1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Tăng trưởng GDP quý II nhích nhẹ lên 4,66%

(Dân trí) - So với mức tăng trưởng GDP quý I là 4%, GDP quý II đã có nhích hơn song để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 6% là rất khó trong khi chỉ số tồn kho và số lượng doanh nghiệp giải thể, phá sản vẫn ở mức cao.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội trong 6 tháng đầu năm vừa được công bố sáng nay (29/6), tổng sản phẩm trong nước (GDP) nửa đầu năm 2012 ước tính tăng 4,38% so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, quý I tăng 4%; và quý II tăng nhỉnh hơn với tỉ lệ 4,66%. 

(Ảnh: Bích Diệp).

(Ảnh: Bích Diệp).

Trong mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế sáu tháng đầu năm nay, mức đóng góp mạnh nhất thuộc về dịch vụ, tăng 5,57% đóng góp 2,35 điểm phần trăm. Trong khi đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,81%, đóng góp 0,48 điểm phần trăm và khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 3,81%, đóng góp 1,55 điểm phần trăm. 

Theo đánh giá của cơ quan thống kê, mức tăng trưởng cả ba khu vực 6 tháng đầu năm nay đều thấp hơn mức tăng của cùng kỳ năm 2011 (Tăng trưởng của ba khu vực sáu tháng đầu năm 2011 lần lượt là 3,89%, 5,78% và 6,21%).

Lý giải cho tình trạng tăng trưởng kinh tế sáu tháng đầu năm nay đạt mức thấp, Tổng cục Thống kê cho biết, nguyên nhân do nhiều ngành, lĩnh vực gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm. Sản xuất công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn nhưng kết quả tăng thấp. 

Tuy nhiên, cũng theo nhìn nhận của cơ quan này, từ quý II, nền kinh tế đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt đối với khu vực công nghiệp và xây dựng: Giá trị tăng thêm của khu vực này quý I năm nay chỉ tăng 2,94% so với cùng kỳ năm trước, sang quý II đã tăng lên 4,52%, trong đó công nghiệp tăng từ 4,03% lên 5,4%. 

Bài toán khó giải nhất của nền kinh tế hiện nay là tình trạng tồn kho vẫn lớn, dù có thuyên giảm không đáng kể. Cụ thể, tiêu thụ sản phẩm trong ngành công nghiệp chế biến chậm dẫn đến lượng tồn kho cao. Chỉ số tồn kho tại thời điểm 1/6 vừa đây của ngành công nghiệp chế biến tăng 26% so với cùng thời điểm năm trước (chỉ số tồn kho cùng thời điểm năm trước là 15,9%). So với cùng kỳ năm trước, chỉ số tồn kho tháng ba là 34,9%, tháng tư là 32,1%, tháng năm là 29,4% và tháng sáu là 26%.

Những ngành có chỉ số tồn kho tiếp tục tăng cao có sản xuất giấy nhăn và bao bì tăng 130%; sản xuất xe có động cơ tăng 116,7%; chế biến và bảo quản rau quả tăng 113,3%; chế biến, bảo quản thủy sản và sản phẩm từ thủy sản tăng 30,5%; sản xuất xi măng tăng 29,3%..

(Nguồn: GSO).
(Nguồn: GSO).

Tỉ lệ phá sản ở doanh nghiệp FDI thấp nhất

Trên cơ sở chọn mẫu 9.331 doanh nghiệp cả nước về thực trạng doanh nghiệp và tình hình khó khăn của khu vực doanh, con số của cơ quan thống kê cho thấy,  tính từ thời điểm 1/1/2011 đến 1/4/2012, số doanh nghiệp thực tế còn hoạt động chiếm 91,6%, doanh nghiệp phá sản, giải thể và doanh nghiệp ngừng sản xuất kinh doanh, đang hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể chiếm 8,4%, trong đó số doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể chiếm 4,1%, số doanh nghiệp ngừng sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp chờ hoàn thành thủ tục phá sản, giải thể chiếm 4,3%.

Đáng lưu ý là trong 3 loại hình doanh nghiệp, doanh nghiệp ngoài nhà nước phá sản và giải thể chiếm tỷ lệ cao nhất với 9,1%. Mặc dù nhận được nhiều ưu ái, song tỉ lệ phá sản, giải thể ở  khu vực doanh nghiệp nhà nước cũng chiếm tới 2,7% và thấp nhất là khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với 2,4%.

Trong tổng số 784 doanh nghiệp phá sản, giải thể thuộc mẫu điều tra có đến 69,9% doanh nghiệp phá sản, giải thể là do sản xuất kinh doanh thua lỗ; 28,2% doanh nghiệp thiếu vốn để sản xuất kinh doanh, 14,7% doanhh nghiệp không tiêu thụ được sản phẩm. Ngoài ra, có 4,6% doanh nghiệp phải đóng cửa để thành lập doanh nghiệp mới hoặc chuyển đổi ngành nghề sản xuất kinh doanh và 4,6% doanh nghiệp đóng cửa để sáp nhập với doanh nghiệp khác.

Từ những hệ lụy trên khiến tỷ lệ thất nghiệp của lao động trong độ tuổi sáu tháng đầu năm 2012 đã ở mức 2,29%, trong đó khu vực thành thị ở mức cao hơn, với 3,62% so tỉ lệ tại khu vực nông thôn là 1,65%. Tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi sáu tháng đầu năm 2012 là 3,06%, trong đó khu vực thành thị là 1,92%, khu vực nông thôn là 3,6%. Lưu ý của Tổng cục Thống kê, khái niệm thất nghiệp ở đây là khi người lao động không hề tham gia hoạt động lao động, sản xuất nào.

Do đó, theo khuyến nghị của Tổng cục Thống kê, nhiệm vụ quan trọng ưu tiên hàng đầu hiện nay của cơ quan điều hành vẫn là nền tiếp tục và đẩy nhanh tiến độ thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 13 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường.

Trong khi đó vẫn phải thực hiện kiểm toán chặt chẽ các doanh nghiệp, ngăn chặn hoạt động chuyển giá, hạch toán làm tăng chi phí sản xuất; xác định đúng và đầy đủ nợ xấu của doanh nghiệp. Trong điều kiện có nhiều khó khăn thách thức như hiện nay thì việc tăng cường năng lực và chất lượng trong quản trị doanh nghiệp nhằm nâng cao tính chủ động, sáng tạo trong điều hành quản lý sản xuất kinh doanh là việc làm quan trọng và cấp thiết, không chỉ cho mục tiêu trước mắt mà là chiến lược lâu dài bảo đảm sự ổn định vững chắc cũng như sự phát triển của doanh nghiệp trước mọi thách thức. 

Bích Diệp