1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thanh Hóa: Nhiều cơ sở giết mổ tiền tỉ bỏ hoang

(Dân trí) - Tại tỉnh Thanh Hóa hiện có hàng nghìn cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo an toàn vệ sinh thú y, trong khi nhiều cơ sở giết mổ tập trung đảm bảo quy trình lại bỏ không. Nghịch cảnh trên đang khiến mục tiêu của dự án xây dựng 100 cơ sở giết mổ gia súc gia cầm có tổng vốn gần 1.000 tỉ đồng ở Thanh Hóa thất bại.

Thực hiện chủ trương chung của Đảng và nhà nước về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong vận chuyển, giết mổ gia súc gia cầm, năm 2003, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, nhiều cá nhân doanh nghiệp bỏ tiền ra đầu tư các cơ sở giết mổ tập trung.

Cụ thể, năm 2003, được sự đồng ý của hội đồng nhân dân TP.Sầm Sơn và phường Quảng Tiến, ông Vũ Tiến Ngân (ở phố Thị Xuân, phường Quảng Tiến, TP.Sầm Sơn) vay mượn, tự bỏ ra 1,1 tỉ đồng để đền bù đất cho dân, làm đường và xây khu giết mổ tập trung cho khu vực TP.Sầm Sơn rộng hơn 2.000m2, quy mô 50-70 con lợn/ngày.

Cơ sở giết mổ của ông Ngân được đầu tư hàng tỉ đồng giờ bỏ không
Cơ sở giết mổ của ông Ngân được đầu tư hàng tỉ đồng giờ bỏ không

Đến giữa năm 2004, khu giết mổ này hoàn thành nhưng chỉ 6 tháng đầu, người dân mang lợn vào mổ, mỗi ngày từ 30-40 con. Sau đó, khách hàng thưa dần rồi hết hẳn khiến gia đình ông Ngân đành đóng cửa bỏ không.

Bỏ tiền ra chưa thu được đồng nào, hàng năm lại phải nộp hơn 16 triệu tiền thuê đất, kinh tế gia đình ông kiệt quệ vì dự án. Đến năm 2013, chính quyền các cấp lại kêu gọi ông đầu tư nâng cấp theo dự án LIFSAP, và hứa sau khi ông nâng cấp sẽ vận động, yêu cầu người dân vào lò mổ.

Ông Ngân tiếp tục vay mượn hơn 500 triệu đồng cùng 600 triệu đồng tiền của dự án để nâng cấp khu lò mổ. Thế nhưng, nâng cấp xong, một lần nữa lò mổ của ông lại bỏ không, chính quyền địa phương không hề có biện pháp yêu cầu người dân vào mổ lợn tập trung như hứa trước đó.

Ông Ngân bức xúc nói: “Cái chính là chính quyền, các ngành chức năng không quan tâm, không sát sao vận động, không có biện pháp buộc người dân phải vào lò mổ tập trung khiến dự án thất bại, lãng phí”.

Sau thời gian dài không sử dụng, cơ sở đã bắt đầu xuống cấp
Sau thời gian dài không sử dụng, cơ sở đã bắt đầu xuống cấp

Không khác gì lò mổ của ông Ngân, trung tâm giết mổ gia súc, gia cầm Phú Sơn thuộc Công ty cổ phần nông sản Thanh Hóa (tại P.Phú Sơn, TP.Thanh Hóa) được đầu tư kinh phí hơn 6 tỉ đồng, nhưng không hoạt động nhiều năm nay… Hệ thống lò hơi, máy sấy, các thiết bị phục vụ cho việc giết mổ gia súc, gia cầm trở nên thừa, các dãy chuồng trại để lưu nhốt từ 300 - 400 gia súc trước khi mổ để không.

Theo thống kê của Chi cục thú Y Thanh Hóa, toàn tỉnh có 8 cơ sở giết mổ tập trung thì có tới 4 cơ sở đã dừng hoạt động, còn lại hoạt động kém hiệu quả. Tỷ lệ gia súc gia cầm trên địa bàn toàn tỉnh qua các lò mổ tập trung chỉ chiếm từ 5-10%, còn lại mổ tự phát ở các cơ sở nhỏ lẻ, hộ gia đình.

Để giải bài toán trên, tháng 9/2013, UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành quyết định quy hoạch các cơ sở giết mổ gia súc gia cầm đến năm 2020 với tổng vốn hơn 974 tỉ đồng. Trong đó, vốn ngân sách hơn 314 tỉ đồng, còn lại là vốn doanh nghiệp tự bỏ.

Mục tiêu nhằm chuyển đổi 2.836 (thời điểm năm 2013) cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, tự phát đến năm 2020 thành 100 cơ sở giết mổ tập trung. Tuy nhiên, hiện quá trình này mới chỉ xóa được gần 400 cơ sở và các dự án xây dựng điểm giết mổ mới vẫn còn nằm trên giấy.

Ông Lê Văn Sơn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y, Sở NN & PTNT tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Nếu chúng ta cấm không cho giết mổ ở trong dân cư đồng thời khi đưa ra thị trường không có sự kiểm soát của thú y, cấm vào chợ thì những đối tượng này sẽ phải vào khu tập trung. Tuy nhiên việc này tại Thanh Hóa vẫn chưa thực hiện được”.

Bình Minh