1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

SCIC mang về 4.000 tỷ đồng từ thoái vốn

(Dân trí) - Tính đến 31/12/2013, SCIC đã bán vốn thành công tại 580 doanh nghiệp với tổng giá trị sổ sách trên 1.800 tỷ đồng, thu về cho nhà nước trên 4.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với giá trị sổ sách.

SCIC mang về 4.000 tỷ đồng từ thoái vốn
Danh mục đầu tư của SCIC đến 31/12/2013 có 369 doanh nghiệp với tổng giá trị theo sổ kế toán trên 14.000 tỷ đồng, giá thị trường trên 74.000 tỷ đồng.

Theo số liệu được đưa ra tại Hội nghị Tổng kết hoạt động năm 2013, triển khai kế hoạch năm 2014 của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) diễn ra chiều 13/1, các chỉ tiêu kinh doanh của SCIC năm vừa rồi đều vượt kế hoạch, đạt mức tăng trưởng cao so với năm 2012.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh


Cụ thể, lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 4.500 tỷ đồng, vượt 6% so với kế hoạch và tăng 23% so với năm 2012. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn Nhà nước đạt khoảng 18,7%, vượt 6% so với kế hoạch và tăng 12% so với năm 2012. 

Thực hiện Nghị định 204, Thông tư 187 của Bộ Tài chính, SCIC đã chuyển nộp Ngân sách nhà nước gần 1.800 tỷ đồng từ lợi nhuận. 

Báo cáo của SCIC cho thấy, sau khi tiếp nhận quyền đai diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại gần 1.000 doanh nghiệp, Tổng công ty đã thực hiện đánh giá và phân loại các doanh nghiệp tiếp nhận, trên cơ sở đó, tiến hành tái cơ cấu vốn nhà nước tại doanh nghiệp thông qua việc thoái vốn tại các doanh nghiệp hoạt động trong những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước không cần nằm giữ hoặc chi phối. 

Tính đến 31/12/2013, SCIC đã bán vốn thành công tại 580 doanh nghiệp với tổng giá trị sổ sách trên 1.800 tỷ đồng, thu về cho nhà nước trên 4.000 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần so với giá trị sổ sách.

Tự nhận định về hoạt động quản lý vốn, SCIC cho rằng, đa số các doanh nghiệp sau khi chuyển giao về Tổng công ty đều đạt kết quả khả quan trong sản xuất kinh doanh, như: CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), CTCP Dược Hậu Giang; CTCP Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Tổng CTCP Tái bảo hiểm quốc gia Việt Nam, CTCP Viễn thông FPT....

Danh mục đầu tư của Tổng công ty tại thời điểm 31/12/2013 có 369 doanh nghiệp với tổng giá trị theo sổ kế toán trên 14.000 tỷ đồng, giá thị trường trên 74.000 tỷ đồng. Qua kết quả này, SCIC cho rằng, hoạt động đầu tư trong thời gian vừa qua không những bảo toàn vốn nhà nước được giao mà còn tăng trưởng và đạt hiệu quả khá cao

Với nguồn tiền thu được từ bán vốn và lợi nhuận tích lũy qua các năm, SCIC đã sử dụng trên 12.000 tỷ đồng cho hoạt động đầu tư dưới nhiều hình thức như: mua cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp; góp vốn thành lập doanh nghiệp mới; đầu tư tăng vốn tại các doanh nghiệp có lợi thế trong sản xuất kinh doanh; đầu tư dự án trong các lĩnh vực như năng lượng, cơ sở hạ tầng, công nghệ cao…; hợp tác với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế triển khai các dự án trọng điểm.. 

Dự kiến, trong năm 2014, SCIC sẽ tập trung đôn đốc và tiếp nhận bàn giao vốn theo Chỉ thị 03 của Thủ tướng; tăng cường nghiên cứu, mua lại phần vốn thoái ngoài ngành của các Tập đoàn, Tổng công ty tại một số ngân hàng…  

Theo Đề án tái cơ cấu SCIC vừa được Thủ tướng phê duyệt hồi đầu tháng 12, giai đoạn đến 2015, SCIC được phép nắm giữ, đầu tư dài hạn tại CTCP Tổng công ty Tái bảo hiểm Quốc gia Việt Nam; CTCP Viễn thông FPT; CTCP Dược Hậu Giang và Vinamilk tuy nhiên phải thực hiện thoái vốn nhà nước tại 376 doanh nghiệp. Trong danh sách này có Ngân hàng TMCP Hàng Hải (Maritime Bank); Tập đoàn Bảo Việt; Tổng CTCP Xây dựng Điện Việt Nam; Công ty cổ phần FPT.

Nhựa Thiếu niên Tiền Phong, Nhựa Bình Minh, Nhựa Rạng Đông; TRAPHACO; Nhiệt điện Phả Lại; CTCP Nước khoáng Vĩnh Hảo, Muối Khánh Hòa, Mía đường Phan Rang, Xi măng Tiên Sơn, Tổng công ty cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex), Bảo vệ Thực vật An Giang... cũng thuộc danh mục doanh nghiệp mà SCIC phải rút vốn hoàn toàn.
 
Bích Diệp
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước