1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thiếu hụt khẩu trang ở Trung Quốc gây nên những gợn sóng trên toàn cầu

(Dân trí) - Trung Quốc là nhà sản xuất khẩu trang y tế lớn nhất thế giới, nhưng nhu cầu gia tăng trong bối cảnh dịch coronavirus đã tạo ra sự thiếu hụt trầm trọng

Thiếu hụt khẩu trang ở Trung Quốc gây nên những gợn sóng trên toàn cầu - 1

Nhu cầu về khẩu trang đã tăng mạnh trong những tuần gần đây, làm cạn kiệt không chỉ kho dự trữ của Trung Quốc, mà còn làm trống các kệ hàng từ Bangkok đến Boston.

Kể từ đầu tháng Hai, Kent Cai Mingdong, một người gốc ở thành phố Ninh Ba, miền đông Trung Quốc, đã tới Indonesia lùng sục các nhà thuốc địa phương để lấy nhiều khẩu trang y tế nhất có thể, gửi về quê nhà, sự thiếu hụt khẩu trang đang làm trầm trọng thêm cuộc chiến chống lại sự bùng phát của corona virus.

Cho đến nay, Cai đã đi đến hơn 15 thành phố và thu mua ít nhất 200.000 khẩu trang, một phần trong số đó, ông đã giao cho khách du lịch Trung Quốc mà ông gặp tại các sân bay lớn ở Indonesia để mang về nhà. Ông cũng sắp xếp gửi khẩu trang cho bạn bè trên khắp Trung Quốc

“Tôi nghĩ Indonesia, với dân số đông đảo, do đó có một lượng lớn công nhân lành nghề, và sẽ có một kho khẩu trang lớn”, ông Cai, chủ sở hữu của Công ty phát triển văn hóa Chiết Giang Newway, một công ty nghiên cứu giáo dục, nói từ Indonesia .

“Chúng tôi đã đi từ cửa hàng thuốc này đến cửa hàng thuốc khác, tuy mệt mỏi nhưng rất hiệu quả. Nếu tôi ở lại Ninh Ba trong 13 ngày qua, thực sự sẽ rất lãng phí thời gian. Tới nơi đây, ít nhất tôi có thể làm gì đó có ích”, ông nói.

Sự thống trị của Trung Quốc trong chuỗi cung ứng khẩu trang toàn cầu nhờ giá cả cạnh tranh đã khiến nơi đây tổn thương nhiều nhất, sự thiếu hụt ngày càng gia tăng khi corona virus tiếp tục lan rộng trên cả nước này và trên toàn thế giới.

Nhu cầu về khẩu trang đã tăng mạnh trong những tuần gần đây, làm cạn kiệt không chỉ kho dự trữ của Trung Quốc, mà còn làm trống các kệ hàng từ Bangkok đến Boston. Ở Trung Quốc, hiện nay bắt buộc phải đeo khẩu trang ở các khu vực công cộng.

Trung Quốc, chiếm khoảng một nửa sản lượng khẩu trang thế giới, đang tranh giành mua khẩu trang dư thừa từ nước ngoài, cả thông qua các kênh ngoại giao chính thức và những người mua như Cai.

Nhưng các bác sĩ và y tá, bao gồm cả những người ở tuyến đầu trong trung tâm virus của Vũ Hán, vẫn phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt khẩu trang, đặc biệt là loại N95 có khả năng bảo vệ tốt hơn.

Corona virus mới, đã giết chết nhiều người hơn hội chứng hô hấp cấp tính nặng (Sars) năm 2003, được cho là lây lan chủ yếu qua các giọt nước từ ho và hắt hơi và tiếp xúc với bề mặt bị nhiễm bệnh.

Do đó, khẩu trang - không đòi hỏi công nghệ tinh xảo hoặc vật liệu quý hiếm để sản xuất - đã trở thành một mặt hàng được tìm kiếm nhiều nhất ở Trung Quốc, nơi nó thậm chí còn gây ra sự đấu đá quan liêu.

Giám đốc cơ quan y tế của thành phố Đại Lý ở phía tây nam tỉnh Vân Nam đã bị cách chức vì chiếm dụng trái phép khẩu trang dành cho đô thị Trùng Khánh và Huanggang ở tỉnh Hồ Bắc, truyền thông nhà nước đưa tin. Chính phủ Trung ương Trung Quốc cũng đột ngột chuyển trách nhiệm quản lý việc cung cấp khẩu trang quốc gia cho Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia (NDRC), một cơ quan hoạch định kinh tế mạnh mẽ, từ tay Bộ Công nghiệp và Công nghệ thông tin (MIIT), trong làn sóng khiếu nại công khai.

Thiếu hụt khẩu trang ở Trung Quốc gây nên những gợn sóng trên toàn cầu - 2

Người dân mua khẩu trang tại Hồng Kông

Không có ước tính chính thức về chênh lệch nguồn cung, nhưng rõ ràng nhu cầu khẩu trang sẽ tiếp tục vượt quá bất cứ thứ gì có thể được sản xuất tại Trung Quốc trong những tuần tới. Trên khắp đất nước, chính quyền địa phương đang nói với các nhà tuyển dụng mua đủ khẩu trang cho nhân viên của họ như một điều kiện tiên quyết để các công ty bắt đầu hoạt động trở lại.

“Các nhà sản xuất khẩu trang Trung Quốc hiện đang hoạt động với công suất 76%, sản xuất hàng ngày ở mức 15,2 triệu khẩu trang, so với công suất được báo cáo của ngành là 20 triệu chiếc mỗi ngày”, Cong Liang, một quan chức của NDRC, cho biết trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh hôm thứ ba. .

Tuy nhiên, nhu cầu hàng ngày được ước tính là từ 50 đến 60 triệu đơn vị trong thời gian dịch, theo báo cáo phương tiện truyền thông Trung Quốc.

Trung Quốc cũng chỉ có thể sản xuất 200.000 mặt nạ N95 mỗi ngày vì chúng đòi hỏi công nghệ và vật liệu tinh vi hơn để sản xuất.

Để giải quyết tình trạng thiếu hụt, chính phủ Trung Quốc đã áp dụng khẩu phần bán thời gian cho khẩu trang để đảm bảo cung cấp đủ cho nhân viên y tế, khi các báo cáo về các vụ trộm, hàng giả và khẩu trang tự chế đã tăng lên.

Nhưng vì năng lực sản xuất khẩu trang lớn nhất thế giới của Trung Quốc, vấn đề đã lan sang phần còn lại của toàn cầu.

“Trong nhiều năm, tôi đã dự đoán rằng nếu Trung Quốc gặp rắc rối với đại dịch, thì vì họ sở hữu nguồn cung cấp khẩu trang lớn nhất thế giới, nên sẽ có vấn đề xuất hiện với các quốc gia khác”, theo ông Bow Bowen, đồng sáng lập và chủ tịch của hãng sản xuất khẩu trang Mỹ - Ameritech.

“Giá của khẩu trang tại Trung Quốc thấp đến mức cả thế giới đã phụ thuộc vào họ. Nhưng mọi người vẫn không nghĩ rằng liệu họ có thể có được những sản phẩm này hay không nếu có đại dịch ở Trung Quốc”, ông Bowen nói, người cũng là phát ngôn viên của Hiệp hội cung ứng khẩu trang, một tổ chức nhằm đảm bảo năng lực và sự sẵn sàng cung cấp khẩu trang do Mỹ sản xuất.

“Bowen Ameritech có trụ sở tại Texas đã sản xuất 87% khẩu trang cho thị trường Mỹ trong những năm 1990, cho đến khi nguồn cung tại Trung Quốc rẻ hơn - hiện chiếm một nửa tổng nguồn cung của Mỹ”, Bowen nói.

Bây giờ, trong một bước ngoặt bất ngờ, công ty của ông đã lần đầu tiên vận chuyển khẩu trang sang Trung Quốc - 1 triệu chiếc trong hai tuần qua. Bowen cho biết thêm, ông đã thảo luận với các quan chức Hồng Kông về việc có thể cung cấp khẩu trang cho thành phố này, nơi đã chứng kiến ​​những cảnh điên cuồng tranh giành khấu trang giữa lúc thiếu thốn.

Đơn đặt hàng cho khẩu trang - không chỉ ở Trung Quốc và một số khu vực ở châu Á, mà cả ở châu Âu và Mỹ - đã tăng mạnh khi dịch corona virus, gây ra căn bệnh có tên Covid-19, đã lan rộng ra gần 30 quốc gia. Sự bùng phát là cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng nhất của Trung Quốc kể từ dịch bệnh hội chứng hô hấp cấp tính nghiêm trọng (Sars) vào năm 2002-2003.

Trung Quốc, nơi sản xuất 5 tỷ khẩu trang vào năm ngoái, theo dữ liệu chính thức, đã bắt đầu tăng nhập khẩu từ khắp các nơi trên thế giới. Tuần trước, chính phủ Indonesia cho biết, Trung Quốc đã đặt các đơn đặt hàng lớn tại đây, theo báo cáo phương tiện truyền thông địa phương.

Các nhà sản xuất châu Á khác ở Hàn Quốc và Việt Nam đã phàn nàn rằng việc Trung Quốc ngừng xuất khẩu nguyên liệu và thiết bị để sản xuất khẩu trang, đã làm gián đoạn sản xuất.

Nhu cầu khẩu trang và yêu cầu sức khỏe từ chính phủ đã thúc đẩy nhiều công ty bắt đầu sản xuất khẩu trang của riêng họ. Foxconn, gã khổng lồ điện tử Đài Loan đã lắp ráp iPhone của Apple, đã bắt đầu sản xuất khẩu trang cho nhân viên của mình và đặt mục tiêu tăng sản lượng lên 2 triệu chiếc mỗi ngày vào cuối tháng.

Công ty quần áo Hongdou Group và nhà sản xuất ô tô SAIC-GM-Wuling, thành lập một liên doanh cùng nhà sản xuất ô tô Mỹ General Motors, cũng đã bắt đầu sản xuất khẩu trang của riêng họ.

Nhưng bất chấp sự tranh giành khẩu trang y tế, các nhà khoa học cho biết không có bằng chứng khoa học nào cho thấy việc đeo một chiếc sẽ ngăn ngừa nhiễm virus.

“Dữ liệu thể hiện việc sử dụng khẩu trang y tế sẽ ngăn chặn virus là rất ít và vì vậy, dù chúng tôi không thể nói rằng khẩu trang sẽ không hữu ích, nhưng thực sự không có dữ liệu nghiêm ngặt nào cho thấy [khẩu trang] có thể là một biện pháp phòng ngừa hiệu quả”, Bác sĩ William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Vanderbilt ở Tennessee, Mỹ cho biết.

Tuy nhiên, Schaffner cho biết đeo khẩu trang có thể mang lại cho cá nhân cảm giác kiểm soát trong khi dịch bệnh bùng phát, vì, hiện tại chưa có vắc-xin.

“Khẩu trang rất quan trọng, bởi vì dù ở Hồng Kông, Trung Quốc hay ở Mỹ, mọi người đều lo âu về coronavirus”, ông nói thêm.

Thùy Dung

Theo Scmp