1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Tập đoàn Hàn Quốc đã đầu tư gì ở Việt Nam?

(Dân trí) - Là đất nước đang phát triển, Việt Nam là một thị trường màu mỡ cho các nhà đầu tư, đặc biệt là từ Nhật Bản, Hàn Quốc…do sự tương đồng của văn hoá Á Đông. Trong đó, các chaebol (tập đoàn) Hàn Quốc như Samsung, SK, Lotte …đang tăng cường làn sóng đầu tư vào Việt Nam, góp phần giúp nền kinh tế đạt được tăng trưởng ấn tượng.

Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Hàn Quốc được 25 năm và chính thức là đối tác chiến lược 9 năm, giúp quan hệ hai nước không ngừng được củng cố. Chính phủ Hàn Quốc cũng vừa công bố chính sách Hướng Nam mới, với mong muốn nâng tầm quan hệ với các nước ASEAN lên một tầm cao mới, với Việt Nam là tâm điểm.

Từ năm 2011 đến nay, Hàn Quốc luôn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất tại Việt Nam. Năm 2017, kim ngạch thương mại hai nước đạt 64 tỷ USD. Với kết quả đó, Việt Nam hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Hàn Quốc. Ngược lại, Hàn Quốc là bạn hàng thương mại lớn thứ hai của Việt Nam chỉ sau Trung Quốc.

Như một lẽ thường tình, các tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc như Samsung, Lotte, SK, CJ…cũng tăng cường đầu tư chiến lược lẫn M&A tại Việt Nam, một thị trường tiềm năng trong bối cảnh nên kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,71% trong năm 2018.

Điển hình là 1 tháng trước, Vingroup công bố thương vụ Hanwha Asset Management chi 400 triệu USD để mua 84 triệu cổ phiếu ưu đãi của Vingroup.


SK Group, tập đoàn lớn thứ ba Hàn Quốc, đầu tư 470 triệu USD vào Masan Group, tập đoàn hàng đầu Việt Nam về hàng tiêu dùng.

SK Group, tập đoàn lớn thứ ba Hàn Quốc, đầu tư 470 triệu USD vào Masan Group, tập đoàn hàng đầu Việt Nam về hàng tiêu dùng.

Mới đây, thị trường xôn xao với thông tin SK Group, tập đoàn lớn thứ ba Hàn Quốc, đầu tư 470 triệu USD vào Masan Group, tập đoàn hàng đầu Việt Nam về hàng tiêu dùng. Thông cáo báo chí của Masan Group nêu rõ SK Group muốn gia tăng sự hiện diện tại khu vực Đông Nam Á và nhận thấy Việt Nam, nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất khu vực, phù hợp làm nơi đạt nền móng chiến lược, và Masan sẽ là đối tác phù hợp cho chiến lược dài dài của SK.

SK Group là một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc trong các lĩnh vực năng lượng, hóa chất, viễn thông, bán dẫn, logistics và dịch vụ. Các hoạt động của SK không được truyền thông rộng rãi như Samsung, CJ…nhưng không thể phủ nhận tập đoàn này đã có sự hiện diện tại Việt Nam từ rất lâu.

Năm 2003, SK đầu tư vào hạ tầng viễn thông Việt Nam với mạng viễn thông S-Fone. Thương hiệu S-Fone ra đời theo hợp đồng hợp tác kinh doanh giữa đối tác Việt Nam là SPT và SLD Telecom (thuộc SK Telecom), là nhà mạng sử dụng công nghệ CDMA (đa truy cập phân chia theo mã) đầu tiên của Việt Nam. S-Fone được coi như nhân tố tiên phong trong việc phá vỡ thế độc quyền viễn thông di động của VNPT.

Tuy nhiên, quá trình thương mại hóa mạng CDMA tại Việt Nam diễn ra chậm do gặp nhiều khó khăn về mạng lưới và thiếu sự đa dạng các thiết bị đầu cuối. Năm 2012, S-Fone chính thức dừng hoạt động trong bối cảnh mạng 3G mới là xu hướng mà các nhà mạng Việt Nam đang hướng tới.

Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh tại Việt Nam vẫn có nhiều điểm sáng, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu khí – năng lượng. SK Energy hiện là nhà sản xuất xăng dầu lớn nhất Hàn Quốc với năng suất lọc dầu hơn 1 triệu thùng/ngày cùng các trạm xăng màu cam-đỏ phổ biến nhất nước này.

Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) bắt đầu thiết lập quan hệ với SK Energy từ đầu những năm 90 bằng việc nhập khẩu xăng dầu từ Yukong Singapore (tiền thân của SK Energy). Năm 2007, SK Energy bắt đầu cung cấp dầu diesel cho Petrolimex bằng tàu trọng tải lớn tại vịnh Vân Phong (Khánh Hoà, Việt Nam). Từ năm 2008, SK Energy cung cấp thêm xăng RON 95 và sau đó là RON 92.

Tháng 11/2017, Chủ tịch của SK Group - ông Chey Tae-won - đã sang Việt Nam và có cuộc tiếp kiến với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tại buổi gặp, hai bên đã bàn bạc về những lĩnh vực mà SK có kinh nghiệm thực thi, và SK cũng thể hiện mong muốn tham gia cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam.

Năm 2018, SK Energy tiếp tục đẩy mạnh đầu tư lĩnh vực dầu khí bằng việc nộp hồ sơ đề nghị mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược của Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL). Đấu thầu với SK Energy là các công ty Idemitsu (Nhật Bản), cùng hai công ty Việt Nam là Quỹ đầu tư Sacom và Tập đoàn Sovico.

Ngoài ra, cũng trong năm 2018, SK E&C đã trúng gói thầu trị giá hơn 2 tỷ USD nhằm xây dựng nhà máy polypropylene và polythylene tại Dự án Hóa dầu Long Sơn tại tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Có thể thấy SK đang phát huy thế mạnh, đồng thời gia tăng sự hiện diện trong chuỗi giá trị dầu khí tại Việt Nam.

Quay trở lại với SK Telecom, công ty này cũng đang tìm cách tái gia nhập thị trường viễn thông Việt Nam bằng việc hợp tác với đối tác đầu ngành là Mobifone. Cụ thể, SK Telecom sẽ cung cấp cho Mobifone giải pháp để thiết kế và xây dựng hệ thống mạng LTE đến năm 2020, đồng thời hợp tác phát triển mạng 5G, IoT (Internet of Things) và các giải pháp giá trị gia tăng khác. Với tốc độ tương đương 4G, mạng LTE sẽ giúp người dùng smartphone truy cập vào mạng nhanh hơn nhiều so với hệ thống 3G hiện tại.

Với giao dịch trị giá 470 triệu USD để mua lại toàn bộ 110 triệu cổ phiếu cổ phiếu quỹ của Masan Group, SK Group đã trở thành cổ đông nước ngoài lớn nhất, nắm giữ 9,5% cổ phần của tập đoàn này. SK group đã mua cổ phiếu MSN với giá 100.000 đồng/cổ phiếu, như vậy MSN được định giá ở mức 116,3 nghìn tỷ đồng (khoảng 5 tỷ USD).

Toàn bộ số tiền thu về từ giao dịch này sẽ giúp MSN chi trả nợ vay và giúp MSN tiết kiệm chi phí lãi vay khoảng 50 triệu USD/năm. Do đó, MSN kỳ vọng sẽ giảm tỷ lệ Nợ gộp/EBITDA xuống 2,5 lần vào cuối năm 2018 so với 3,7 lần vào đầu năm.

SK Group là một trong những tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc trong các lĩnh vực năng lượng, hóa chất, viễn thông, bán dẫn, logistics và dịch vụ. SK Group hoạt động tại hơn 40 nước trên toàn cầu và có tổng doanh thu là 141 tỷ USD tính đến cuối năm 2017. Tại Hàn Quốc, tập đoàn được biết đến với rát nhiều trạm xăng trên cả nước và sở hữu công ty viễn thông lớn nhất nước này, SK Telecom. SK Hynix, một công ty con của SK, là nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới về chip nhớ chỉ sau Samsung Electronics. SK Group hiện có 95 công ty con và công ty liên kết.