là Tuần lễ cấp cao diễn ra tại Đà Nẵng vào tháng 11/2017. Sẽ có khoảng 1.000 lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới cũng sẽ đến Việt Nam dự các hoạt động liên quan.

Nam Hằng