1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Tại sao MC Phan Anh quyên góp được nhiều tiền?

(Dân trí) - Lý giải cho vấn đề này, Nguyễn Khắc Giang, đại diện nhóm nghiên cứu của VERP đoán định: “Có lẽ đó là vấn đề niềm tin. Khi một người tin tưởng số tiền đóng góp của mình sẽ được sử dụng đúng mục đích, họ sẽ sẵn sàng đóng góp một cách vui vẻ”.

Đó là câu hỏi mà các đại biểu đặt ra tại Hội thảo “Hướng tới sự phát triển bền vững của các tổ chức xã hội và các tổ chức cộng đồng dưới góc độ tài chính” do Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam và Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách (VERP) tổ chức sáng nay (22/12).

Tại sao MC Phan Anh quyên góp được nhiều tiền? - 1

Tại Hội thảo, Thạc sỹ Nguyễn Khắc Giang, đại diện nhóm nghiên cứu đặt vấn đề: “Tại sao trong đợt miền Trung gặp lũ lụt trước đây MC Phan Anh lại quyên góp được rất nhiều tiền như thế?”. Ông Giang cho hay: Bản thân nhiều công chức, viên chức khi đóng góp từ thiện ở cơ quan mình có thể cảm thấy không thoải mái, nhưng họ lại sẵn sàng đóng góp cho các cá nhân, tổ chức khác có uy tín trong công tác từ thiện.

Lý giải cho vấn đề này, ông Giang đoán định: “Có lẽ đó là vấn đề niềm tin. Khi một người tin tưởng số tiền đóng góp của mình sẽ được sử dụng đúng mục đích, họ sẽ sẵn sàng đóng góp một cách vui vẻ”.

Đồng tình với ý kiến này, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, vấn đề niềm tin đã khiến cá nhân, doanh nghiệp sẵn sàng hưởng ứng lời kêu gọi của MC Phan Anh quyên góp ủng hộ những địa phương gặp thiên tai.

“MTTQ Việt Nam khi phát động, nhiều khi các đơn vị tuyên bố ủng hộ hàng tỷ đồng. Nhưng sau đó MTTQ Việt Nam phải gọi điện để thúc giục họ đóng góp. Đôi khi có những đơn vị tuyên bố ủng hộ lại chẳng đóng góp đồng nào”, ông Doanh nói.

Tại sao MC Phan Anh quyên góp được nhiều tiền? - 2

Ông Doanh cũng cho rằng, còn nhiều rào cản, hạn chế lỗi thời đối với các tổ chức xã hội và tương lai cần phải tiệm cận với những tiêu chuẩn tiên tiến của thế giới về xã hội dân sự.

Ông Đặng Thuần Phong, Phó Chủ nhiệm Ủy các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng: Những vấn đề liên quan đến các tổ chức xã hội mà nghiên cứu đề cập sẽ là những chất liệu tốt cho Quốc hội, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan chuẩn bị tốt hơn Luật về Hội.

TS. Vũ Sỹ Cường, thành viên nhóm nghiên cứu cho hay: hiện cả nước có hơn 43 nghìn hội, hiệp hội không hưởng ngân sách. Các tổ chức này góp phần không nhỏ thực hiện công tác an sinh xã hội, trợ giúp người yếu thế, và là kênh truyền thông hiệu quả giữa Nhà nước và người dân.

Tuy nhiên trong khoảng vài năm trở lại đây, nhóm các tổ chức xã hội đang phải đối diện với nhiều thách thức tồn tại, đặc biệt là vấn đề thiếu hụt nguồn lực tài chính để hoạt động.

Nghiên cứu của VEPR được thực hiện từ tháng 5/2016 đến tháng 12/2016 tại Hà Nội, TP. HCM, Sóc Trăng, Thừa Thiên Huế và Điện Biên cho thấy, chính sách quản lý của các tổ chức xã hội hiện nay chưa hiệu quả, không phát huy được năng lực của các tổ chức này trong việc giải quyết các vấn đề xã hội. Ngoài các rào cản liên quan đến pháp lý và tài chính, các tổ chức xã hội ở Việt Nam cũng đang gặp phải những rào cản liên quan đến môi trường hoạt động. Trong đó đáng kể nhất là thái độ chưa thân thiện của người dân về hoạt động của tổ chức xã hội.

VERP khuyến nghị các địa phương xây dựng cơ chế phân bổ ngân sách rõ ràng cho các tổ chức xã hội (TCXH), dựa trên nhu cầu phúc lợi địa phương và qua hình thức đấu thầu quỹ hoạt động, theo đúng tinh thần của Luật Ngân sách Nhà nước sửa đổi 2015.

“Cần xây dựng chính sách ưu đãi cụ thể, rõ ràng hơn cho những đóng góp thiện nguyện của doanh nghiệp cho các TCXH không thuộc Nhà nước, đặc biệt là chính sách về thuế. Cần đơn giản hóa các thủ tục hoàn thuế cho các hoạt động phúc lợi của các TCXH, xóa bỏ phân biệt trong việc hỗ trợ hoạt động thiện nguyện do các tổ chức quần chúng công phát động và hoạt động do các tổ chức ngoài công lập phát động”, TS. Vũ Sỹ Cường kiến nghị.

Hà Anh