1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Tháng cô hồn, dân buôn ế nặng, thầy cúng "đắt sô"

(Dân trí) - Tháng 7 âm lịch hay còn được gọi là tháng cô hồn, rất nhiều người kiêng cữ làm ăn, kinh doanh không xuất tiền, điều này khiến mức tiêu dùng nhiều mặt hàng ế ẩm, dân kinh doanh ngao ngán. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, tháng cô hồn cũng là dịp ăn nên, làm ra cho nhiều người, trong đó có giới làm hàng mã và thầy tử vi, thầy cúng.

Shop không bán, hàng không mua

Cửa hiệu vắng tanh, shop trẻ em chỉ lác đác vài khách đến mua tã, bỉm còn những cửa hàng chuyên doanh các thiết bị gia dụng, phương tiện đi lại như ô tô, xe máy, xe đạp không một bóng người. Đó là tình cảnh chung của giới kinh doanh tại Hà Nội trong tháng cô hồn (tháng 7 âm lịch), tháng có doanh thu tệ nhất trong năm của giới kinh doanh.

Tháng cô hồn, các cửa hàng, shop quần áo vắng lặng do người tiêu dùng kiêng cữ
Tháng cô hồn, các cửa hàng, shop quần áo vắng lặng do người tiêu dùng kiêng cữ

Tại Hà Nội, trên một số tuyến phố kinh doanh tấp nập như Cầu Giấy, Tây Sơn, Kim Mã, Thái Hà, Chùa Bộc... theo khảo sát của phóng viên, rất nhiều cửa hàng đồ trẻ em, shop quần áo treo biển khuyến mãi, giảm giá từ 30%, 50%, thậm chí 70%, tuy nhiên, rất ít khách ghé thăm.

Chị Phan Bích Hường, chủ shop đồ sơ sinh mẹ và bé trên đường Cầu Giấy cho hay: "Rằm tháng 7 dường như các shop đều không có khách, thậm chí rất nhiều cửa hàng tạm đóng cửa để đi chùa chiền vì nếu duy trì bán vừa không có khách vừa mất tiền điện, thuê nhân công".

"Tâm lý không mua, không biếu, tặng đồ sơ sinh trong tháng Ngâu dù không có khoa học chứng minh, nhưng đây là quan niệm dân gian, nhiều người kiêng nể, do đó họ đã sắm đồ từ tháng trước, còn những vật dụng nhỏ dành sắm sau", chị Hường nói thêm.

Tương tự như các shop bán đồ sơ sinh, trẻ em, các shop bán quần áo, giày dép tại phố Chùa Bộc cũng trong cảnh tương tự. Các cửa hàng đều phải đối phó với lượng khách giảm mạnh so với các tháng khác. Chủ một tiệm giày lớn cho biết: Duy trì bán để khách quen biết hoặc khách mua sỉ đến đón hàng, còn nếu tính doanh thu trừ chi phí thuê người, điện nước và khuyến mại thì tháng cô hồn thường shop bị âm tiền.

Nếu các cửa hàng quần áo, giày dép chịu ảnh hưởng 1 từ việc kiêng cữ tháng cô hồn thì các hãng kinh doanh xe máy, ô tô, nhà đất ảnh hưởng 10. Do đây là các mặt hàng có giá trị lớn, gắn bó với cuộc sống của họ lâu dài, do đó việc kiêng mua sắm càng nặng hơn.

Theo Duy, nhân viên môi giới cho 1 sàn bất động sản cho hay, thường tháng này dân môi giới chơi dài. Nếu có khách chỉ là khách thăm quan, khách tiềm năng của dự án. Trong tháng này, không chủ đầu tư nào mạo hiểm mở bán, nếu có thì chỉ là những ưu đãi giá và căn cho khách đặt chỗ, đặt suất, còn làm hợp đồng và xuống tiền thì phải để sang tháng 8.

Dân môi giới BĐS là thế, còn với giới kinh doanh xe, tháng cô hồn doanh thu thường âm và để duy trì hiệu năng của mình, họ có các cách kinh doanh riêng. Anh Minh, chủ một đại lý xe máy trên đường Phạm Văn Đồng cho biết: "Tháng cô hồn không nói ai cũng biết doanh thu xe máy, ô tô thường về âm dù các hãng đều có chính sách khuyến mãi. Vài năm trở lại đây, cửa hàng tôi thường đổi phương thức kinh doanh trong tháng 7, hạn chế bán hàng thay vào đó là nhập hàng và tổ chức bảo dưỡng, kiểm tra xe miễn phí cho khách. Đây cũng là dịp để tri ân khách và kéo khách trở lại trong tháng tiếp theo".

Thầy cúng "đắt sô", kinh doanh hàng mã bội thu

Trong khi việc buôn bán, kinh doanh bị ngưng trệ do kiêng cữ làm ăn trong tháng "cô hồn” thì các hoạt động mang màu sắc tâm linh lại đua nhau “khởi sắc”, trong đó đặc biệt là việc một bộ phận người dân chi món tiền rất lớn vào mời thầy cúng về làm lễ tại gia.

Hàng mã tháng cô hồn có lẽ là mặt hàng được tiêu dùng nhiều nhất
Hàng mã tháng cô hồn có lẽ là mặt hàng được tiêu dùng nhiều nhất

Theo chị Bích Huyền, nhà số 43A, Hoàng Cầu, Hà Nội, nếu gia đình nào đi xem thầy, xem đất, chi phí mua sắm đồ cúng rất tốn kém vì phải theo thầy, theo bà. "Chi phí mời thầy cúng trong tháng cô hồn, mùa Vu Lan tùy tâm, nhưng ít nhất chi phí cho thầy và lễ tối thiểu cũng phải 5 triệu đồng, nhiều nhà kinh doanh buôn bán sắm lễ Vu Lan, cúng rằm hàng chục triệu đồng với rất nhiều thủ tục cầu kỳ", chị Huyền cho biết.

Ngoài việc sắm lễ, theo nhiều người việc mời thầy cúng cao tay, có thâm niên cũng không đơn giản, thậm chí tháng cô hồn, do các thầy quá "đắt sô" nên những gia đình muốn lễ lớn phải chi tiền nhiều, đón rước thầy, bà đặt lịch, xếp chỗ. Và với những thầy cúng cao tay, tháng cô hồn được coi là tháng họ vất vả nhất, thu nhập nhiều nhất và đi lại nhiều nhất.

Ngoài ra, cứ mỗi dịp tháng 7, người dân Việt Nam lại đốt vàng mã, mũ áo và các vật phẩm cho người thân đã khuất. Chính vì điều này, tháng 7 là tháng các mặt hàng đồ giấy, hàng mã được chuyên chở, bán nhiều nhất.

Tại phố Hàng Mã (Hà Nội) cứ đến cuối tháng 6 và đầu tháng 7 âm, dân kinh doanh lại tấp nập đánh xe về các làng nghề làm hàng mã ở Bắc Ninh, Hưng Yên hay một số địa phương ngoại thành Hà Nội, nơi có nhiều nghề làm vàng mã phát triển.

Theo tiết lộ của chủ của hàng trên phố Hàng Mã, mỗi ngày có khoảng 15 chuyến ô tô chở đồ hàng mã từ các làng nghề lên các cửa hàng để phân phối cho các cửa hàng nhỏ. Vì hàng mã mà nhiều địa phương có làng nghề này giàu lên nhanh chóng. Với dân kinh doanh mặt hàng này, thì nỗi buồn của cánh kinh doanh hàng hóa thông thường lại là niềm vui của họ bởi những tháng cô hồn, mồng một hay hôm rằm là cơ hội vàng để họ có thu nhập cao từ các mặt hàng cho người âm. Bên cạnh đó, xét về lợi nhuận thì việc không ai trả giá cho các đồ tâm linh, không có mặt hàng so sánh, thay thế khiến các mặt hàng chỉ có giá trị tâm linh này khi đến tay người mua bị đắt gấp 10 lần so với nơi sản xuất.

Nguyễn Tuyền