1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Bình Định:

Tàu vỏ thép hư hỏng, công ty “phủi” trách nhiệm đền bù

(Dân trí) - Hơn nửa năm ròng đi tới đi lui, dự hơn 20 cuộc “đàm phán” về số phận những con tàu vỏ thép nằm bờ vì cơ sở đóng tàu làm ăn gian dối. Sự việc rõ mười mươi, nhưng đến nay 2 công ty vẫn chưa thống nhất đền bù thiệt hại cho ngư dân.

Bình Định: Tàu vỏ thép hư hỏng, công ty “phủi” trách nhiệm đền bù

Cty Đại Nguyên Dương chối đền bù, ngư dân đòi trả tàu

Sau thời gian tạm lắng do chờ sửa chữa, khắc phục, ngày 30/11, câu chuyện dài kỳ về tàu vỏ thép hư hỏng, rỉ sét nằm bờ ở Bình Định tiếp tục được “hâm nóng” tại buổi làm việc bàn nội dung hỗ trợ, đền bù giữa 19 chủ tàu vỏ thép với đại diện 2 cơ sở đóng tàu là Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu.

Đã hơn 20 cuộc họp, đến nay giữa các công ty đóng tàu và ngư dân vẫn chưa đi đến thống nhất đền bù các khoản thiệt hại khi tàu vỏ thép hư hỏng nằm bờ.
Đã hơn 20 cuộc họp, đến nay giữa các công ty đóng tàu và ngư dân vẫn chưa đi đến thống nhất đền bù các khoản thiệt hại khi tàu vỏ thép hư hỏng nằm bờ.

Theo số liệu tổng hợp của Sở NN&PTNT Bình Định, thiệt hại từ 19 tàu vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67/NĐ - CP tại Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu là gần 37 tỷ đồng. Trong đó, TP Quy Nhơn: 2 tàu với số tiền hơn 6,6 tỷ đồng; huyện Phù Cát: 7 tàu (hơn 10 tỷ đồng); huyện Phù Mỹ: 4 tàu (hơn 2,7 tỷ đồng) và huyện Hoài Nhơn: 6 tàu (hơn 17 tỷ đồng).

Thế nhưng, sau khi đối chiếu với báo cáo thiệt hại do UBND các huyện, thành phố ven biển gửi Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định tổng hợp công bố tại cuộc họp, nhiều ngư dân phát hiện có sai lệch giữa kê khai của họ và kết quả thống kê.

Ông Lê Văn Thãi, chủ tàu BĐ 99016 TS (đóng tại Công ty TNHH MTV Nam Triệu), cho rằng báo cáo tổng hợp do Sở Nông nghiệp cung cấp đã bỏ bớt phần lãi suất quá hạn cùng một số khoản khác: “Tôi yêu cầu bồi thường hơn 2,8 tỷ đồng chứ không phải hơn 1,7 tỷ đồng như văn bản tổng hợp. Tôi không đồng ý, đề nghị xem xét lại…”.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định gia hạn không quá 3 lần họp bàn, nếu việc đền bù vẫn chưa được giải quyết thì tranh chấp nên đưa ra tòa kinh tế.
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định gia hạn không quá 3 lần họp bàn, nếu việc đền bù vẫn chưa được giải quyết thì tranh chấp nên đưa ra tòa kinh tế.

Về việc này, ông Nguyễn Văn Mẫn, Quyền Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu thừa nhận yêu cầu của ngư dân là chính đáng. “Công ty tiếp thu ý kiến của ngành chức năng, chính quyền địa phương và đề nghị đền bù thiệt hại của ngư dân, báo cáo với Tổng cục Hậu cần- Kỹ thuật (Bộ Công an). Công ty cũng mong muốn tiếp tục cùng với ngư dân bàn bạc, xem cái nào chấp nhận được, cái nào cần làm rõ thêm để đi đến thống nhất số tiền đền bù”, ông Mẫn nói.

Trái với ý kiến cầu thị của Công ty Nam Triệu, thì ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương thẳng thừng tuyên bố Đại Nguyên Dương sẽ không bồi thường vì máy móc, vỏ tàu do công ty đóng đều ổn định, không có lý do mà tàu nằm bờ.

Thế nhưng, sau ý kiến của người đứng đầu Đại Nguyên Dương, các ngư dân đều rất bức xúc vì cho rằng ông Nguyên nói vậy là sai hoàn toàn, thoái thác trách nhiệm với ngư dân.

Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương Nguyễn Xuân Nguyên từ chối đền bù cho các chủ tàu vì tàu công ty đóng đều ổn?
Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương Nguyễn Xuân Nguyên từ chối đền bù cho các chủ tàu vì tàu công ty đóng đều ổn?

“Tàu cá vỏ thép mới đưa vào sử dụng đã bị rỉ sét, hư hỏng là do các công ty đóng tàu nên không thể thoái thác trách nhiệm như vậy. Nếu công ty không đền bù thiệt hại do tàu cá bị hư hỏng nằm bờ, chúng tôi sẽ trả lại tàu cho công ty”, ông Thãi cho hay.

Nhiều Hội Luật gia xin trợ giúp miễn phí cho ngư dân

Tại cuộc họp, các ngư dân yêu cầu 2 công ty đóng tàu phải đền bù thiệt hại trong thời gian tàu nằm bờ sửa chữa, đồng thời cho một thời hạn cụ thể bàn giao tàu.

Ông Nguyễn Văn Mẫn, Quyền Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu cam kết, lãnh đạo công ty sẽ bàn bạc, xem xét đền bù những khoản chi phí phù hợp cho ngư dân.
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Quyền Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Nam Triệu cam kết, lãnh đạo công ty sẽ bàn bạc, xem xét đền bù những khoản chi phí phù hợp cho ngư dân.

Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho rằng việc ngư dân yêu cầu là đúng nhưng yêu cầu cái gì phải chính đáng, có lý có tình. “Chi phí khắc phục, sửa chữa hai cơ sở đóng tàu bỏ ra là rất lớn. Một số khoản cần được ngư dân chia sẻ là phí sinh hoạt gia đình, lợi nhuận vì đây là sự cố rủi ro. Về khoản hỗ trợ nhiên liệu theo Quyết định 48 của Thủ tướng Chính phủ cần xem lại. Tàu không ra khơi sẽ không được hưởng. Chi phí thuê thuyền viên thì căn cứ hợp đồng, có xác nhận UBND xã”, ông Hổ cho hay.

“Nhiều nhất sẽ có 3 lượt thảo luận về việc có hay không trách nhiệm đền bù. Nội dung nào phải đền bù, nội dung nào cần chia sẻ. Cuối cùng, nếu các bên vẫn chưa tìm thấy tiếng nói chung, tranh chấp nên được đưa ra tòa kinh tế”, ông Hổ nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ (Bình Định) cho rằng cần phải thống nhất một văn bản cụ thể là đền bù và hỗ trợ thiệt hại cho ngư dân. “Những gì công ty gây thiệt hại cho dân thì phải đền bù, còn hỗ trợ những khoản chi phí khi tàu nằm bờ không ra khai thác”, ông Tân nói.

Ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ (Bình Định) khuyên ngư dân yên tâm nếu phải đưa vụ việc ra tòa kinh tế.
Ông Hà Ngọc Tân, Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ (Bình Định) khuyên ngư dân yên tâm nếu phải đưa vụ việc ra tòa kinh tế.

Ông Tân nhấn mạnh thêm: “Đề nghị 2 công ty phải có văn bản chính thức về thời hạn khắc phục từng con tàu và văn bản về đền bù hay không đền bù cho ngư dân để làm cơ sở pháp lý. Nhiều ngư dân lo lắng, nếu kiện ra tòa sẽ tốn tiền, tốn thời gian. Hiện nay, rất nhiều Hội Luật gia xin đăng ký với huyện sẽ trợ giúp miễn phí 100%, nên bà con ngư dân cứ yên tâm nếu phải ra tòa”.

Doãn Công