1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Thái độ với Trung Quốc của ông Biden và ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam

Mai Chi

(Dân trí) - Trước khả năng ông Joe Biden sẽ trở thành Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ, vấn đề được nhiều người quan tâm là thái độ với Trung Quốc của ông Biden sẽ ra sao và kinh tế Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng gì?

Kinh tế Việt Nam ảnh hưởng ra sao khi ông Biden đắc cử Tổng thống Mỹ?

Bất chấp những khiếu nại về gian lận phiếu bầu và cuộc chiến pháp lý mà nhóm tranh cử của ông Donald Trump đưa ra, ông Joe Biden vẫn được các hãng tin lớn của Mỹ gọi là “tổng thống đắc cử”.

Theo chuyên gia Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam: Để đưa ra nhận định, phán đoán tác động đối với nền kinh tế Việt Nam khi ông Joe Biden lên làm Tổng thống Mỹ thì cần đặt trong chiều dài lịch sử quan hệ hợp tác giữa hai nước.

Trong suốt quá trình vận động tranh cử, ông Biden đã liên tục nhấn mạnh rằng Mỹ cần "gia cố chuỗi cung ứng" của mình, nhất là khi Covid-19 đã phơi bày hàng loạt điểm yếu của nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Thái độ với Trung Quốc của ông Biden và ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam - 1

Ông Joe Biden  (ảnh: Reuters)

Chuyên gia Lê Duy Bình cho rằng, nếu ông Trump đã đặt ra tiền đề ban đầu và kích hoạt cho việc dịch chuyển chuỗi cung ứng , thì ông Joe Biden vẫn tiếp tục xu hướng này do những lợi ích của chính nền kinh tế Mỹ. Sự khác biệt có thể ở chỗ cách thể hiện của ông Biden sẽ “mềm mỏng” hơn.

Việc thiết lập lại chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục được duy trì, nếu Việt Nam tận dụng tốt cơ hội sẽ tiếp tục hưởng lợi.

Những điểm lưu ý trong quan hệ kinh tế Việt - Mỹ thời ông Biden

GS.TSKH. Võ Đại Lược - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế thế giới - cho rằng, một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu là cách tiếp cận của ông Biden trong quan hệ với Trung Quốc khi trở thành Tổng thống. Đây cũng lưu ý lớn khi phân tích tác động chính sách của Tổng thống đắc cử tới kinh tế Việt Nam .

Xét về mặt tích cực, ông Lược cho biết: Một số mặt hàng Mỹ đánh thuế nhập khẩu từ Trung Quốc nằm trong thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam. Đây là cơ hội tốt để Việt Nam thêm thị phần.

Tuy nhiên, khi Mỹ duy trì đánh thuế cao vào hàng Trung Quốc khiến xuất khẩu vào Mỹ khó khăn hơn thì nước này sẽ đẩy mạnh sang các nước khác để bù lại, trong đó có thị trường Việt Nam và ASEAN.

Bên cạnh những yếu tố tích cực thì cạnh tranh gay gắt với hàng Trung Quốc tại Việt Nam và ASEAN sẽ là “một sức ép” lớn mà doanh nghiệp phải đối diện.

Một vấn đề lớn khác cũng nhận được sự quan tâm lớn, đó là vấn đề thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ liên tục tăng cao. Liệu vấn đề này có được chú ý trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ mới hay không?

Ông Lược cho rằng đây sẽ là vấn đề Việt Nam cần tiếp tục lưu tâm, bởi khả năng ông Biden vẫn sẽ tiếp tục quan tâm vấn đề này, chỉ khác nhau ở cách thức, giải pháp…

GS Võ Đại Lược cũng nhận định, chính sách kinh tế thương mại đầu tư của Mỹ đối với Việt Nam dưới thời ông Biden không có những thay đổi đáng kể. Gia tăng quan hệ kinh tế với Việt Nam vẫn là xu hướng chính.

Đáng lưu ý, ông Biden là người quan điểm cởi mở về tự do thương mại. Tuy nhiên ông Lược không kỳ vọng quá lớn việc Biden ký lại CPTPP, đến thời điểm này cũng chưa có phát biểu gì chứng tỏ ông Biden sẽ nối lại đàm phán.

Thương chiến Mỹ - Trung dưới thời ông Biden sẽ ra sao?

Khi còn đương nhiệm chức Phó Tổng thống Mỹ dưới thời ông Barack Obama, ông Biden cũng từng đưa ra những quan điểm cứng rắn đối với Trung Quốc . Mặc dù hiện ông vẫn chưa đưa ra những chính sách cụ thể nhằm đối phó với sự phát triển và ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Quốc, nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy ông Biden sẽ giữ vững lập trường tương tự như người tiền nhiệm Donald Trump.

Trong bài viết có tựa đề “Vì sao nước Mỹ phải dẫn đầu trở lại” được đăng tải trên tờ Foreign Affairs, ông Joe Biden đã mô tả ưu tiên hàng đầu trong kế hoạch củng cố vị thế cường quốc của Mỹ với nền kinh tế toàn cầu là đầu tư vào đổi mới và tầng lớp trung lưu, đồng thời nâng cao sức mạnh đoàn kết kinh tế của các nền dân chủ trên thế giới. Từ đó, hành động này sẽ góp phần chống lại các động thái cực đoan lạm dụng quyền lực kinh tế, thu hẹp bất bình đẳng xã hội.

Bên cạnh đó, ông cũng bày tỏ quan điểm cho rằng phương án tốt nhất để đối phó với Trung Quốc trong vấn đề sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ là thành lập liên minh vững chắc với các đồng minh và đối tác, thay vì ban hành các sắc lệnh thuế quan đơn phương.

“Trung Quốc là một thách thức cực kì đặc biệt. Tôi đã từng có thời gian nghiên cứu và thảo luận với các nhà lãnh đạo của nước họ, và nhận thấy rõ những gì nước Mỹ phải đối mặt. Bắc Kinh thực chất đang đi đầu trong một trò chơi dài hơi bằng việc bành trướng ra toàn thế giới, mở rộng ảnh hưởng chính trị và đầu tư công nghệ. Các công ty Mỹ sẽ bị tổn thương trên chính sân nhà, và tài sản trí tuệ của Mỹ có thể bị lấy cắp.

Chỉ riêng nước Mỹ đang đại diện cho khoảng một phần tư GDP toàn cầu. Khi chúng ta hợp tác cùng các nền dân chủ khác, chúng ta trở thành một liên minh với sức mạnh tăng gấp đôi. Dĩ nhiên, do đó Trung Quốc không thể làm ngơ với một nửa thế giới” - ông Joe Biden viết.

Vốn Trung Quốc ồ ạt "đổ" vào Việt Nam

Theo cập nhật của Cục đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), tính đến ngày 20/10, vốn đầu tư FDI của nhiều đối tác lớn của Việt Nam giảm mạnh như Hàn Quốc chỉ đạt 3,4 tỷ USD trong tháng 10, giảm 2,1 tỷ USD so cùng kỳ năm trước; Nhật Bản chỉ đạt 1,7 tỷ USD, giảm gần 50%.

Xét tổng thể, vốn đầu tư từ Trung Quốc , Đài Loan, Hồng Kông vẫn khá ổn định ở Việt Nam. Tổng vốn các nhà đầu tư Trung Quốc đại lục, vùng lãnh thổ Đài Loan và đặc khu Hồng Kông vào Việt Nam trong 10 tháng qua đạt 4,86 tỷ USD, vượt qua vốn của Nhật Bản và Hàn Quốc.

Lũy kế đến ngày 20/10, tổng vốn đầu tư của nhà đầu tư từ Trung Quốc đại lục, Đài Loan và Hồng Kông vào Việt Nam đạt trên 76 tỷ USD, vượt qua tổng vốn đầu tư vào Việt Nam từ trước tới nay của Hàn Quốc (70,4 tỷ USD), Nhật Bản (gần 60 tỷ USD) và Singapore (55,7 tỷ USD).

Riêng vốn đầu tư từ Trung Quốc, 5 năm trước, các nhà đầu tư nước này sau nhiều năm thăm dò mới chỉ bỏ khoảng 10 tỷ USD vào Việt Nam. Tuy nhiên, 5 năm sau, con số hoàn toàn khác, vốn FDI của Trung Quốc đã tăng gần gấp đôi ở Việt Nam.