1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Tăng kịch trần thuế môi trường với xăng A95 để khuyến khích E5?

(Dân trí) - Trong khi lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định rằng không thể cái gì cũng kiến nghị về thuế thì giới chuyên gia cho rằng, giảm thuế bảo vệ môi trường với E5 để khuyến khích người dùng thì được nhưng tăng với A95 lại là giải pháp không nên.

Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định: Không cứ cái gì cũng đề nghị lên thuế, thuế phải có đạo lý, bản chất của nó.
Lãnh đạo Bộ Tài chính khẳng định: "Không cứ cái gì cũng đề nghị lên thuế, thuế phải có đạo lý, bản chất của nó".

Tăng thuế môi trường với A95, giảm với E5?

Trong một công văn gửi tới Liên Bộ Tài chính - Công Thương mới đây, Công ty TNHH Một Thành viên Dầu khí TPHCM (Saigon Petro) kiến nghị, để tạo khoảng cách chênh lệch giá so với xăng A95 đủ lớn và đúng quy định về khung thuế bảo vệ môi trường Saigon Petro cho rằng cần áp dụng thuế tuyệt đối cho từng loại xăng.

Cụ thể, bên cạnh thuế bảo vệ môi trường xăng khoáng A95 từ 3.000 đồng lên 4.000 đồng một lít, doanh nghiệp đầu mối xăng dầu này kiến nghị cần xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng E5 xuống thêm 500 đồng/lít hoặc tính mức giảm thuế bảo vệ môi trường xăng E5, không tính thuế đối với xăng này theo tỷ lệ Ethanol như hiện nay.

Trước đó, Bộ Tài chính đã đưa ra dự thảo lấy ý kiến về việc tăng thuế bảo vệ môi trường trong đó có việc tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu. Theo dự thảo, mức tăng đối với xăng là 1.000 đồng một lít và 500 đồng một lít đối với dầu DO.

Tuy nhiên, theo Saigon Petro, nếu được Quốc hội thông qua thì mức thuế đối với xăng A95 là 4.000 đồng/lít, xăng E5 là 3.800 đồng/lít. Mức chênh lệch thuế giữa hai loại xăng là 200 đồng một lít. Tuy nhiên, mức chênh lệch như vậy là "quá thấp không khuyến khích sản xuất, cũng như sử dụng nhiên liệu E5 của người tiêu dùng. Trong khi xăng E5 được đánh giá là tác động tốt đến môi trường".

"Giảm thuế phải có đạo lý, bản chất"

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, nếu để tạo chênh lệch giá giữa xăng E5 và RON 95 thì phải tìm cách khác chứ không thể kiến nghị hạ giá bất cứ sản phẩm nào cũng yêu cầu hạ thuế. Hiện thuế bảo vệ môi trường được tính theo tỷ lệ ethanol, không chỉ với xăng E5 mà còn với xăng E10, nên sẽ "không có cách khác được”.

“Không cứ cái gì cũng đề nghị lên thuế, thuế phải có đạo lý, bản chất của nó. Thuế bảo vệ môi trường bản chất là đánh vào những sản phẩm gây ô nhiễm môi trường. Như mặt hàng xăng chỉ đánh vào phần xăng dầu hóa thạch, etanol không đánh thuế môi trường, nên thuế bảo vệ môi trường với xăng E5 chỉ bằng 95% xăng khoáng. Giờ anh muốn tạo chênh lệch anh lại muốn đưa vào thuế vào đây thì có đạo lý không?", ông Thi nói.

Hơn nữa, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng cho rằng, để tạo điều kiện phát triển xăng E5 và E10, dù thuế suất thuế tiêu thụ đặc biệt cũng được tính theo tỷ lệ ethanol nhưng đã được cơ quan quản lý giảm mạnh từ 9,5% và 9% xuống còn 8% và 7%.

"Hiện lại muốn giảm cả thuế môi trường thì phải có căn cứ xem xét, phải có đạo lý chứ", ông nhấn mạnh.

"A95 cõng nhiều loại thuế phí rồi"

Dưới góc độ chuyên gia, bình luận về đề xuất thay đổi về thuế bảo vệ môi trường để tạo chênh lệch giá giữa xăng A95 và xăng E5, khuyến khích người tiêu dùng sử dụng xăng E5, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói ngắn gọn: "Nói chung tăng thì không nên, giảm thì nên giảm".

"Muốn tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng A95 thì anh phải nói rõ với dân vì sao lại tăng, nếu để bù lại ngân sách thì cũng chỉ là một cách nói, còn nếu để tăng ngân sách thì họ (doanh nghiệp) không đủ tư cách đề xuất, mà phải là cơ quan quản lý Nhà nước", ông Phong nói.

Còn theo TS Ngô Trí Long: "Đề xuất về thuế bảo vệ môi trường như vậy là không nên vì giời người tiêu dùng đã chuyển sang sử dụng A95 nhiều rồi. Trong khi đó, xăng A95 đã cõng nhiều loại thuế phí rồi, không thể tăng thêm được đâu. Giờ chỉ còn cách giảm thuế bảo vệ môi trường với E5 nữa thôi".

Ngoài ra, ông Long cho rằng, muốn sử dụng xăng E5 nhiều thì ngoài khuyến khích, tuyên truyền, đảm bảo chất lượng thì có thể có thêm cái giải pháp khác về thuế.

"Vấn đề về thuế như thế nào, đặc biệt là thuế nguồn bán E5 phải giảm. Ví dụ giờ có doanh nghiệp Tùng Lâm sản xuất thôi mà giá của doanh nghiệp này cao hơn 1,3-1,5 lần so với Brazil, Mỹ… vì thuế nhập khẩu cao dù đã được giảm từ 20% đã xuống 18%. Giờ mức thuế này phải thấp hơn nữa thì mới khuyến khích người dùng", ông Long nói.

Phương Dung

Tăng kịch trần thuế môi trường với xăng A95 để khuyến khích E5? - 2