1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Tại sao ngân sách có những khoản thu “kỳ cục”?

(Dân trí) - “Không hiểu tại sao bây giờ chúng ta còn có những khoản thu mà trước đây bảo để ngoài cân đối, hay bây giờ chúng ta dùng thuật ngữ là chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước. Tại sao có những khoản thu kỳ cục?”, đại biểu Minh đặt câu hỏi.

Thảo luận về dự thảo Luật ngân sách nhà nước (sửa đổi), đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) cho hay, các khoản thu, khoản chi của ngân sách nhà nước phải được dự toán nhưng đề nghị Ban soạn thảo của Ủy ban thường vụ Quốc hội nên rà soát thêm điều bao nhiêu đại biểu, cử tri, nhân dân băn khoăn.

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam).
Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam).

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
“Không hiểu tại sao bây giờ chúng ta còn có những khoản thu mà trước đây chúng ta bảo để ngoài cân đối, hay bây giờ chúng ta dùng thuật ngữ là chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước. Tại sao có những khoản thu kỳ cục?”, đại biểu Minh đặt câu hỏi.

Theo lý giải của vị đại biểu này, nếu để ngoài có nghĩa là không đưa vào dự toán thu chi, bên cạnh đó còn có nhiều quỹ tài chính hoạt động độc lập với ngân sách, do cơ quan có thẩm quyền quyết định.

“Tôi thấy đây là những điều rất băn khoăn. Nguồn lực của đất nước, nguồn lực ngân sách vốn đã kém, yếu, hạn chế, nếu làm như thế này là vô hình trung chúng ta làm phân tán nguồn lực của đất nước, kể cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cũng xem thêm chỗ này để chúng ta rà lại, hạn chế đến mức thấp nhất nếu không muốn nói là chúng ta khắc phục triệt để vấn đề này”, đại biểu phân tích.

Đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) lại bày tỏ thái độ không đồng ý với quy định lấy khoản vay mới để trả nợ gốc đến hạn. Bởi mục đích vay là để đầu tư phát triển, để tạo ra thu nhập tăng thêm.

Đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế).
Đại biểu Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế).

“Tức là khi đi vay, chúng ta tính toán làm thế nào để khoản vay đó có hiệu quả mới vay, nếu không chắc hiệu quả là không vay. Hiệu quả ở đây là hiệu quả kinh tế - xã hội. Chi đầu tư phát triển lại tạo ra nguồn tăng thêm. Có nghĩa sử dụng nguồn vay đấy phải tạo ra nguồn thu tăng thêm về thu nhập và tăng thêm thu ngân sách, nguồn thu ngân sách đó phải tăng thêm khoản vay và có một khoản dư. Dẫn đến khi chúng ta nợ là chúng ta phải lấy ngay nguồn thu tạo ra từ khoản vay đó để trả nợ, tức là lấy từ nguồn thu ngân sách để trả nợ”, đại biểu Mạo lý giải.

Theo đại biểu, quy định lấy khoản vay mới để trả nợ gốc, khi đến hạn sẽ dẫn đến mấy vấn đề đáng lo lắng, quan ngại. Bởi, nếu quy định như thế sẽ không thấy hiệu quả sử dụng vốn vay, che lấp sử dụng yếu kém của vốn vay. “Chúng ta nói là lấy khoản vay mới trả nợ gốc, không có quan hệ nào giữa trả nợ gốc này với kết quả sử dụng khoản vay trước đây, nó che lấp hoàn toàn yếu kém sử dụng nợ vay trước đây”, đại biểu nói.

Thứ hai, quy định trên sẽ làm cho chủ thể đi vay ít bị áp lực khi đi vay, ít quan tâm đến hiệu quả sử dụng vay. Chủ thể đi vay hiện nay không phải chỉ có Quốc hội. Trước đây và hiện nay là Quốc hội nhưng theo dự thảo luật mới này không chỉ có Quốc hội mà 63 tỉnh, thành. 63 tỉnh thành này là chủ thể đi vay, cứ vay nợ mới để trả nợ gốc, vừa làm cho chủ thể đi vay ít quan tâm đến hiệu quả và rất dễ tùy tiện đi vay, dẫn đến vay rất nhiều.

“Chúng ta đã cho lấy khoản vay mới để trả nợ gốc, chúng ta không có quan hệ gì với hiệu quả vay, chúng ta ít quan tâm đến hiệu quả vốn vay. Điều quan trọng hơn là quy định này sẽ tạo ra một cơ chế, cơ chế đó làm cho việc đi vay ít để ý đến sử dụng hiệu quả của nguồn vốn vay. Quy định này dẫn đến ngân sách nợ nần triền miên và không bao giờ cân đối được ngân sách. Bởi vì, lấy vay mới trả nợ cũ, năm này qua năm khác, quyết định ngân sách như thế thì có bao giờ chúng ta thoát ra được khỏi nợ nần ngân sách, cứ nợ nần triền miên. Đây là những vấn đề tôi thấy rất quan ngại”.

Đánh giá dự án Luật đã tiếp thu, chỉnh lý khá nhiều, đại biểu Lê Đình Khanh (Hải Dương) cho hay: Tại kỳ họp này, khi nhận Báo cáo quyết toán ngân sách năm 2013, chúng tôi không thấy chụp dấu mật như các kỳ họp trước, các khóa trước, đó là một sự công khai, minh bạch và dân chủ hơn.

Đại biểu Khanh chia sẻ: Trước đây, cầm báo cáo ngân sách mà có chữ "mật", ông “rất ngại, đem về địa phương rất lo, như thế này thì Quốc hội công khai ở chỗ nào? Dân chủ ở chỗ nào? Mọi người có được biết cái này không? Tôi cho rằng chúng ta đã làm được việc ấy, tôi rất hoan nghênh và khẳng định đây là một sự tiến bộ hơn”.

Tuy nhiên, đại biểu Khanh cho rằng, trong luật còn điểm thấy chưa thật sự hợp lý. Quy định của luật trước là vay bội chi ngân sách chỉ để bù đắp thiếu hụt do đầu tư phát triển, không có chuyện làm vào việc khác.

Trong quá trình đó, chúng ta đã có một lần dùng bội chi vào việc trả nợ, đã phá rào quy định của luật, tất nhiên Quốc hội cho phép. Kỳ này chúng ta đưa hẳn vào luật để trả nợ lãi vay đến hạn, đi vay nợ mới về để đảo nợ, quy định tại Khoản 3, Điều 7 này rõ ràng là một bước thụt lùi. Nên chăng ta quay trở lại như quy định cũ, chỉ vay để đầu tư phát triển. Nếu chúng ta thu được ít ngân sách, một nền kinh tế vĩ mô không thể ổn định vững chắc khi thu không đủ chi. Nếu thu không đủ chi, đi vay trông chờ ở khoản vay để chi thì làm sao có ổn định vững chắc về kinh tế vĩ mô được.

“Vấn đề ngân sách, đầu năm giao dự toán phải cân đối đến từng đồng, từng xu. Nhưng có khi vượt thu hàng ngàn tỷ ở một địa phương cũng chỉ do vài người quyết định. Chuyện này là chưa hợp lý. Tôi cho rằng cơm không ăn, gạo còn đó, nên chăng chúng ta để cho năm sau phân bổ đưa vào dự toán của năm tới những khoản vượt thu đó sẽ hợp lý hơn, để mọi người bàn bạc?”, đại biểu đặt câu hỏi.

Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng).
Đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng).

Còn theo đại biểu Thân Đức Nam (Đà Nẵng), khi chúng ta còn duy trì tính chất ngân sách Nhà nước lồng ghép, nhưng trong phạm vi có thể cần minh bạch hơn về quyền và trách nhiệm của chính quyền địa phương. Tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền địa phương trong phạm vi ngân sách được phân quyền. Bởi vì tính chất lồng ghép của hệ thống ngân sách nhà nước mà nhiều chi, tiêu, thu, chi của ngân sách cấp dưới do cấp trên ấn định.

“Điều này đã không khuyến khích cấp dưới cân đối thu, chi, lập dự toán tích cực mà thường xuyên có xu hướng lập dự toán thấp, dự toán chi cao để được nhận hỗ trợ nhiều hơn. Trên thực tế chính quyền địa phương mới chỉ được ban quyền về tổ chức thực hiện chi ngân sách còn thẩm quyền quyết định vẫn thuộc về Trung ương”, ông Nam lập luận..

Để tránh đầu tư dản trải, giảm áp lực ngân sách năm sau, đại biểu Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) lưu ý trong dự thảo cần quy định nguyên tắc sử dụng nguồn tăng thu để chi đầu tư, đó là càng tập trung cho việc đẩy nhanh tiến độ các dự án dở dang, đầu tư cho các dự án nên làm trong kế hoạch đầu tư công trung hạng, còn bố chí vốn mới cho các dự án cấp bách, mới phát sinh thì phải bố trí đủ vốn để hoàn thiện dự án.

 Bài: Nguyễn Hiền

Ảnh: Việt Hưng
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”