1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

TP.HCM:

Siêu thị đông nghẹt, chợ truyền thống vắng khách

(Dân trí) - Trong khi tại các chợ truyền thống, những ngày nghỉ lễ này, sức mua giảm mạnh vì người dân thành phố đổ đi du lịch thì tại các siêu thị, sức mua vẫn tăng mạnh từ trên 50% so với ngày thường.

Trong hai ngày 30/4 và 1/5, bên cạnh việc đến các khu vui chơi giải trí, nhiều người dân Sài thành chọn đi siêu thị mua sắm. Vào giờ cao điểm, từ gần trưa đến giờ đóng cửa, các siêu thị như BigC, Co.opMart, LotteMart… lúc nào cũng động nghẹt khách hàng.

Siêu thị đông nghẹt, chợ truyền thống vắng khách - 1

Sức mua tại các siêu thị tăng cao trong những ngày nghỉ lễ

Không tổ chức đi du lịch, chị Ánh (ở đường Tân Tạo, Q. Tân Bình) quyết định cùng cả gia đình đi mua sắm. “Gia đình tôi mời người thân đến nhà tổ chức ăn uống nên tôi mua chủ yếu là thực phẩm tươi, đồ khô, rau củ, nước uống là chính. Hoá đơn thanh toán thời gian gần đây đều nhỉnh hơn một chút nhưng đành chấp nhận thôi vì là tình hình chung mà” - chị Ánh cho hay.

Ghi nhận của PV, sức mua trong 2 ngày lễ tại các siêu thị đều tăng mạnh so với ngày thường, vượt hẳn so với sức mua trong đợt giỗ Tổ Hùng Vương. Các mục tiêu doanh thu đặt ra từ các siêu thị đều đạt kết quả khả quan, thậm chí vượt chỉ tiêu.

Bà Nguyễn Thị Vũ Linh, đại diện siêu thị LotteMart cho biết, mặt dù tình hình giá cả tăng cao, người dân siết chặt chi tiêu nhưng kết quả hoạt động trong ngày lễ 30/4 và 1/5 tại siêu thị này vẫn rất khả quan.

“Chỉ riêng trong ngày 30/4, trung bình có khoảng 30 nghìn lượt khách đến mua sắm, vui chơi tại mỗi hệ thống của LotteMart. Lượng khách tăng gấp đôi so với ngày thường, tăng trên 20% với kỳ nghỉ giỗ Tổ và cũng cao hơn so với dịp 30/4 năm ngoái. Sang ngày 1/5, lượng khách tiếp tục tăng lên 40%” - bà Linh nói.

Siêu thị đông nghẹt, chợ truyền thống vắng khách - 2

Trong khi tình hình kinh doanh tại các chợ truyền thống lại gặp khó khăn vì người dân đi nghỉ lễ dài ngày

Cũng theo bà Linh, nguyên nhân khiến nhiều người chọn “giải pháp” ở nhà nghỉ ngơi và đi mua sắm là do giá cả leo thang. Cùng với đó là tâm lý sợ đám đông tại các địa điểm du lịch xa, tiêu nhiều tiền mà không được hưởng dịch vụ xứng đáng với chi phí bỏ ra.

Trong những ngày lễ, hệ thống siêu thị BigC chuẩn bị một lượng hàng hóa lớn, tăng lượng dự trữ lên 30% so với những ngày nghỉ cuối tuần bình thường. Có hơn 1.600 mặt hàng ở nhiều ngành hàng giảm giá từ 5-50% trong đợt này.

Các nhóm hàng tăng mạnh là thực phẩm như hàng cá, thịt, thực phẩm đông lạnh bơ sữa, bánh kẹo, thực phẩm khô chế biến và hóa mỹ phẩm. Tại nhiều siêu thị, các mặt hàng này bình quân tăng đến gần 100% so với các ngày bình thường.

Trái ngược lại với sức mua ở các siêu thị, tại các chợ truyền thống trong những ngày lễ này, sức mua lại giảm đi thấy rõ. Tại các chợ Bến Thành, Đa Kao, Tân Bình, Gò Vấp… tất cả các mặt hàng kinh doanh từ thực phẩm đến thời trang không còn cảnh người mua tấp nập như mọi ngày. Nhiều hàng quán rơi vào cảnh hàng hóa bị ế ẩm do sức mua bị giảm mạnh.

“Tưởng rằng ngày lễ hàng sẽ bán chạy nhưng không ngờ ế ẩm thế này. Hàng tôi bán ra kém hơn mọi ngày. Trong ngày 30/4 tôi ế gần 1/3 lượng hàng, ngày 1/5 buộc phải lấy hàng giảm đi”, một tiểu thương bán thịt tại chợ Gò Vấp cho hay vào trưa 2/5.

Theo nhiều tiểu thương, nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nghỉ lễ dài, người dân đổ đi du lịch. Người dân ở lại thành phố lại có thời gian thư thả hơn mọi ngày để mua sắm tại siêu thị, nơi có nhiều chương trình giảm giá, khuyến mãi hơn.

Hoài Nam