1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Tài sản gần tỷ USD, CEO vẫn sống trong nhà di động

(Dân trí) - Với khối tài sản ròng 840 triệu USD, Tony Hsieh, Giám đốc điều hành (CEO) công ty bán lẻ trực tuyến Zappos.com, đủ khả năng tậu một hòn đảo ở vùng Caribbean hay một dinh thự tráng lệ nhìn ra biển. Tuy nhiên, ông lại sống trong một khu nhà di động ở Las Vegas.

Khu nhà di động của Tony Hsieh.
Khu nhà di động của Tony Hsieh.

“Bây giờ, tôi gặp gỡ hàng xóm mỗi ngày nhiều hơn so với khi còn sống trong căn nhà ở ngoại ô hoặc trong một tòa chung cư”, Hsieh nói.

Cũng cần phải nói rằng, khu nhà di động mà Hsieh đang sống thuộc sở hữu của ông, rộng khoảng nửa hecta. Đây là nơi tập trung khoảng 30 ngôi nhà di động dạng toa xe Airstream màu bạc mà ông cho các nhà lập trình máy tính thuê để làm chỗ ở.

Tới sống trong khu nhà di động, Hsieh - sinh ra trong một gia đình người Đài Loan nhập cư vào Mỹ và có bằng Đại học Harvard - bỏ lại sau lưng một căn hộ rộng rãi nằm trên tầng 23 trong một tòa nhà cao cấp. Ngoài vài vật dụng cá nhân cần thiết, vị CEO 41 tuổi chỉ mang theo thú cưng là một con lạc đà không bướu.

Cộng đồng sống trong khu nhà di động được Hsieh đặt tên gọi là Llamapolis.

Được biết, mỗi căn nhà di động dạng toa xe hiệu Airstreams rộng chừng 20 m2 sản xuất năm 2013 có giá bán khoảng 48.000 USD. Bên trong mỗi căn nhà di động này được trang bị đầy đủ tiện nghi công nghệ cao, được ốp gỗ, có dàn âm thanh Bluetooth và hai chiếc ti vi

Bên trong một căn nhà di động.
Bên trong một căn nhà di động.


Dù “không giống ai”, việc Hsieh chuyển tới sống trong khu nhà di động không phải là chuyện ngạc nhiên đối với những người biết rõ về ông. Hsieh là một vị CEO nổi tiếng với lối sống căn cơ, tiết kiệm. Ông chấp nhận mức thu nhập 36.000 USD/năm để đổi lấy việc được toàn quyền điều hành Zappos theo ý muốn của mình.

“Đối với Tony, tiền chỉ là một phương tiện để đạt mục đích”, Erik Moore, một nhà đầu tư rót vốn vào Zappos, cho biết. “Tiền đối với ông ấy không có nhiều ý nghĩa. Nếu chỉ còn lại 1 triệu USD, ông ấy sẵn sàng chi 999.999 USD cho khu nhà di động của mình, và chỉ giữ lại 1 USD trong tài khoản ngân hàng”, Moore nói.

Hsieh từng miêu tả khu nhà di động của ông như một “trải nghiệm cắm trại thú vị đối với tất cả những người cùng nhau chia sẻ phòng khách lớn nhất thế giới’”. Những người sống trong khu nhà di động này cũng đã bàn nhau về khả năng một ngày nào đó mở một khách sạn di động lớn nhất thế giới ở giữa trung tâm Las Vegas.

Trải nghiệm cuộc sống phóng khoáng của Hsieh ở khu nhà di động cũng được phản ánh trong “Holacracy” - một triết lý về quản lý mà Hsieh áp dụng ở Zappos nhằm tạo ra một môi trường bình đẳng, loại bỏ những trật tự truyền thống để thúc đẩy sáng tạo. Những yếu tố làm nên triết lý quản lý này gồm có tự tổ chức, làm việc theo nhóm, và ra quyết định theo vùng.

Hsieh nói rằng hầu như không có quy tắc nào ở khu nhà di động Llamapolis của ông, nhưng những người sống ở đây luôn đề cao việc đóng góp cho cộng đồng nhiều hơn những gì họ nhận được. Điều đó có thể là nấu ăn giúp những người hàng xóm hoặc chơi nhạc để mọi người cùng nghe.

Trong làng công nghệ, Hsieh được coi là một “người nổi tiếng”. Ông từng bán công ty đầu tiên mà ông sáng lập là LinkExchange cho Microsoft với giá 265 triệu USD. Sau đó, ông đầu tư vào Zappos, trở thành CEO của công ty này, rồi bán công ty cho “đại gia” bán lẻ trực tuyến Amazon với giá 1,2 tỷ USD vào năm 2009. Tuy vậy, Hsieh vẫn tiếp tục giữ cương vị CEO của Zappos.

Phương Anh
Theo Washington Post

Dưa lưới vàng Trung Quốc đang được bày bán la liệt trên đường
phố Hà Nội