1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Thâm nhập đường dây buôn gia cầm lậu vùng biên

(Dân trí) - Với giá khoảng 5 nhân dân tệ/kg (khoảng gần 20.000đồng/kg), mặt hàng gà, vịt mổ sẵn, ướp chất chống thối để được 4-5 tháng mà không bị hỏng, đang được nhiều đầu nậu tìm cách “tuồn” vào Việt Nam tiêu thụ, thu lợi nhuận béo bở.

"Trải lòng" của "ông trùm" gà vịt lậu vùng biên

Mất nhiều ngày lần mò qua nhiều mối quen biết ở Lạng Sơn, chúng tôi cũng tìm được T. “gù” - một đầu nậu ở miền biên ải này.

Căn nhà của T. “gù” nằm ngay xã Tân Mỹ, cách khu vực cửa khẩu không quá xa. Sau hồi dò xét, cuối cùng T. “gù” cũng trở nên cởi mở hơn khi biết chúng tôi cần tìm mối hàng gà, vịt Trung Quốc để cung cấp cho nhiều nhà hàng ở dưới xuôi với khối lượng lớn.

T. “gù” cho biết, trước đây làm dân bốc vác hàng tại khu vực bãi Gianh, thác Ném, sau vài năm tích góp kinh nghiệm, T. chuyển sang làm “cai cửu”, có được chút vốn liếng, T. đứng ra tự đánh hàng về để chuyển cho các chủ buôn ở Lạng Sơn, Hà Nội.

G
Gà vịt lậu được mua với giá bèo bên Trung Quốc chuyển về Việt Nam.

T. cũng cho biết, nếu vài năm trước, vải vóc, quần áo, điện tử của Trung Quốc còn được giá thì nay chỉ còn hàng gà, vịt và thực phẩm là còn kiếm ăn được kha khá. “Làm hàng tươi sống vất vả và nhếch nhác hơn nhưng bù lại không lúc nào sợ khan hàng và mấy chủ ở dưới xuôi cũng nhập liên tục…”, T. “gù” nói.

Để "khoe", T. thẳng thắn cho biết hàng gà, vịt ở bên Trung Quốc cũng có đủ loại, nếu là loại tươi sống, rẻ nhất là gà mái già đã đẻ hết trứng (hơn 300 quả/năm), bị thải loại ra từ các trang trại ở Tứ Xuyên, Tà Sủng, Quảng Tây, loại này giá chỉ khoảng 3 nhân dân tệ/con (khoảng 10.000 đồng/con) nên cũng là loại gà được nhập lậu về Việt Nam nhiều nhất. Về đến Việt Nam, mỗi con có thể bán tới 60-70.000 đồng nên thu lợi nhuận khủng khiếp.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, loại gà già này đã bị các chủ trang trại sử dụng các loại thuốc để thúc đẻ đến kiệt sức và không có khả năng tái sinh sản nữa nên được bán với giá rất bèo, vì sau khi đẻ xong hết trứng là hết tác dụng nên nuôi thêm ngày nào là tốn tiền thức ăn, công chăm sóc ngày đó.

Gã đầu nậu khét tiếng ở Văn Lãng này cũng thẳng thắn cho biết, nếu hợp tác làm ăn lâu dài sẽ sẵn sàng đưa chúng tôi sang bên kia Pò Chài, thậm chí là Bằng Tường (Trung Quốc) gặp chủ hàng người Trung Quốc để xem hàng trực tiếp và làm việc giá cả cụ thể.

Chia tay với T. “gù”, chúng tôi tìm tới khu kinh tế cửa khẩu Tà Lùng (Phục Hòa), là cửa khẩu lớn nhất ở Cao Bằng. Mặc dù không sầm uất như cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) nhưng ở cửa khẩu này lại có một đội ngũ cửu vạn lên tới hàng ngàn người vì lượng hàng hóa xuất nhập khẩu qua đây rất lớn.

Theo một đầu nậu tại đây đang có trong tay một đội quân cửu vạn lên tới hơn 30 người, cùng với đó là 5-6 đầu mối hàng tươi sống bên Long Châu (Trung Quốc) cho biết, gần đây do ở Móng Cái và Lạng Sơn làm chặt và phí “làm luật” cao nên nhiều chủ buôn ở dưới xuôi đã chuyển sang đánh hàng gà lậu và gia cầm giống qua đường Tà Lùng hay Trà Lĩnh (Cao Bằng) để an toàn hơn.

Cửu vạn chở gà lậu lợi dụng khi các cơ quan chức năng thiếu kiểm soát chạy rầm rầm trên Quốc lộ.
Cửu vạn chở gà lậu lợi dụng khi các cơ quan chức năng thiếu kiểm soát chạy rầm rầm trên Quốc lộ.

Tại khu vực xóm Kéo Kham thuộc địa phận cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn), mới chập tối, chúng tôi chứng kiến cảnh cả đoàn cửu vạn thập thò, rồi như “ma đuổi” gồng gánh hàng hóa vượt biên theo con đường cánh cung bên cạnh cửa khẩu xuống dưới dãy nhà lụp xụp tập kết hàng ngay sát chân núi. Chị Hồng, một cửu vạn ở đây cho biết: “Hầu hết các gia đình ở đây đều có người đi chuyển gà Trung Quốc, mỗi sọt gà chừng 50-60kg, nếu chịu khó một đêm làm hai ba chuyến cũng kiếm được khoảng 200.000 đồng.

Lợi nhuận từ buôn gà vịt lậu lãi ngang...ma túy

Được T. "gù" giới thiệu chúng tôi gặp A Phong, một người đàn ông Trung Quốc có vợ người Lạng Sơn, là chỗ làm ăn lâu ngày với T. “gù”.

Biết chúng tôi đi khảo sát thị trường để tìm mối kinh doanh gia cầm, A Phong bảo muốn đến "thủ phủ" gà vịt phải tới chợ Lũng Vài, nơi được xem là một trong những chợ lớn cung cấp đủ loại hàng hóa vào thị trường Việt Nam. A Phong liền lấy điện thoại liên hệ cho chúng tôi gặp ngay vài chủ hàng được cho là có máu mặt tại Lũng Vài để thương lượng trực tiếp.

Sau ít phút trao đổi thân mật giữa A Phong với chủ hàng, A Phong mở loa ngoài điện thoại cho vị chủ hàng "tiếp thị" với chúng tôi bằng cả tiếng Việt lẫn tiếng Trung giọng lơ lớ: “Yên tâm, bao nhiêu cũng có…”.

Cùng với gà thịt, gà con nhập lậu cũng đang là vấn nạn nhức nhối.
Cùng với gà thịt, gà con nhập lậu cũng đang là vấn nạn nhức nhối.

Đáng ngạc nhiên là trong khi chúng tôi tỏ ra lo lắng về việc vận chuyển gia cầm qua đường biên giới để đưa vào nội địa thì chủ hàng tại chợ Pò Chài (Trung Quốc) lại cho rằng đây là chuyện nhỏ vì có “đường dây” đảm bảo được chuyển tới sát đường biên hoặc sang tới tận Lạng Sơn, chỉ cần chúng tôi chuyển trước 50% giá trị tiền hàng, số còn lại sẽ nhận nốt khi giao hàng.

A Phong cũng cho biết thêm, gia cầm Trung Quốc không chỉ có loại tươi sống mà loại gà con, vịt con giống hay gà, vịt thịt sẵn từ 2-3kg/con được cấp đông cũng rất nhiều, giá chỉ khoảng 5 nhân dân tệ/kg vì thêm phí thùng xốp, hóa chất chống thối và cấp đông.

Tuy nhiên, loại gà, vịt được giết mổ sẵn này lại đang là hàng “nóng” với nhiều chủ hàng ở Lạng Sơn hay Hà Nội để cung cấp cho các nhà hàng, chợ đầu mối. Bởi lẽ loại gia cầm đã qua sơ chế này vận chuyển đơn giản, gọn nhẹ hơn nên ít bị phát hiện, lại để được 4-5 tháng mà không bị thối hỏng do đã được ướp hóa chất chống thối. Trong khi đó, nếu đưa trót lọt vào thị trường nội địa, đầu nậu thu lãi gấp nhiều lần so với tiền vốn đã bỏ ra.

Còn tại khu vực cửa khẩu Chi Ma (Lạng Sơn) có đến hàng trăm đường mòn xương cá lớn nhỏ, được các chủ buôn lậu mở ra để vận chuyển hàng lậu qua biên giới. Cũng chẳng cần lợi dụng đêm tối, gia cầm lậu được chuyển qua biên giới bất cứ giờ nào nếu chủ hàng có nhu cầu.

Tại đây, ngay khi gà lậu được đưa từ phía bên kia Ái Điểm (Trung Quốc) đến, đội quân cửu vạn bên Chi Ma nhanh chóng chuyển hàng xuống, đưa lên xe máy hoặc xe 7 chỗ được tháo hết ghế sau để chuyển về tập kết tại huyện Đình Lập (Lạng Sơn) hoặc chạy thẳng xuống khu vực Lục Ngạn ( Bắc Giang). Từ điểm tập kết này, gà vịt bẩn sẽ theo nhiều ngả túa về các tỉnh thành, nhất là TP Hà Nội. Đa số gà vịt loại này sẽ được giao cho các nhà hàng, quán ăn bình dân tiêu thụ.

Anh Thế - H.Phúc