1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thống đốc Bình: “Lãi suất thấp quá, ngân hàng không cho vay được”

(Dân trí) - Thống đốc Bình cho biết, lãi suất thiết kế cho doanh nghiệp và người dân tham gia chương trình thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp là lãi suất tối đa, có nghĩa là ngân hàng không được cho vay quá so với mức lãi suất quy định là 5%/năm.

Sáng nay 24/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức hội nghị đánh giá kết quả triển khai chương trình cho vay thí điểm theo Nghị quyết 14 của Chính phủ.

Gần 7.000 tỷ đồng cho vay ứng dụng công nghệ cao

Thông tin từ NHNN cho biết, chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ với một số cơ chế đặc thù như: lãi suất cho vay chương trình thấp hơn lãi suất cho vay thông thường từ 1-1,5%/năm; mức cho vay lên đến 90% giá trị của phương án, dự án vay vốn; ngân hàng có thể xem xét cho vay các thành viên tham gia liên kết không có bảo đảm bằng tài sản nếu kiểm soát được dòng tiền của chuỗi liên kết...

Căn cứ đề nghị của Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố, liên Bộ (Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ) đã lựa chọn 28 doanh nghiệp trên toàn quốc thực hiện 31 dự án tại 22 tỉnh, thành phố tham gia chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao, theo đó 8 ngân hàng thương mại đã cam kết tài trợ tín dụng cho các doanh nghiệp đầu mối liên kết, ứng dụng công nghệ cao với số tiền 5.627 tỷ đồng.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, sau gần 2 năm triển khai các ngân hàng đã giải ngân cho dự án liên kết, ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương với số tiền 6.937 tỷ đồng, vượt số tiền cam kết ban đầu. Trong quá trình triển khai nhiều doanh nghiệp đã được NHNN chấp thuận tăng số vốn vay để mở rộng sản xuất.


Thống đốc Bình vừa có chuyến đi thực tế kiểm tra kết quả thực hiện chương trình thí điểm phát triển nông nghiệp tại An Giang

Thống đốc Bình vừa có chuyến đi thực tế kiểm tra kết quả thực hiện chương trình thí điểm phát triển nông nghiệp tại An Giang

Tại hội nghị, một số doanh nghiệp trong diện vay vốn thí điểm thực hiện chương trình kiến nghị NHNN gia hạn thêm thời gian thực hiện, cũng như giảm thêm lãi suất vay vốn…

Chỉ đạo tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đánh giá cao những kết quả mà chương trình đã đạt được, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ trong chỉ đạo triển khai chương trình của Ngân hàng Nhà nước với các Bộ, ngành, UBND các địa phương và sự nỗ lực của các doanh nghiệp và các ngân hàng cho vay. Thống đốc chỉ rõ, những kết quả mà chương trình cho vay thí điểm mang lại là hết sức phong phú và có ý nghĩa quan trọng trong việc tổ chức lại sản xuất nông nghiệp trong tình hình hiện nay. Đây cũng là những kinh nghiệm quý báu cho các cơ quan trung ương và địa phương nghiên cứu và vận dụng trong quá trình triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của địa phương.

Trong thời gian còn lại của chương trình, Thống đốc Bình yêu cầu các ngân hàng thương mại tiếp tục cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp đầu mối và các hộ nông dân tham gia triển khai có hiệu quả dự án. Trên cơ sở những kết quả đạt được của chương trình, các ngân hàng thương mại nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng phù hợp để phục vụ cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, đặc biệt là phục vụ triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

“Trong bối cảnh Việt Nam mở cửa và tích cực hội nhập với khu vực và thế giới thì sản xuất theo chuỗi liên kết giá trị và ứng dụng công nghệ cao đối với sản xuất nông nghiệp là xu hướng tất yếu và chương trình cho vay thí điểm là bước đi tiên phong trong việc triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị và phát triển bền vững”, Thống đốc nhấn mạnh.

Lãi suất cho vay thấp quá, ngân hàng không cho vay được

Đáp lại những kiến nghị của các doanh nghiệp, Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết, đã gọi là thí điểm thì không mở rộng đối tượng tham gia nữa, dừng ở số doanh nghiệp, dự án đó; còn những doanh nghiệp đang triển khai tốt thì cứ tiếp tục triển khai.

“Trên cơ sở kết quả đạt được trong thời gian vừa qua, tôi đề nghị có cơ quan liên quan là NHNN, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học - Công nghệ, Bộ Nông nghiệp Nông thôn... xem xét những gì còn tồn đọng thì sửa đổi để hợp thức hóa bằng văn bản luật rồi mở rộng, phát triển đại trà trong cả nước”, Thống đốc Bình chỉ đạo.

Đối với kiến nghị về lãi suất, Thống đốc Bình cho hay, lãi suất thiết kế cho doanh nghiệp và người dân tham gia chương trình thí điểm này là lãi suất tối đa, có nghĩa là ngân hàng không được cho vay quá so với mức lãi suất quy định là 5%/năm.

“Tôi vẫn khuyến khích các ngân hàng có thể mở rộng cho vay với lãi suất thấp hơn được thì cho vay, cái này là tự nguyện. Còn nếu để lãi suất cho vay thấp quá, ngân hàng không cho vay được vì họ không có nguồn vốn đầu vào rẻ thế. Quan trọng là lãi suất thấp để đảm bảo hiệu quả hơn và bước đầu phải có sự hỗ trợ. Người dân và doanh nghiệp có vốn để lưu động, vận hành hoạt động. Về lâu về dài sản xuất tốt hơn, hiệu quả hơn thì lãi suất không còn quan trọng nữa”, Thống đốc Bình chia sẻ.

Về vấn đề bảo hiểm nông nghiệp, ông Bình thừa nhận có nhiều bất cập. Ví như vấn đề tôm chết. ”Thực tế, lượng tôm chết nhiều quá, khiến nhiều doanh nghiệp bảo hiểm cũng chết theo. Có những hộ gia đình tôm bị chết do dịch bệnh, nhưng một phần không nhỏ hộ nông dân cho tôm chết để hưởng tiền bảo hiểm. Làm thế doanh nghiệp bảo hiểm sao sống được”.

Nhưng Thống đốc Bình khẳng định vẫn phải triển khai và đã kiến nghị với Bộ Tài chính nghiệp cứu thực hiện nhưng đến nay vẫn không có ai làm cả, đợi thế thì lâu quá. Thống đốc Bình chỉ đạo Agribank cho vay dự án nào thì cho công ty bảo hiểm của mình vào làm bảo hiểm luôn.

Nhấn mạnh tại hội nghị, Thống đốc Bình khẳng định về lâu về dài cần phải có cơ chế bảo hiểm chung cho nông nghiệp, để có cơ chế bảo hiểm cho người dân, tránh rủi ro cho ngân hàng.

Còn các vấn đề về hợp đồng liên kết, đặc biệt là giữa người nông dân và hợp tác xã, Thống đốc Bình đề nghị chính quyền địa phương tham gia tích cực, vì ở đây đều có đầy đủ các cơ quan tòa án, viện kiểm sát, hội đồng nhân dân. Những hợp đồng kinh tế là văn kiện pháp lý, được pháp luật bảo vệ, vì vậy chính quyền địa phương cần phải tham gia, qua đó nâng cao ý thức pháp luật của người dân.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước và tham luận của các Bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp tại hội nghị cho rằng, sau gần 2 năm triển khai chương trình đã đạt được mục tiêu đề ra với những kết quả quan trọng. Các doanh nghiệp được lựa chọn đã tích cực triển khai liên kết với nông dân, đầu tư khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp để có nguồn nguyên liệu đầu vào ổn định, có chất lượng và mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm nông nghiệp. Người nông dân tham gia liên kết yên tâm về tiêu thụ sản phẩm và được doanh nghiệp hỗ trợ về giống, kỹ thuật, vật tư...do đó đời sống từng bước được cải thiện.

Các ngân hàng thương mại lựa chọn được dự án/phương án sản xuất kinh doanh tốt để cho vay và thông qua chuỗi liên kết kiểm soát được “dòng” tiền cho vay vì thế hiệu quả tín dụng được nâng lên rõ nét. Các dự án được lựa chọn trong chương trình lần này thực sự là các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao điển hình của các địa phương và sẽ lan tỏa trở thành những điểm sáng, nhân rộng trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, quá trình triển khai chương trình cho vay thì điểm cũng bộc lộ một số tồn tại, vướng mắc cần được nghiên cứu, rút kinh nghiệm và tiếp tục được hoàn thiện cả về chính sách và chỉ đạo thực hiện, như một số dự án được lựa chọn nhưng do nhiều lý do khác nhau đã không triển khai được như cam kết ban đầu; Một số mô hình liên kết còn mang tính hình thức và chưa có những chế tài cần thiết để bắt buộc đối với các bên phá vỡ cam kết...

Nguyễn Hiền