1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Tài sản nhiều ngân hàng “mất” hàng nghìn tỷ đồng

(Dân trí) - Trong khi tài sản của nhóm ngân hàng TMCP sụt giảm hàng nghìn tỷ đồng, thì tài sản của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước lại tăng gần 2,5% so với đầu năm. Tính đến 30/6, tổng tài sản của toàn hệ thống tổ chức tín dụng đạt hơn 6,6 triệu tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến thời điểm 30/6/2015, tổng tài sản của toàn hệ thống tổ chức tín dụng đạt hơn 6,6 triệu tỷ đồng, tăng 1,52% so với đầu năm 2015.

Ngoại trừ khối ngân hàng cổ phần, các loại hình tổ chức tín dụng đều tăng tài sản. Cụ thể, so với đầu năm, tổng tài sản của khối ngân hàng cổ phần giảm 0,47%.

Theo thống kê từ các báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2015, 7/17 ngân hàng có tổng tài sản giảm sau 6 tháng đầu năm với tổng số tài sản giảm lên tới 52.256 tỷ đồng.

 

Tài sản nhiều ngân hàng “mất” hàng nghìn tỷ đồng - 1

Tài sản nhiều ngân hàng “mất” hàng nghìn tỷ đồng

 

Tốc độ giảm mạnh nhất có lẽ là Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank). Tính đến ngày 30/6, tổng tài sản của Eximbank đạt 130.170 tỷ đồng, giảm 19% so với đầu năm, tương đương “mất” 30.924 tỷ đồng.

Cùng với đó, tổng số nợ xấu của ngân hàng này tính đến thời điểm ngày 30/6 là 1.741 tỷ đồng, chiếm 2,08% trên tổng dư nợ, giảm so với kết quả 2,45% đầu năm. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn giảm 21% còn 1.051 tỷ đồng.

Tính đến 30/6, tổng tài sản của Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank) đạt 96.624 tỷ đồng, giảm 10,5% so với cuối năm 2014.

Tương tự, tổng tài sản của Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng giảm từ 80.712 tỷ đồng hồi đầu năm xuống còn 77.440 tỷ đồng, giảm 4%. Tổng tài sản của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) đạt 24.433 tỷ đồng, giảm 5,22%, Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank) giảm 1,8%...

Trong khi tài sản của nhóm ngân hàng TMCP sụt giảm, thì tài sản của nhóm ngân hàng thương mại Nhà nước lại tăng gần 2,5% so với đầu năm, đạt mức hơn 3 triệu tỷ đồng.

Cũng theo dữ liệu từ NHNN, tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tính đến ngày 30/6 đã lên tới trên 4,283 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 7,86% so với cuối năm 2014.

Trong khi đó, số liệu nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) tính đến ngày 30/6/2015 chiếm 3,72% tổng dư nợ (khoảng 160.000 tỷ đồng), giảm nhẹ so với mức 3,81% cuối tháng 3/2015, nhưng tăng so với tỷ lệ 3,49% tháng 1/2015.

Xét báo cáo tài chính của từng ngân hàng về cơ cấu nợ, nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) tiếp tục tăng lần lượt 51% và 22%, còn nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) có dấu hiệu suy giảm 14% so với cuối năm 2014.

Theo NHNN, từ tháng 3/2015, số liệu nợ xấu phản ánh chính xác hơn về chất lượng tín dụng của các TCTD, không còn khác biệt nhiều giữa số liệu TCTD báo cáo và số liệu giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Vì lý do trên, tỷ lệ nợ xấu theo báo cáo của các TCTD trong tháng 01/2015, 02/2015, 03/2015 đã tăng lên lần lượt là 3,49%; 3,59%; 3,81% và tăng cao nhất vào thời điểm cuối Quý I/2015 (3,81%), do hầu hết các TCTD đã thực hiện tham chiếu nợ theo Trung tâm Thông tin tín dụng quốc gia Việt Nam (CIC).

Nhưng về bản chất, nợ xấu đang có xu hướng giảm đi khi so sánh với tỷ lệ nợ xấu theo giám sát của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (theo kết quả phân loại nợ lại từ thông tin của CIC) với tỷ lệ nợ xấu lần lượt là 4,83% vào tháng 12/2014; 4,55% vào tháng 01/2015; 4,75% vào tháng 02/2015 và 3,81% vào tháng 3/2015.

Nguyễn Hiền

 

Tài sản nhiều ngân hàng “mất” hàng nghìn tỷ đồng - 2