1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thị trường lao động: “Cái nơ” hay “củ khoai tây”?

Không ít những bạn trẻ đang lựa chọn con đường đi học nghề để có công việc ổn định theo đúng nhu cầu xã hội. Trong bối cảnh hiện nay, việc đào tạo nghề cần sự vào cuộc của các doanh nghiệp để có thể đảm bảo tương lai cho các học viên tốt nghiệp, từ đó thay đổi cách nhìn của xã hội về việc học nghề.

Theo số liệu từ Viện Khoa học Lao động và Xã hội mới công bố, đến quý III năm 2017, cả nước có 237.000 người có trình độ cử nhân trở lên thất nghiệp, tăng hơn 53.900 người so với 3 tháng trước đó. 60% sinh viên ra trường làm trái ngành nghề theo học.

Đây là con số đáng báo động khi một số lượng không nhỏ nguồn nhân lực có chuyên môn đào tạo bậc cao nhất trong nước không kiếm được việc làm và lao động không đúng năng lực.

“Cái nơ” và “củ khoai tây”

Bà Nguyễn Lan Hương - Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội cho rằng viêc nền kinh tế đang chuyển dịch từ nông nghiệp sang công nghiệp nên cơ cấu nhân lực Việt Nam thời kỳ này lực lượng lao động trực tiếp (công nhân kỹ thuật, kỹ sư có tay nghề cao) cần hơn lực lượng lao động gián tiếp (cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ). Bà lấy ví dụ về hình ảnh quả khoai tây và cái nơ để lý giải cho sự bất cập trong cơ cấu lao động Việt Nam.

“Tại Việt Nam, mô hình nguồn nhân lực năm 2016 cho thấy: Cứ 1 đại học thì có 0,7 công nhân bậc trung lành nghề và 6,4 không có chuyên môn kỹ thuật. Đây chính là mô hình cái nơ, thắt giữa trong khi giai đoạn này chúng ta cần chỗ thắt đó phình ra. Tuy nhiên, thay vì cái nơ, mô hình chuẩn phải là củ khoai tây: Công nhân kỹ thuật bậc trung phải cao hơn cả 2 nhóm còn lại.

Thị trường lao động: “Cái nơ” hay “củ khoai tây”? - 1

Ví thử như các nước trong khu vực, 3 nhóm: Cao đẳng, đại học; công nhân kỹ thuật có tay nghề; không chuyên môn kỹ thuật của Thái Lan tương ứng các con số: 1; 4,8; 2 hay của Singapore: 1; 1,8; 0,4. Tất cả đều hình củ khoai tây, chỉ riêng Việt Nam một kiểu”.

Còn theo Viện trưởng Viện Khoa học lao động và xã hội Đào Quang Vinh, việc đào tạo ồ ạt dẫn đến nghịch lý là số lượng sinh viên đông nhưng chất lượng đầu ra chưa đáp ứng được đầy đủ yêu cầu của các nhà tuyển dụng, khó có thể tìm cho mình một công việc thích hợp. Nhiều cử nhân khi làm việc tại các doanh nghiệp thì vẫn phải đào tạo lại. Cuối cùng dẫn đến tình trạng lao động vẫn thừa, nhưng thiếu lao động có chuyên môn cao.

Theo quy luật khách quan, số lao động trực tiếp bao giờ cũng nhiều hơn rất nhiều lần so với lao động gián tiếp nhưng ở nước ta, chỉ có khoảng 10% học sinh tốt nghiệp Trung học phổ thông đăng kí học nghề, số học sinh còn lại đều tham gia thi tuyển vào các trường đại học, cao đẳng chuyên nghiệp. Vì thế, lao động trực tiếp ngày càng ít đi, còn lao động gián tiếp cứ ngày càng phình ra dẫn đến tình trạng mất cân bằng cung - cầu trên thị trường lao động. Bởi vậy, lao động có trình độ đại học trở lên ngày càng nhiều nhưng khó tìm việc, trong khi công nhân lành nghề được tuyển dụng nhiều nhưng vẫn còn thiếu.

Đồng quan điểm, VPSG, TS Cao Văn Sâm, Nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề kết luận, những công nhân lành nghề tốt nghiệp sẽ được đảm bảo tương lai về công việc, thu nhập cũng như thăng tiến lâu dài.

“Tôi cho rằng học nghề là cơ hội thuận lợi nhất để có việc làm vì thị trường lao động cho học nghề là vô cùng lớn, và cơ hội thăng tiến cho người học nghề cũng rất lớn.Bởicó việc làm thì có cơ hội ổn định, ổn định thì có cơ hội tích luỹ, tích luỹ rồi có điều kiện để học nâng cao lên và thăng tiến trong sự nghiệp”, ông Sâm nói.

Giải quyết những bất cập đào tạo nghề ở Việt Nam

Một mặt công nhận tầm quan trọng của đào tạo nghề trong nước, tuy nhiên, bà Nguyễn Lan Hương cũng cho rằng, các trường nghề hiện này chưa được quy củ và tồn tại những bất cập làm giảm chất lượng đào tạo của các học viên.

Thị trường lao động: “Cái nơ” hay “củ khoai tây”? - 2

Vướng mắc lớn nhất với các trường nghề chính là cơ sở vật chất, hạ tầng, máy móc, trang thiết bị. Công nhân học nghề phải được đảm bảo ít nhất phần thực hành là 50% trong quá trình học. Tuy nhiên, nhiều trường nghề, đặc biệt tại các địa phương vẫn phải học “chạy”, dạy “chay”.

Hơn nữa, giáo trình dạy nghề hiện nay nhiều nơi đang dạy theo lối mòn, lạc hậu. Chứng chỉ nghề của nhiều trường chưa được công nhận rộng rãi, đặc biệt ở ASEAN cũng như trên thế giới. Thế nên các trường nghề vẫn bị chưa được xã hội đánh giá đúng mức tầm quan trọng của hệ thống đào tạo này.

Bà Hương cho rằng để giải quyết vấn đề trên, các trường nghề cần có sự liên kết chặt chẽ với những doanh nghiệp, có nhu cầu lớn về nguồn lao động lành nghề hoặc đủ năng lực đào tạo để những học viên được thực hành nhiều nhất có thể trong quá trình học.

“Tôi rất ủng hộ việc doanh nghiệp liên kết với các trường nghề đào tạo, để đảm bảo đầu ra cho các học viên. Trong quá trình học tập, những công nhân này được thực hành luôn tại doanh nghiệp, trên máy móc hiện đại nên đảm bảo khi tốt nghiêp họ có thể sử dụng được ngay. Điều này cũng giúp tiết kiệm thời gian cho cả học viên tìm việc cũng như doanh nghiệp tìm thợ giỏi, họ có thể tìm đến nhau ngay trong quá trình đào tạo.

Tuy nhiên, mô hình này sẽ chỉ thành công nếu học viên ra trường có những chứng chỉ hành nghề mang tầm quốc tế. Nếu được công nhận rộng rãi hơn thông qua các mô hình liên kết, những học viên ra trường sẽ được đảm bảo chắc chắn hơn về tương lại, từ đó thu hút nhiều học viên hơn và dần dần có thể thay đổi cách nhìn của xã hội”.