1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

Sau "bom tấn" nghìn tỷ, bầu Thuỵ rời ghế Chủ tịch Khách sạn Kim Liên

(Dân trí) - Bầu Thuỵ từng gây chú ý với việc chi 1.000 tỷ đồng để thâu tóm Khách sạn Kim Liên khi bỏ giá gấp 9 lần mức khởi điểm. Công ty vừa thoát lỗ lũy kế, bầu Thuỵ liền rút khỏi ghế Chủ tịch.

Kết quả phiên họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) thường niên năm 2020 của Công ty cổ phần Du lịch Kim Liên (đơn vị sở hữu Khách sạn Kim Liên) diễn ra mới đây đã gây bất ngờ.

Huỷ kế hoạch tăng vốn khủng, lộ cơ cấu cổ đông

Theo đó, ĐHĐCĐ Du lịch Kim Liên đã thông qua việc miễn nhiệm Thành viên Hội đồng quản trị đối với ông Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy) và ông Nguyễn Chí Kiên kể từ ngày 24/5/2020.

Đồng thời, bầu thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2018-2023 đối với ông Trịnh Văn Thiệm và ông Phan Mạnh Hùng. Trong đó, ông Trịnh Văn Thiệm được bầu đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT công ty thay cho ông Nguyễn Đức Thuỵ. Ông Thiệm cũng là người của Thaigroup.

Như vậy, bầu Thuỵ đã rút khỏi ban lãnh đạo Du lịch Kim Liên trước khi kết thúc nhiệm kỳ sau khoảng thời gian hơn 4 năm quản lý doanh nghiệp này và đưa Du lịch Kim Liên thoát khỏi tình trạng lỗ luỹ kế.

Sau bom tấn nghìn tỷ, bầu Thuỵ rời ghế Chủ tịch Khách sạn Kim Liên - 1

Thaigroup của bầu Thuỵ vẫn là cổ đông lớn nhất tại Khách sạn Kim Liên

Bầu Thuỵ từng gây chú ý với việc chi 1.000 tỷ đồng để thâu tóm Du lịch Kim Liên vào cuối năm 2015, thắng thế tuyệt đối so với các nhà đầu tư khác khi bỏ giá gấp 9 lần mức giá khởi điểm lúc bấy giờ.

Kể từ thời gian nói trên, cơ cấu cổ đông của Du lịch Kim Liên không được hé lộ thêm. Đến báo cáo thường niên năm 2019 vừa được phát hành thì cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp này mới được công khai chi tiết.

Theo đó, Thaigroup vẫn là cổ đông lớn nhất của Du lịch Kim Liên với tỷ lệ sở hữu 52,43%, người đại diện ngoài ông Nguyễn Đức Thuỵ còn có ông Vũ Hoàng và ông Trịnh Văn Thiệm.

Bên cạnh đó, Du lịch Kim Liên còn có các cổ đông lớn khác là Ngân hàng thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn Cầu (GP.Bank) nắm 9,69%; Công ty Tài chính Bưu điện nắm 6,69%; Công ty CP Tư vấn Xây dựng dân dụng và Công nghiệp Ninh Bình nắm 6,62%, Công ty Cổ phần Bình Minh Group nắm 11% và ông Nguyễn Cao Cường nắm 6,2%.

Tại phiên họp vừa rồi, ĐHĐCĐ Du lịch Kim Liên cũng thông qua tờ trình của HĐQT không thực hiện tăng vốn điều lệ theo Nghị quyết ĐHĐCĐ bất thường hồi tháng 1 năm 2020.

Trước đó, ngày 19/1/2020, Du lịch Kim Liên đã họp phiên bất thường để thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ nhằm đảm bảo nguồn vốn đối ứng cho việc triển khai Dự án tổ hợp công trình thương mại dịch vụ, khách sạn, văn phòng và khách sạn căn hộ cho thuê tại khu đất vàng số 5-7 Đào Duy Anh (Đống Đa, Hà Nội). Thời điểm đó, ĐHĐCĐ đã giao cho HĐQT tìm kiếm và lựa chọn đối tác tư vấn để xây dựng phương án tăng vốn. Vốn điều lệ dự kiến tăng khủng từ 70 tỷ đồng lên 2.768 tỷ đồng.

Tuy nhiên, qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu đồng thời xem xét ý kiến của cổ đông, HĐQT Du lịch Kim Liên nhận thấy việc tăng vốn điều lệ thời điểm hiện tại là không khả thi.

Không tăng vốn nhưng HĐQT Du lịch Kim Liên vẫn trình ĐHĐCĐ thông qua việc hợp tác đầu tư để triển khai dự án tổ hợp công trình thương mại nói trên tại “đất vàng” Đào Duy Anh.

HĐQT công ty được uỷ quyền tìm kiếm và lựa chọn đối tác; đàm phán và ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư/hợp đồng hợp tác kinh doanh để triển khai dự án nhưng không thành lập tổ chức kinh tế, đảm bảo nguyên tắc lợi nhuận hàng năm không thấp hơn lợi nhuận bình quân 4 năm gần nhất của Kim Liên và/hoặc lợi nhuận hàng năm không thấp hơn 25% vốn điều lệ tại thời điểm hiện tại.

Xoá được lỗ lũy kế nhưng vẫn còn trì trệ

Trong năm 2019, Du lịch Kim Liên mới bù đắp được hết lỗ luỹ kế, số lợi nhuận còn lại là khá khiêm tốn với 3,8 tỷ đồng.

Cụ thể, doanh thu thực hiện trong năm đạt 102 tỷ đồng, bằng 76% kế hoạch được giao. Nguyên nhân là trong năm 2019, doanh thu hai mảng chính là khách sạn và nhà hàng đều giảm mạnh. Doanh thu khách sạn giảm 12,86% so với năm 2018, doanh thu nhà hàng giảm 17,3% so với năm 2018 (do lượng khách đoàn giảm mạnh).

Kim Liên thừa nhận lượng khách hàng mới còn hạn chế, chưa khai thác được nhiều. Với cơ chế bán hàng chưa linh hoạt, chính sách hoa hồng khuyến mại chưa hấp dẫn nên khách hàng ngày càng có nhiều cơ hội để so sánh giá cả và chất lượng dịch vụ của các khách sạn cùng thể loại để lựa chọn.

Cơ sở vật chất của công ty cũng bị đánh giá là đã xuống cấp, thiếu đồng bộ, thiếu các trang thiết bị hiện đại. Sản phẩm dịch vụ của khách sạn, nhà hàng còn chưa phong phú, chưa tạo điểm nhấn. Đặc biệt là tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ nhân viên bán hàng dù có nhiều cố gắng song còn nhiều thời điểm bị khách hàng phàn nàn.

Trong khi đó, tiền thuê đất Kim Liên năm 2019 tăng so với năm 2018 là 1,43 tỷ đồng. Tại thời điểm 31/12/2019, Kim Liên có 26 hợp đồng và doanh thu cho thuê (bao gồm điện nước) với số tiền 28,67 tỷ đồng.

Doanh thu giảm nhưng lãi trước thuế của Kim Liên vẫn đạt hơn 16 tỷ đồng, vượt 7,16% kế hoạch và chính thức xoá lỗ luỹ kế.

Lợi nhuận chủ yếu năm 2019 của công ty này đến từ hoạt động cho thuê mặt bằng và lãi tài chính: cho thuê văn phòng kiot tăng gần 8,4 tỷ đồng, trông cho tăng hơn 1 tỷ đồng và lãi đầu tư tài chính tăng gần 1,7 tỷ đồng so với năm 2018.

Theo đó, Du lịch Kim Liên sẽ không chi trả cổ tức và cũng không thực hiện trích lập các quỹ, để dùng toàn bộ phần lợi nhuận này bổ sung năng lực tài chính cho công ty vượt qua những khó khăn do dịch bệnh kéo dài và những rủi ro kinh doanh có thể xảy ra trong năm 2020.

Hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng nặng nề vì Covid-19

Về kế hoạch năm 2020, Ban Tổng giám đốc của Kim Liên đã trình kế hoạch doanh thu chỉ đạt hơn 57,3 tỷ đồng, bằng 56% thực hiện của năm 2019, trong đó doanh thu khách sạn chỉ hơn 13,1 tỷ đồng, bằng 38% kết quả cùng kỳ; doanh thu nhà hàng hơn 8,3 tỷ đồng, bằng 31%.

ĐHĐCĐ Du lịch Kim Liên đã thông qua kế hoạch doanh thu thuần 62,31 tỷ đồng và kế hoạch lỗ hơn 8 tỷ đồng trong năm, không chia cổ tức.

Dịch Covid-19 được cho là đã ảnh hưởng rất tiêu cực lên hoạt động sản xuất kinh doanh của Kim Liên. Những tháng vừa qua, công ty đã phải ngừng hoạt động, không có doanh thu và lỗ.

Ban Tổng giám đốc của Kim Liên cũng cập nhật, trong tháng 3 vừa rồi, doanh thu khách sạn và nhà hàng của công ty này chỉ đạt trên 400 triệu đồng. Dự kiến dịch bệnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng làm giảm nghiêm trọng doanh thu khách sạn, nhà hàng, cho thuê mặt bằng của công ty cho đến hết quý 2/2020. Riêng trong tháng 4, hoạt động nhà hàng, khách sạn bị dừng theo Chỉ thị của Chính phủ.

Trong 6 tháng đầu năm, công ty dự kiến doanh sẽ rất thấp và nửa cuối năm sẽ phải nỗ lực tối đa để đẩy mạnh doanh thu lên bù đắp cho các sụt giảm này. Đây được cho là mục tiêu rất khó khăn vì thực tế trong năm 2019 và các năm gần đây, ngay cả trong điều kiện thuận lợi nhất thì Kim Liên cũng chưa tháng nào đạt được doanh thu 10 tỷ đồng.

Báo cáo của Ban kiểm soát cho biết, tại thời điểm 31/12/2019, nợ phải trả của Kim Liên là 33,2 tỷ đồng, hệ số nợ tăng từ 9,73% lên 29,7% thể hiện khoản nợ phải trả tăng mạnh. Hệ số tài trợ (nguồn vốn chủ sở hữu/tổng nguồn vốn) giảm từ 90,27% xuống 70,3% phản ánh khả năng tự chủ của doanh nghiệp về tài chính có chiều hướng đi xuống.

Khả năng thanh toán nợ ngắn hạn giảm mạnh từ 8,03 xuống 2,77 và khả năng thanh toán nhanh giảm từ 7,6 xuống 2,7 phản ánh khả năng tài chính để trả các khoản nợ ngắn hạn của công ty này gặp khó khăn trong ngắn hạn.

Mai Chi