1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Thị trường vay tiêu dùng ở Việt Nam có thể lên đến 15 tỷ USD/năm

(Dân trí) - Ước tính thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam lên đến 15 tỷ USD/năm và chủ yếu đến từ thị trường mục tiêu với khoảng 30 triệu người trong khoảng 29-50 tuổi. Tuy nhiên thị trường cho vay tiêu dùng chưa phát triển tương xứng với tiềm năng.

Đó là nhận định của các chuyên gia tại Tọa đàm “Thị trường cho vay tiêu dùng tại Việt Nam” do Viện Quản trị kinh doanh – Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức ngày 25/4 tại Hà Nội.

Các diễn giả tại buổi hội thảo
Các diễn giả tại buổi hội thảo

Thị trường cho vay tiêu dùng trong những năm gần đây phát triển mạnh với sự tham gia của nhiều hơn các nhà cung cấp dịch vụ và nhu cầu vay tiêu dùng cũng tăng cao. Theo thống kê tại tọa đàm, hiện các tổ chức cho vay tiêu dùng tại Việt Nam bao gồm các ngân hàng thương mại, 15 công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép hoạt động, các công ty tài chính Fintech và các hình thức vay phi chính thức khác như: họ, hụi, tín dụng đen…

Tuy nhiên, TS. Nguyễn Thùy Dung, Viện Quản trị kinh doanh cho rằng: “Các công ty tài chính hiện có nhiều lợi thế trên thị trường. Hơn nữa, nhu cầu và văn hóa tiêu dùng của người dân đã thay đổi nên đây sẽ là thị trường đầy tiềm năng.”

“Trong năm 2016, lĩnh vực được khách hàng tập trung vay nhiều là vay mua điện thoại, xe máy, máy tính trả góp với các khoản giải ngân dưới 40 triệu đồng. Hình thức cho vay cũng đổi mới hơn khi cho vay tiền mặt qua bảng lương, theo hóa đơn tiền điện, giấy phép đăng ký kinh doanh… Tại các công ty tài chính, thủ tục vay rất linh hoạt, hồ sơ đơn giản, giải ngân nhanh chóng (thậm chí chỉ mất 15 phút), lãi suất từ 1,46%-1,6%/tháng, thậm chí có nơi cho vay 0%”, bà Dung cho biết thêm.

Cũng tại hội thảo PGS. TS. Hoàng Văn Hải, Viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh cho biết, tỷ lệ cho vay tiêu dùng chỉ chiếm 5-10% trên tổng dư nợ tín dụng. Tỷ lệ này ở các nước phát triển khoảng 40-50%. Trong khi đó, tín dụng ngầm vẫn tồn tại và thu hút nhiều người dân tham gia.

Theo báo cáo của nhóm nghiên cứu thuộc Viện Quản trị kinh doanh, thị trường tài chính tiêu dùng hiện có sự tham gia chủ yếu của 3 nhóm gồm ngân hàng thương mại chiếm 87%, công ty tài chính 12%, các công ty Fintech (công ty hoạt động trong lĩnh vực công nghệ tài chính) mới chiếm 1%.

Nhận định về tiềm năng phát triển của thị trường cho vay tiêu dùng, một số chuyên gia cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ, kết nối người cho vay và người đi vay theo công nghệ mới, không cần đến các điểm giao dịch. Cho vay ở các công ty tài chính và các công ty Fintech sẽ bùng nổ mạnh mẽ.

Đồng quan điểm đó ông Hoàng Minh Tuấn, Trưởng phòng pháp chế, Công ty tài chính TNHH MTV MB đánh giá: “Thị trường tài chính Việt Nam hiện là mảnh đất màu mỡ, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Gần đây, các nhà đầu tư Nhật Bản, Mỹ, Australia… đang đổ nhiều vốn, thậm chí có nhà đầu tư rót 49% vốn vào các công ty tài chính Việt Nam".

Thế Hưng