DMagazine

Shark Nguyễn Hòa Bình: "Startup sợ nhất là cô đơn chứ không phải kẻ thù"

(Dân trí) - "Startup sợ nhất là cô đơn chứ không phải kẻ thù, thiếu nhất là long mạch chứ không phải thiếu tiền", ông chủ NextTech - Nguyễn Hòa Bình khẳng định khi bàn về câu chuyện "startup sợ gì".

Hơn 20 năm chinh chiến, lăn lộn trên thương trường, ông chủ NextTech hiểu rằng, thứ startup sợ nhất là cô đơn chứ không phải kẻ thù, thiếu nhất là long mạch chứ không phải thiếu tiền. Và đó là lý do mỗi khi xuất hiện trên truyền thông, người ta thấy Shark Nguyễn Hòa Bình luôn đi tìm tri kỷ và muốn làm tri kỷ với các startup.

Shark Nguyễn Hòa Bình: Startup sợ nhất là cô đơn chứ không phải kẻ thù

Gặp chúng tôi, Shark Bình ngừng gõ bản thảo cuốn sách về chặng đường 20 năm kinh doanh, khởi nghiệp mà ông đang soạn, tếu táo giải thích: "Dạo này "đói" quá nên phải viết sách kiếm tiền!".

Đam mê kiếm tiền cũng được Shark Bình đôi lần thừa nhận khi trò chuyện cùng Dân trí. Trong đó, thú vị nhất là ký ức những ngày đầu ông bắt đầu khởi nghiệp khi mới 19 tuổi. 

Shark Nguyễn Hòa Bình: Startup sợ nhất là cô đơn chứ không phải kẻ thù

Nghe nói năm 19 tuổi, chỉ với 2 triệu đồng trong tay, ông đã mở công ty "một mình tôi" với 3 không (không vốn, không trụ sở, không nhân viên), ông có thấy mình liều quá không?

- Tôi nghĩ đấy là dấn thân, chứ không phải liều. Dấn thân có nghĩa là tự quăng mình vào một công việc, hành động nào đó mặc dù đã lường trước được rủi ro hoặc nguy hiểm, còn liều thì không. Thực ra, trong cuộc đời tôi có nhiều bước ngoặt mà mỗi bước ngoặt ấy đều có sự dấn thân.

Tôi nhớ vào năm 2001, lần đầu tiên tôi kiếm được 2 triệu đồng từ việc viết phần mềm "Bản đồ phòng chống lũ lụt một số tỉnh đồng bằng sông Hồng". Với số tiền đó, tôi sắm cho mình một chiếc điện thoại di động second-hand hiệu Ericsson. Số còn lại dùng để đăng ký thành lập công ty vì Luật Doanh nghiệp năm 1999 cho phép thành lập doanh nghiệp rất dễ dàng mà không cần vốn pháp định. Nhưng điều quan trọng nhất ở đây là tôi "ngửi thấy mùi tiền" từ các dịch vụ phát triển phần mềm nên muốn thừa thắng xông lên, với kỳ vọng sẽ ký được những hợp đồng lớn.

Lúc đưa ra quyết định, tôi đã phải đấu tranh tư tưởng rất nhiều vì sợ mọi người chê cười là "tinh vi, thích thể hiện, chơi trội". Tôi vẫn nhớ như in cảm giác tần ngần, đứng trước cửa Phòng đăng ký kinh doanh trên phố Quán Thánh (Hà Nội) 30 phút mới dám vào nộp hồ sơ, trước sự ngỡ ngàng, sững sờ của các anh chị chuyên viên đăng ký.

Shark Nguyễn Hòa Bình: Startup sợ nhất là cô đơn chứ không phải kẻ thù

Ngày 16/4/2001, tôi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, lúc đó, tôi mới 19 tuổi 7 tháng 8 ngày. Nghe to vậy thôi, chứ công ty tôi đúng là hội tụ đủ 3 không như bạn đề cập là "không vốn liếng, không trụ sở, không nhân viên". Và tình trạng này còn kéo dài và tiếp diễn trong suốt những năm tôi học đại học. Lúc đó, công việc chính của tôi là đánh du kích các dự án công nghệ thông tin, săn giải thưởng ở các cuộc thi phần mềm để chuẩn bị cho các cú "boom" sau này.

Tôi khá tò mò đại bản doanh, căn cứ địa của ông chủ NextTech khi còn "3 không" đó trông như thế nào?'

- Đó là cái phòng ngủ nhà tôi. Nó rộng khoảng 20 m2, trong đó có đặt một bộ máy tính, một cái bàn học, một chiếc giường, một chiếc tủ... thế thôi! Nhưng tôi nói rõ, cái máy tính ấy không phải mua cho tôi mà mua cho anh trai tôi vừa đỗ Đại học Kiến trúc. Để mua được chiếc máy tính, năm 1994, bố mẹ tôi phải bán một mảnh đất. Giờ mảnh đất đấy còn, giá chắc phải tăng 100 lần.

Tuy nhiên, phải đến giữa năm 1996 khi chuẩn bị lên cấp 3, tôi mới được sờ vào máy tính. Lúc chưa được động vào thì thấy nó kinh khiếp lắm nhưng động vào rồi, tôi cảm thấy mình như trở thành một đấng gì đó, vì có thể điều khiển cả bộ máy. Sau đó, tôi bắt đầu học, tiếp xúc với lập trình rồi mê từ lúc nào không hay. Thậm chí, tôi còn giấu mẹ đọc sách lập trình, tiết kiệm tiền bằng việc nhịn ăn sáng để mỗi tháng đạp xe 40 km sang Đại học Bách Khoa mua sách về tự học.

Chính nhờ thế, trong những năm học cấp 3, tôi đã tạo ra một sản phẩm đỉnh cao là phần mềm chạy trên nền DOS mô phỏng một Hệ điều hành giao diện đồ họa trông như Windows 95.

Shark Nguyễn Hòa Bình: Startup sợ nhất là cô đơn chứ không phải kẻ thù - 7

Vậy làm cùng lúc 3 "vai", vừa đi học, vừa đi code dạo, vừa khởi nghiệp, ông có cảm thấy mệt không?

- Không! Cái đấy gọi là đam mê, khi mình đam mê cái gì đấy thì mỗi ngày đi làm là một ngày vui. Thói quen đấy theo tôi đến tận bây giờ, nên cứ hở ra lúc nào thì làm thôi, có thời điểm, tôi làm việc 14 tiếng một ngày.

Ngày xưa, do chán cảnh "ráo mồ hôi là hết tiền" và muốn "đi ngủ tiền cũng về" nên ông quyết định bỏ nghề code dạo chuyển sang xây mô hình mới. Đến bây giờ, giấc mơ của ông thành hiện thực chưa?

- Hiện tại, giấc mơ "đi ngủ tiền cũng về" của tôi đã thành hiện thực, khi tôi có những nền tảng ngày đêm đẻ ra tiền, thậm chí còn kiếm được tiền của Tây.

Nhớ giai đoạn năm 2004, tôi cảm thấy thấm mệt sau 3 năm đi code dạo vì lúc nào cũng phải chạy đi tìm khách hàng, kiếm hợp đồng. Rồi lại phải lo cạnh tranh với các chiêu trò phi kỹ thuật, giữ mối làm ăn và nguy cơ nhân viên ly khai luôn thường trực.

Tôi ngộ ra, nếu cứ mãi như thế này thì sẽ mòn nghề, mòn người mà không để lại được gì cho đời. Trong khi, tốc độ đào thải của ngành công nghệ thông tin rất nhanh, nếu tôi cứ thế này, đến 35 - 40 tuổi sẽ đi chậm đi và ì hơn, không cẩn thận là phải chuyển sang nghề khác. Do đó, tôi bắt đầu nghĩ về một mô hình kinh doanh "đi ngủ tiền cũng về" nên quyết định khởi nghiệp thêm mảng thương mại điện tử và duy trì mảng gia công phần mềm theo dự án để lấy ngắn nuôi dài.

Shark Nguyễn Hòa Bình: Startup sợ nhất là cô đơn chứ không phải kẻ thù - 8

Shark Bình có vẻ rất thích chuyển đổi. Cứ qua một thời gian, tôi lại thấy ông thay đổi mô hình kinh doanh và chuyển đổi "khẩu vị". Vậy có điều gì khiến ông nhất quyết không thay đổi?

- Đúng là tôi luôn chuyển đổi. Kinh doanh mà không chuyển đổi, không liên tục xoay chuyển thì chết lâu rồi. Gần 20 năm qua, tôi xoay chuyển nhiều nhưng có khoảng 5 lần chính và chưa kể những lần phụ.

Còn điều tôi nhất quyết giữ lại, không thay đổi là tinh thần sáng tạo không ngừng nghỉ, nghĩa là cái gì cũng phải thay đổi, bởi không có gì là bền chắc hết. Tôi từng đọc một nghiên cứu, họ có tổng kết rằng, bất kỳ một doanh nghiệp nào cũng gặp phải một thách thức nghiêm trọng sau 3 - 5 năm. Bởi lúc đó, thị trường nào cũng bão hòa, đồng nghĩa với việc, doanh nghiệp phải lột xác.

Shark Nguyễn Hòa Bình: Startup sợ nhất là cô đơn chứ không phải kẻ thù - 10

Điển hình vào năm 2015, tôi và anh Nguyễn Hữu Tuất cùng nhau phát triển nền tảng thanh toán tại cửa hàng có tên là mPoS.vn. Chúng tôi kỳ vọng, đây sẽ là chiếc máy quẹt thẻ hiện đại nhất, tiện dụng nhất, đẹp mắt nhất và có thể đánh bại, thay thế hàng trăm nghìn máy quẹt thẻ già nua, xấu xí, cục gạch của ngân hàng. Tuy nhiên mPoS đã không bán được do gặp đối thủ cạnh tranh quá lớn… là ngân hàng.

Lúc đó, ngân hàng "cho không" các cửa hàng máy quẹt thẻ truyền thống, còn chúng tôi là startup thì lấy đâu ra tiền mà cho, nên buộc phải bán. Chưa kể phí giao dịch thanh toán thẻ của mPoS còn đắt hơn máy của ngân hàng vì chúng tôi phải mua lại dịch vụ xử lý thanh toán. Còn phía khách hàng là các cửa hàng bán lẻ, họ không quan tâm đến cái "nhất" mà chúng tôi quảng cáo, họ cứ cái gì ngon, bổ, rẻ, sẵn có mà dùng thôi.

Sau 2 năm, thị trường đã tát cho chúng tôi một cú đau điếng khi tiêu hết 1 triệu USD mà kết quả không như mơ. Nhiều lúc, tôi đã nghĩ đến chuyện đóng cửa, giải tán. Còn muốn sống còn, chúng tôi buộc phải chuyển đổi và tư duy khác.

Đó là lý do, sau này, mPoS đã từ bỏ mục tiêu thay thế máy quẹt thẻ của các ngân hàng mà tập trung vào thị trường ngách là cửa hàng bán lẻ, chưa từng chấp nhận thanh toán thẻ ngân hàng do họ chưa đạt đủ quy mô và doanh số để ngân hàng cấp miễn phí máy quẹt thẻ. Còn khi đã sống rồi, mPoS có thể quay lại tấn công các cửa hàng bán lẻ và chuỗi lớn là khách hàng truyền thống của ngân hàng.

Trên con đường khởi nghiệp, ông có thấy mình may mắn không?

- May mắn chứ. Điều may mắn đầu tiên của tôi là luôn có một tinh thần dấn thân sâu sắc hay có thể gọi là "máu". Thứ hai là mình tìm được đam mê ngay từ khi còn trẻ. Những cái đó sẽ tạo ra nền tảng, còn việc mình gặp ông này, ông kia ở chỗ này chỗ kia thì chỉ là sự kiện thôi, còn yếu tố nền tảng vẫn là con người.

Theo quan điểm của tôi, mỗi lần dấn thân chính là một lần gieo "hạt may mắn" và một số trong đó sẽ nảy mầm thành "quả may mắn". May mắn sẽ không tự nhiên tìm đến nếu không kiên trì "gieo hạt". Còn cứ ngại ngùng không dám vượt qua chính mình thì chắc chắn sẽ không có cơ hội chạm đến may mắn, chứ chưa nói đến thành công.

Ngẫm lại hơn 20 năm khởi nghiệp, tôi nhận ra hầu hết các bước ngoặt thành công của mình đều đến từ những lần dấn thân, vượt qua chính mình. 10 lần dấn thân thì sẽ có đến 8 - 9 lần thất bại, cũng như gieo 10 hạt thì chỉ đơm được có 1 - 2 trái ngọt.

Shark Nguyễn Hòa Bình: Startup sợ nhất là cô đơn chứ không phải kẻ thù - 12

Vậy thất bại nào khiến ông nhớ nhất?

- Thất bại thì tôi nhiều lắm. Trong đó, thất bại khiến tôi nhớ nhất là chuyện "đứt gánh" với eBay. Thời điểm ấy, chúng tôi có vị trí khá tốt trong ngành thương mại điện tử Việt Nam nhưng lại bị phụ thuộc quá nhiều vào nhà đầu tư. Việc phát triển được hay không lại phụ thuộc vào tâm lý, chiến lược của nhà đầu tư chứ không phải do mình.

Qua thất bại đó, tôi đã học được 2 thứ. Thứ nhất là tự lực, tự cường mới điều là quan trọng nhất. Nếu phụ thuộc vào ai đấy thì sống chết của mình là do người đấy chứ không phải do mình. Còn bài học thứ hai với doanh nghiệp công nghệ là nhiều khi năng lực công nghệ, năng lực vận hành chưa chắc là cốt lõi, bởi trong một số trường hợp, năng lực cốt lõi lại là năng lực tài chính, gọi vốn.

Shark Nguyễn Hòa Bình: Startup sợ nhất là cô đơn chứ không phải kẻ thù - 14

Trên sóng Shark Tank, người ta thấy ông hay mắng startup, thậm chí là mắng phũ phàng. Một số ý kiến cho rằng, ông cứ mắng thẳng thừng như vậy sẽ khiến startup thui chột niềm tin, ông nghĩ sao?

- Đâu phải lúc nào tôi cũng mắng. Có startup tốt, tôi rất cổ vũ đấy chứ, thậm chí là giành giật, tranh nhau đầu tư cơ mà. Còn những startup chưa tốt, nhìn thấy họ "chết", mình phải khuyên can, đấy chính là giúp họ.

Đã nhiều lần tôi nói rằng, nếu startup không tỉnh ra sẽ thất bại, sẽ mất tiền, mất cơ hội và mất niềm tin. Mất niềm tin vào bản thân mình, mất niềm tin của người khác. Cái mất niềm tin rất nguy hiểm, chứ mất tiền có thể kiếm lại, mất cơ hội này có thể có cơ hội khác. Chứ mất niềm tin sẽ khiến mình không dám bắt đầu lại, không dám làm lại hay còn cơ hội gượng dậy nữa.

Shark Nguyễn Hòa Bình: Startup sợ nhất là cô đơn chứ không phải kẻ thù - 16

Là con người, chúng ta ắt hẳn có lúc nhận định sai. Ông đã từng nhận định sai về một người, một mô hình mà sau này ông cảm thấy hối hận chưa, chẳng hạn như trên Shark Tank?

- Riêng trên Shark Tank thì ít mô hình tôi nhận định sai, còn trong cuộc đời thì nhiều câu chuyện tôi nhận định sai. Còn khi biết mình sai rồi thì phải sửa sai bằng cách nhảy vào làm lại nếu vẫn còn cơ hội.

Ví dụ năm 2011, khi nghe về mô hình kinh tế chia sẻ của Airbnb, Uber, tôi đánh giá mô hình này không có khả năng phát triển, khi nghĩ rằng, ai lại đi cho người lạ ở trong nhà hay cho người khác đi nhờ xe của mình.

Còn tại sao tôi nhận định sai thì nằm ở 3 nguyên nhân. Thứ nhất là góc nhìn của mình bị hạn chế, kiểu "ếch ngồi đáy giếng". Vì ở Việt Nam, mọi người hay có tâm lý thiếu tin tưởng nhau và đề phòng người lạ nhưng ở phương Tây, xã hội phát triển, kinh tế, pháp luật chặt chẽ, minh bạch thì cơ sở niềm tin cao hơn rất nhiều.

Thứ hai là ở Việt Nam, cái nhà, cái xe là thứ gì đó rất đắt tiền và thiêng liêng, còn ở phương Tây xã hội dư giả, giàu có, ô tô không khác gì xe máy của mình, họ có thể cho người ta đi nhờ là chuyện hết sức bình thường, không có gì tốn kém cả. Thứ ba là tôi chưa lường được hết thực tế, bởi mô hình không chỉ dừng lại ở Share Economy mà còn tiến tới Gig Economy.

Qua đó, tôi rút ra bài học là khi đánh giá một vấn đề, mình phải đánh giá ở nhiều góc độ, nhìn từ nhiều phía, nhiều điều kiện, môi trường khác nhau để không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào. Ví dụ, năm 2011, tôi chê trách mô hình kinh tế chia sẻ nhưng 2 - 3 năm sau, tôi sửa sai bằng cách đầu tư mạnh vào FastGo, HeyU.

Khi startup, ngoài có ý tưởng hay thì tiền cũng rất quan trọng, nhưng ông lại cho rằng, tiền có thể là điểm yếu khiến startup ngộ độc mà chết, sao ông lại có quan điểm trên?

- Trong tự nhiên lẫn thực tế kinh doanh đều thế. Startup được ví như những cây non hay vật nuôi còn nhỏ, nếu mình cho ăn nhiều quá, tưới tắm nhiều quá, bón phân nhiều quá, chúng sẽ chết. Còn trong kinh doanh, có startup được đầu tư rất nhiều tiền, thế nên, họ không sáng tạo nữa mà chỉ đi tiêu tiền… dẫn đến lạm chi, doanh thu èo uột rồi… chết. Tuy nhiên, cũng có một số startup may mắn thì cứ "lấy thịt đè người" như thế còn sống.

Shark Nguyễn Hòa Bình: Startup sợ nhất là cô đơn chứ không phải kẻ thù - 17

Ở trên thế giới, đã có nhiều câu chuyện về các startup chết vì nhiều tiền như WeWork, Ofo, Jawbone... khiến giới truyền thông phải thốt lên "cách làm hư con người ta nhanh nhất đó là vứt cho họ một cục tiền".

Không nói đâu xa, NextTech cũng từng mắc sai lầm khi đầu tư vào một số startup. Năm 2019, chúng tôi đầu tư vào mô hình Venture Build cho một nhóm bạn trẻ mở shop làm đẹp cao cấp. Tuy nhiên mới mở được một shop thì startup phá sản và quyết đóng cửa luôn. Nguyên nhân khách quan là do dịch Covid-19 nhưng nguyên nhân chính là do họ tiêu tiền nhanh quá.

Shark Nguyễn Hòa Bình: Startup sợ nhất là cô đơn chứ không phải kẻ thù - 19

Nhắc tới Nguyễn Hòa Bình là nhắc tới 3 từ "shark tri kỷ", phải chăng trong quá trình khởi nghiệp, ông quá cô đơn nên luôn đi tìm tri kỷ?

- Bản chất khi làm doanh nghiệp hay còn gọi là làm chủ thì rất cô đơn. Lý do là bởi, người đứng đầu rất khó có sự chia sẻ. Tức là bao giờ cũng có tồn tại mâu thuẫn lợi ích giữa người làm chủ và những người còn lại. Giả sử khi công ty thua lỗ, gặp khó khăn, không có tiền trả lương nhưng người làm chủ ra ngoài vẫn phải cười nói vui vẻ mà không thể chia sẻ với ai, bởi chia sẻ với nhân viên thì có khi loạn cả công ty.

Hơn nữa, khi làm startup mà không có người đi trước dặn dò, chỉ bảo cho mình những lỗi sai, kinh nghiệm thì mình rất dễ sẽ giẫm lại, đi lại. Chính vì thế, tôi mới có câu khẩu hiệu "startup sợ nhất là cô đơn chứ không phải kẻ thù, thiếu nhất là thiếu long mạch chứ không phải thiếu tiền".

Shark Nguyễn Hòa Bình: Startup sợ nhất là cô đơn chứ không phải kẻ thù - 21

Thế tôi hỏi thật, bây giờ ông còn cô đơn không?

- Giờ tôi không còn cô đơn nữa vì tôi cả hệ sinh thái gọi là Lương Sơn Bạc. Ở đó, lúc nào cũng có việc làm, có người để bàn bạc, có người để chia sẻ, trao đổi, bàn mưu tính kế.

Dạo gần đây, ông thường viết, chia sẻ quan điểm trên mạng xã hội, một số ý kiến cho rằng, giờ ông thành công rồi nói gì mà chẳng đúng nhưng số còn lại thì cho rằng ông đang "chém gió", ông nghĩ sao?

- Tôi rất thích một câu nói thế này, người giàu không có nghĩa là người có nhiều mà người giàu là người cho đi nhiều. Còn giàu ở đây có 2 nghĩa, một là giàu về vật chất, hai là giàu về kiến thức, tri thức. Ví dụ, một ông tỷ phú mà keo kiệt, bủn xỉn, không bao giờ làm từ thiện thì theo chuẩn mới đánh giá, sự "giàu" ấy lại là nghèo.

Trong lĩnh vực kiến thức, tri thức cũng vậy. Tôi cho rằng kiến thức, tri thức của mình không phải là số 1, hay nhất, giỏi nhất. Nhưng tôi nghĩ là mình giàu, vì mình biết chia sẻ đi, biết cho đi những kiến thức, kinh nghiệm, bài học thành công, bài học thất bại.

Thế nên, ai nói cứ nói, nhưng tôi sẽ hỏi ngược lại một câu là "bạn có gì để chém gió không".

Shark Nguyễn Hòa Bình: Startup sợ nhất là cô đơn chứ không phải kẻ thù - 22

Tại sao ông lại chọn trở thành vườn ươm cho các startup?

- Khi phong trào startup "trăm hoa đua nở" thì việc khởi nghiệp độc lập sẽ càng khó khăn hơn. Ở Trung Quốc, các startup công nghệ thường quy tụ về 4 "ngôi làng" là Baidu, Alibaba, Tencent và Xiaomi. Họ tham gia vào các hệ sinh thái này dưới hình thức gọi vốn đầu tư với mong muốn được mượn vai người khổng lồ làm bệ phóng.

Năm 2009, tôi ngộ ra triết lý này và bắt đầu đặt mục tiêu xây dựng một Lương Sơn Bạc. Mỗi startup gia nhập hệ sinh thái NextTech sẽ giống như một vị anh hùng gia nhập Lương Sơn Bạc. Từ đó, sản phẩm dịch vụ của startup này có thể là đầu vào của các startup kia và các startup có thể tương tác, hỗ trợ lẫn nhau.

Tôi luôn muốn NextTech sẽ trở thành một hệ sinh thái dẫn đầu với chiến lược đàn cá hổ. Tôi quan niệm, chúng tôi không cần phải trở thành con cá sấu hay cá mập mà hãy là một đàn cá nhỏ, tinh gọn, sắc bén, nhanh nhạy và quan trọng là phải trường tồn. Bởi nhiều con cá lớn, đến một ngày đẹp trời có thể lăn ra chết, còn đàn cá hổ thì khó chết cả đàn.

Thế tình hình kinh doanh của ông hiện ra sao?

- Tôi nghĩ tình hình kinh doanh của NextTech tốt hơn phần còn lại của xã hội, dù cũng có ảnh hưởng, cũng có suy giảm.

Shark Nguyễn Hòa Bình: Startup sợ nhất là cô đơn chứ không phải kẻ thù - 24

Năm nay là một năm sóng gió với nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các startup khi dịch Covid-19 bùng phát. Vậy theo ông, startup cần chuẩn bị những gì để không bị "sóng Covid-19" đánh trôi?

- Startup thời nào cũng vậy nhưng đặc biệt thời này là phải "khôn", khôn tức là khác biệt với số đông. Thứ hai, startup trong giai đoạn này, sống còn là quan trọng, còn sống thì có cơ hội gom nhặt thị trường vì thị trường rất nhiều ngành bị xóa cờ làm lại. Thứ ba là phải tận dụng công nghệ, phải chuyển đổi số mạnh mẽ và phải sử dụng càng nhiều công nghệ trong các khâu kinh doanh càng tốt.