1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thu thuế VAT mà không nộp ngân sách là "ăn cắp trắng trợn"

(Dân trí) - Khẳng định việc doanh nghiệp thu của người tiêu dùng 10% thuế VAT nhưng không nộp cho ngân sách là hành vi ăn cắp trắng trợn, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ Trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp lớn (Tổng Cục thuế) cũng vạch trần hàng loạt thủ đoạn trốn thuế khác.

"Vạch mặt" hàng loạt chiêu trốn thuế và né thuế

Trao đổi với báo giới liên quan đến kế hoạch thanh tra của Tổng cục Thuế, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ Trưởng Vụ Quản lý doanh nghiệp lớn - Tổng Cục thuế (nguyên Phó Vụ trưởng vụ Chính sách thuế thuộc Bộ Tài chính) cho rằng, hai khái niệm "trốn thuế" và "tránh thuế" của doanh nghiệp thường bị nhầm lẫn.

"Hai phạm trụ này khác nhau, hai phạm vi khác nhau, hai hành vi khác nhau mặc dù nó đều mang lại lợi ích giống nhau, gây thiệt hại cho ngân sách. Trốn thuế là hành vi bất hợp pháp, dẫn tới việc người nộp thuế không nộp thuế cho Nhà nước trong khi lẽ ra phải nộp theo đúng luật" - ông Phụng lý giải.

Ông Nguyễn Văn Phụng
Ông Nguyễn Văn Phụng

Đại diện Tổng cục Thuế lý giải, chẳng hạn về thuế giá trị gia tăng (VAT), một doanh nghiệp tính đủ vào giá bán cho người tiêu dùng là 10% nhưng lại không kê khai nộp ngân sách nhà nước (NSNN) thì đây là hành vi ăn cắp trắng trợn và cần lên án. Thực tế, vấn đề này cũng đã được báo chí lên tiếng nhiều lần với những trường hợp nhiều cửa hàng, tiệm ăn... tính thuế VAT với khách hàng nhưng lại không xuất hóa đơn cho khách hàng.

Hoặc bán hàng mà doanh nghiệp không kê khai doanh thu, bán 10 mà kê khai 7 thì 3 cái là trốn. Hoặc có chuyện không chi khoản X nào đó nhưng lại kê lên là có chi phí, làm giảm thu nhập tính thuế và giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN). Như vậy, "trốn thuế là hành vi trắng trợn lấy tiền của Nhà nước" - ông Phụng nói.

Trong khi đó, tránh thuế lại có nhiều dạng khác nhau. "Tránh thuế không phải là bất hợp pháp mà là quyền của người nộp thuế, biết tận dụng kẽ hở để giảm thiểu. Ví dụ nhà đầu tư nước ngoài thấy tại Việt Nam thuế là 10% trong khi ở Nhật Bản là 20% thì họ lựa chọn Việt Nam để nộp thuế cho Việt Nam. Rõ ràng doanh nghiệp được giảm thiểu nghĩa vụ thuế bằng cách họ chọn đầu tư, đó là cách lách thuế hợp pháp" - ông Phụng khẳng định.

Một cách tránh thuế nữa đó là các doanh nghiệp tận dụng cơ hội của các địa chỉ thiên đường thuế bằng 0%. Theo đó, nhiều doanh nghiệp lập ra công ty tại đây và đầu tư vào nhiều nơi. "Phải cảnh giác với những doanh nghiệp đến từ thiên đường thuế này, vì họ đã được ưu đãi thuế tại nước họ, ta lại cho họ ưu đãi thuế thì vô hình chung ta cho họ thuế", đại diện Tổng cục Thuế cho hay.

Một hình thức né thuế khác đó là doanh nghiệp tận dụng tối đa chính sách nhưng sau đó khi hết ưu đãi thì dừng đầu tư. Ví dụ, Việt Nam đang có ưu đãi thuế với thuế suất 10%, thời gian miễn thuế 4 năm, giảm thuế 9 năm cho những dự án đầu tư mới tại những địa bàn kinh tế đặc biệt khó khăn, mục đích khuyến khích nhà đầu tư đến tạo động lực cho phát triển kinh tế.

"Động cơ của chúng ta là tốt, mục tiêu rõ ràng nhưng có những nhà đầu tư khi hết thời hạn miễn thuế giảm thuế xong thì giải thể và cuốn gói - đó không phải những nhà đầu tư chân chính. Đó là một hành động không văn minh" - ông Phụng bình luận.

Do đó, theo đại diện cơ quan Thuế, né thuế không phải là nặng nề, nhưng cũng cần phải có giải pháp để hạn chế, phòng chống được hoạt động này.

"Chúng ta phải khôn ngoan, không bỏ sót nguồn thu"

Liên quan đến hai doanh nghiệp bán lẻ METRO và BigC, ông Phụng cho rằng, đối với những doanh nghiệp nếu bản thân thực thể kinh doanh đang có lỗ thì được chuyển lỗ về các năm sau, nhưng vấn đề là doanh nghiệp đang lỗ mà chủ đầu tư vẫn bán được với khoản tiền lãi rất to thì đương nhiên phải có nhiều biện pháp để thu thuế với chủ đầu tư. "Ông chủ của METRO bán cơ sở METRO có thu nhập thì ta phải thu thuế" - ông Phụng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, ông Phụng cũng lưu ý thêm rằng, có những doanh nghiệp là pháp nhân đang có hoạt động tại Việt Nam, ngày hôm nay họ lỗ, nhưng tương lai có thể có lãi, nhất là khi thực hiện mua bán sáp nhập (M&A). "Với việc thực hiện M&A, các doanh nghiệp thay vì bỏ vốn ra phát triển mạng lưới đầu tiên, mất nhiều tỷ đồng thì mua lại cái lỗ nhưng sẽ đỡ mất chi phí hơn đầu tư từ đầu. Đó chính là việc tại sao ta vẫn thu được thuế ngay cả khi nó có lỗ" - ông Phụng phân tích.

Đồng thời, vị đại diện Tổng cục Thuế cũng "trấn an" báo giới: "Các bạn yên tâm, chúng ta phải khôn ngoan thì chúng ta không thể bỏ sót nguồn thu. Doanh nghiệp báo lỗ như vậy, chúng tôi phải tìm cách. Người ta có lỗ hôm nay, nhưng sau đó sẽ tìm cách thu ở lúc khác, đó là trách nhiệm chung".

Ngoài ra, ông Phụng cũng cho biết, cơ quan thuế đã báo cáo vấn đề mua thông tin từ nước ngoài phục vụ chống chuyển giá lên Bộ Tài chính và Bộ đã có chủ trương, xem xét mua với những nguồn tin đáng tin cậy và Tổng cục Thuế cũng đang trình xin làm thí điểm.

Nói về vụ thu thuế thu nhập với ông Nguyễn Hà Đông, đại diện Tổng cục Thuế cho rằng, đã là công dân Việt, có thu nhập phát sinh tại Việt Nam hay ngoài Việt Nam thì đều có nghĩa vụ khai thuế với Chính phủ. Theo đó, cơ quan thuế tham khảo về những thông tin do cá nhân tự khai và qua theo dõi tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, ông Phụng cũng nhìn nhận, cần có niềm tin với cá nhân.

"Nếu anh ta là người cư trú thì cũng phải khai thu nhập đó ở nước ngoài vào bảng khai thuế của ta. Người đó được phép trừ đi một phần tiền thuế đã nộp tại nước ngoài, đảm bảo nghĩa vụ thuế của họ thực hiện đúng luật" - đại diện ngành Thuế cho hay.

Bích Diệp

Thu thuế VAT mà không nộp ngân sách là "ăn cắp trắng trợn" - 2