1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Sửa luật, Kiểm toán Nhà nước muốn mở rộng đối tượng đến tận "người nộp thuế"

(Dân trí) - Kiểm toán Nhà nước cho rằng cần quy định làm rõ đơn vị được kiểm toán hoặc đơn vị có liên quan để bao quát hết các tổ chức có hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

kiemtoan_fjhg.jpg

Kiểm toán Nhà nước muốn mở rộng đối tượng đến tận "người nộp thuế".

Báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước (KTNN), Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, sau 3 năm thực hiện Luật KTNN 2015, cho thấy nhiều vấn đề phát sinh cần phải giải quyết, một số quy định bộc lộ những bất hợp lý cần phải nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Theo ông Phớc, phạm vi, đối tượng kiểm toán và đơn vị kiểm toán hiện chưa đồng bộ, thống nhất; hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, chưa đảm bảo sự tương thích giữa Luật này với các Luật khác có liên quan; chưa khắc phục được tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong công tác kiểm toán và thanh tra, kiểm tra…

Đáng lưu ý, lần sửa đổi này, Kiểm toán Nhà nước cho rằng cần quy định làm rõ đơn vị được kiểm toán hoặc đơn vị có liên quan để bao quát hết các tổ chức có hoạt động quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Theo đó, Kiểm toán Nhà nước đề xuất đối tượng nằm trong diện kiểm toán sẽ bao gồm cả người nộp thuế, khai thác đất đai, tài nguyên, khoáng sản và những tổ chức khác có hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công...

Theo Chủ nhiệm Ủy ban thẩm tra Nguyễn Đức Hải, theo quy định của Luật Quản lý thuế, khái niệm "người nộp thuế" bao gồm cả tổ chức, hộ gia đình và cá nhân. Do đó, việc mở rộng đối tượng kiểm toán sẽ có phạm vi ảnh hưởng rất rộng, không chỉ các tổ chức mà còn cả hộ gia đình và cá nhân có nghĩa vụ nộp thuế đều thuộc diện đơn vị được kiểm toán.

Điều này dẫn đến chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với cơ quan quản lý thuế. Đồng thời, người nộp thuế chỉ góp phần tạo lập, không tham gia vào quy trình quản lý, sử dụng tài chính công nên chỉ có vai trò phối hợp cung cấp thông tin.

Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đặt vấn đề về tính khả thi trong việc kiểm toán bao quát đối tượng là người nộp thuế, từ cá nhân, hộ gia đình, cơ quan, tập thể, hợp tác xã, trong quốc doanh, ngoài nhà nước.

Đồng quan điểm, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng cho rằng: "Đối tượng nộp thuế gồm các doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp tư nhân, đến cá nhân, kể cả cán bộ lãnh đạo, những người lương cao cũng là đối tượng nộp thuế. Tôi thấy nên cân nhắc chỗ này".

Thảo luận về dự án Luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, đa số ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí về việc cần sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật KTNN.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, đối tượng kiểm toán không mở rộng so với với Điều 4 của Luật KTNN hiện hành, chỉ làm rõ các đối tượng có liên quan trong hoạt động của KTNN.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng dẫn lại Điều 4 của Luật KTNN hiện hành cho biết: “Đối tượng kiểm toán của KTNN là việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị được kiểm toán”.

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý phạm trù “Tài sản công” rất rộng, khái niệm “Tài chính công” cần làm rõ những vấn đề liên quan như tiền công quỹ, vấn đề lưu chuyển tiền công, việc hình thành các quỹ đầu tư công… Đây cũng đều là đối tượng của kiểm toán.

“Tài chính tư” không phải là đối tượng của kiểm toán, nhưng những vấn đề của “tài chính tư” liên quan đến hoạt động kiểm toán thì cũng thuộc đối tượng của kiểm toán. Nhưng quy định đối tượng kiểm toán là người nộp thuế lại là không được, vì như thế quá rộng. Thường vụ nêu ý kiến dứt khoát như vậy", ông Hiển nhấn mạnh.

Về dự thảo quy định cho phép KTNN xử phạt hành chính, đa số ý kiến của UBTVQH cho rằng cần cân nhắc. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra có thể nghiên cứu thêm ý kiến cho phép KTNN xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm trong Điều 8 của Luật KTNN quy định như: “Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ cho cuộc kiểm toán theo yêu cầu của Kiểm toán nhà nước và Kiểm toán viên nhà nước; Cản trở công việc của KTNN và Kiểm toán viên nhà nước”….

Phương Dung

bannerchan-bai.gif