1. Dòng sự kiện:
  2. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Kết quả kinh doanh

Tài sản đại gia Trịnh Văn Quyết hồi phục thần tốc: 22% trong 3 ngày

(Dân trí) - ROS có vẻ như đã xác lập xong đáy vào ngày 6/2 kể từ đợt lao dốc hồi cuối tháng 12/2019 và giá trị tài sản của đại gia Trịnh Văn Quyết cũng phục hồi tương ứng.

Tài sản đại gia Trịnh Văn Quyết hồi phục thần tốc: 22% trong 3 ngày - 1

Cổ phiếu ROS của doanh nghiệp ông Trịnh Văn Quyết là một trong những mã diễn biến tích cực nhất phiên 11/2

Dập dìu trong suốt phiên giao dịch 11/2, các chỉ số trên thị trường chứng khoán cuối cùng cũng đã giữ được trạng thái tăng điểm bất chấp thanh khoản khá yếu.

VN-Index tăng 3,94 điểm tương ứng 0,42% lên 934,67 điểm còn HNX-Index tăng 0,8 điểm tương ứng 0,77% lên 104,78 điểm. UPCoM-Index cũng tăng 0,3 điểm tương ứng 0,54% lên 55,67 điểm.

Thanh khoản đạt 179,35 triệu cổ phiếu tương ứng giá trị giao dịch 3.178,25 tỷ đồng trên HSX và 26,33 triệu cổ phiếu tương ứng 264,53 tỷ đồng trên HNX. Thị trường UPCoM có 5,85 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 102,8 tỷ đồng.

Trong phiên này, bức tranh thị trường đã trở nên tích cực hơn hẳn khi có đến 360 mã tăng giá, 35 mã tăng trần so với 240 mã giảm và 31 mã giảm sàn.

Trong nhóm tăng trần, cổ phiếu ROS của FLC Faros tiếp tục đạt trạng thái tăng trần phiên thứ 3 liên tiếp, lên 8.620 đồng/cổ phiếu, khớp lệnh đạt 5,2 triệu đơn vị, cuối phiên không còn dư bán và dư mua giá trần lên tới hơn 3 triệu đơn vị.

Có vẻ như ROS đã xác lập xong đáy tại phiên 6/2, mức giá thấp nhất của cổ phiếu này với 7.050 đồng/cổ phiếu và hiện tại, nhà đầu tư vẫn đang tích cực mua vào. Mức tăng hiện tại so với đáy là hơn 22% và giá trị tài sản cổ phiếu của đại gia Trịnh Văn Quyết cũng hồi phục tương ứng.

Trước đó, cổ phiếu ROS bất ngờ “đổ đèo” và mất phanh kể từ phiên 25/12/2019, “bốc hơi” đến 63,5% giá trị từ mức giá tham chiếu của phiên này là 23.600 đồng.

Tài sản đại gia Trịnh Văn Quyết hồi phục thần tốc: 22% trong 3 ngày - 2

Giá cổ phiếu ROS hồi sinh từ đáy

Trong phiên hôm qua, dẫn dắt cuộc chơi là cổ phiếu ngân hàng. Nhóm nay hôm nay bật tăng rất mạnh mẽ và trở thành đầu tàu kéo thị trường tăng. BID đóng góp cho VN-Index 1,99 điểm; CTG đóng góp 1,24 điểm; VPB đóng góp 0,57 điểm; VCB, TCB, STB, MBB cũng là những mã có ảnh hưởng tích cực nhất lên chỉ số.

Ngược lại, một số mã vốn hoá lớn khác lại có diễn biến giảm như VNM, GAS, HPG, VIC, SAB… và khiến cho VN-Index không thể tạo được đột phá và giằng co đi ngang trong gần suốt phiên 11/2.

Tương tự, trên HNX, hai “ông lớn” ngành ngân hàng là SHB và ACB cũng quyết định đến mức tăng của HNX-Index. Cụ thể, riêng SHB đóng góp cho chỉ số sàn này 0,59 điểm và ACB đóng góp 0,16 điểm.

Đưa ra đánh giá về triển vọng của thị trường, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, VN-Index sẽ tiến vào vùng kháng cự 937-943 điểm trong phiên kế tiếp. Nếu tiếp tục vượt qua vùng cản này, chỉ số sẽ mở rộng đà hồi phục với đích đến kế tiếp nằm tại vùng 960-965 điểm trong ngắn hạn.

Mặc dù vậy, diễn biến dịch viêm phổi nCoV vẫn còn khá phức tạp và chưa có dấu hiệu được kiểm soát nên rủi ro ảnh hưởng tiêu cực đến diễn biến thị trường là điều vẫn cần phải tính đến.

Trên cơ sở đó, BVSC vẫn đang thiên về khả năng thị trường sẽ tiếp tục cần thêm thời gian dao động tích lũy trong vùng được giới hạn bởi vùng hỗ trợ 920-922 điểm và vùng kháng cự 937-943 điểm.

Nhóm chuyên gia khuyến nghị nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức 15-25% cổ phiếu. Nhà đầu tư có thể thực hiện mở các vị thế mua trading trong các nhịp điều chỉnh của thị trường, đặc biệt là ở các vùng hỗ trợ đã được đề cập. Đồng thời, tập trung vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, công nghệ thông tin và một số cổ phiếu bluechips cơ bản tốt nhưng giá đang giảm về các vùng hỗ trợ ngắn hạn.

Mai Chi