1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Tham gia thị trường xăng dầu: "Đại gia" ngoại sẽ làm gia tăng cạnh tranh

(Dân trí) - Tiềm lực tài chính rất mạnh, nhiều kinh nghiệm, thương hiệu tốt, quản trị tốt...là những thế mạnh khi liên doanh Idemitsu Q8 của hai "ông lớn" xăng dầu Nhật Bản, Kuwait vào Việt Nam, song bài toán đặt ra là hầu như các địa điểm đẹp để đặt cửa hàng đã về tay doanh nghiệp nội.

Như đã đưa tin, Tập đoàn xăng dầu lớn thứ hai tại Nhật Bản là Idemitsu Kosan và Công ty Dầu khí Quốc tế Kwait - Kuwait Petroleum International (KPI) đã cùng thành lập liên doanh lấy tên là Công ty TNHH Dầu khí Idemitsu Q8 với mục đích phân phối các sản phẩm dầu khí tại Việt Nam. Tại liên doanh này, mỗi bên góp vốn 50%.

Theo thông tin từ Idemitsu Koisan thì Idemitsu Q8 đã nhận được Chứng nhận Đăng ký đầu tư của Chính phủ Việt Nam. Trong khi đó, một nguồn tin từ Bộ Công Thương tiết lộ, Idemitsu Kosan và KPI đã được cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam, trong đó liên doanh này được phép phân phối xăng dầu.

Bài toán đặt ra cho Idemitsu Q8 là thiết lập được hệ thống cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam
Bài toán đặt ra cho Idemitsu Q8 là thiết lập được hệ thống cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam

Trao đổi với phóng viên Dân Trí, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho biết, theo thỏa thuận khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì Việt Nam vẫn chưa cho mở cửa thị trường xăng dầu, chỉ mở cửa đối với những doanh nghiệp có đầu tư vốn và nhà máy lọc hoá dầu Việt Nam.

KPI và Idemitsu đáp ứng được điều kiện này là do mỗi bên đang nắm giữ 35,1% vốn tại dự án Liên hợp Lọc dầu Nghi Sơn (Thanh Hóa) bên cạnh các nhà đầu tư khác là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) nắm 25,1%; Công ty Hóa chất Mitsui Nhật Bản nắm 4,7%.

Ngoài ra, để gia nhập thị trường xăng dầu Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài phải đáp ứng đủ những điều kiện của Nghị định 83 về số lượng cửa hàng, kho bãi, phương tiện vận chuyển...

"Doanh nghiệp Nhật và Kuwait là những doanh nghiệp có tiềm lực tài chính rất mạnh, nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực này, thương hiệu tốt, quản trị tốt thì chắc chắn những điều kiện mà Nghị định 83 đề ra chắc chắn với họ không có vấn đề gì là khó cả" - vị chuyên gia nhận định.

Tuy nhiên, ông Long cũng cho rằng, cái khó với Idemitsu Q8 là những địa điểm, vị trí đẹp, thuận lợi thì các doanh nghiệp Việt Nam đã giữ. "Trong bối cảnh hiện nay thì thị trường bán lẻ tương đối đã đầy đủ, Idemitsu Q8 chỉ còn cách liên doanh hoặc mua lại cửa hàng từ Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) và những doanh nghiệp khác" - ông Long cho hay.

Ngoài ra, Idemitsu Q8 cũng chỉ được phép thực hiện xuất nhập khẩu trong bối cảnh tham gia với các dự án lọc hoá dầu và dưới sự cho phép của Chính phủ chứ không được phép tự do nhập như 23 đầu mối kinh doanh xăng dầu của Việt Nam.

Chuyên gia Ngô Trí Long đánh giá, rất khó để Idemitsu Q8 có thể thay đổi lớn hay mang tính áp đảo về thị phần bán lẻ xăng dầu Việt Nam. Thế nhưng đây là một sự khởi đầu, bước dịch chuyển đầu tiên báo hiệu một sự thay đổi, sự tiếp cận, xâm nhập của các doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường Việt Nam, là dấu hiệu tốt cho thị trường xăng dầu. Theo đó, gia tăng sự cạnh tranh, đồng nghĩa với thị trường sẽ phát triển, có lợi cho người tiêu dùng, nhất là khi Việt Nam sẽ dần tiến đến thị trường bán lẻ xăng dầu cạnh tranh thực sự.

Trao đổi về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cũng nhận xét, thực tế tư duy mở cửa của Việt Nam đã hình thành từ lâu. Ngay cả lĩnh vực tiềm ần nguy cơ mất an ninh nhất là tài chính ngân hàng mà Việt Nam cũng đã mở cho các công ty nước ngoài tham gia thì "với các thị trường khác cũng không thành vấn đề".

"Chỉ có điều mức độ mở cửa ở lĩnh vực xăng dầu đến đâu và liệu nhóm doanh nghiệp nội sẽ đấu tranh để giữ được phần bảo hộ đến mức độ nào mà thôi. Sẽ cần thời gian để thực tế trả lời" - ông Minh nói.

Liên quan đến việc Nghị định 83 chưa có quy định điều chỉnh với thương nhân nước ngoài, chuyên gia Ngô Trí Long cho biết, khi một doanh nghiệp nước ngoài vào kinh doanh tại thị trường Việt Nam thì phải theo Nghị định 83 chứ không phải lập ra một Nghị định riêng cho các doanh nghiệp nước ngoài. Ở đây không có sự phân biệt giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài.

Cũng theo khẳng định của đại diện Bộ Công Thương, việc các doanh nghiệp nước ngoài được tham gia phân phối xăng dầu khi làm nhà máy lọc dầu là theo quy định tại các hiệp định thương mại đã được Việt Nam ký kết với các nước đối tác. Về quy hoạch cụ thể, cũng như cấp phép cho những địa điểm phân phối xăng dầu nào… thì tới nay chưa DN nước ngoài nào được cấp.

Hiện các doanh nghiệp nước ngoài muốn tham gia vào thị trường bán lẻ xăng dầu sẽ phải dựa vào hệ thống phân phối sẵn có của doanh nghiệp trong nước, ở đây là PVN và Petrolimex.

Được biết, thị trường xăng dầu Việt Nam hiện có 23 thương nhân đầu mối và 69 thương nhân phân phối, nhưng thị phần lớn nhất vẫn thuộc về Petrolimex.

Bích Diệp

Tham gia thị trường xăng dầu: "Đại gia" ngoại sẽ làm gia tăng cạnh tranh - 2